Lao hạch là bệnh lao ngoài phổi thường gặp nhất, xuất hiện nhiều ở trẻ em. Khác với lao phổi, lao hạch không lây nhiễm cho người xung quanh qua tiếp xúc do vi khuẩn chỉ khu trú, phát triển ở trong hạch. Lao hạch có phải mổ không còn tùy thuộc vào tình trạng của hạch bị ảnh hưởng.
Khi nhận thấy hạch sưng to và được chẩn đoán bị lao hạch, người bệnh thường không biết lao hạch có phải mổ không hay điều trị bằng cách nào? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau đây nhé!
Lao hạch có phải mổ không?
Lao hạch được chia thành thể bao gồm: viêm hạch thông thường, thể viêm hạch và viêm quanh hạch, thể khối u.
Lao hạch có phải mổ không còn tùy thuộc vào tình trạng của hạch. Hầu hết các trường hợp lao hạch sẽ được điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị lao của chương trình chống lao quốc gia Việt Nam. Lao hạch không quá to và chưa có biến chứng có thể được chữa khỏi khi tuân thủ đúng phác đồ.
Một số trường hợp lao hạch cần phải mổ cắt bỏ hạch hay rạch dẫn lưu mủ nếu hạch to quá mức, đã hóa mủ. Bên cạnh đó, với những người sau 2 – 3 tháng điều trị nội khoa nhưng hạch vẫn tiến triển, phì đại và hóa mủ thì lúc này lao hạch phải mổ. Ngoài ra, người bệnh lao hạch thể khối u, lao hạch không thành mủ, các hạch lao tập trung một chỗ và di động cũng có thể được xem xét nạo bỏ hạch.
Các phương pháp mổ lao hạch
Các can thiệp ngoại khoa khi bị lao hạch có thể bao gồm chọc hút, dẫn lưu mủ; nạo, cắt bỏ hoàn toàn hạch bị ảnh hưởng và vùng da bên trên nếu cần thiết. Trong đó, chọc hút được xem xét khi các hạch có những thay đổi, có dấu hiệu chuẩn bị vỡ hay xì mủ. Còn nạo hạch lao được thực hiện khi tổn thương nằm gần dây thần kinh hoặc có tình trạng hoại tử da lan rộng. Riêng nếu đã hình thành đường dò, sẹo hay hoại tử thì phải cắt bỏ phần da bên trên hạch lao.
Đối với trường hợp vết thương sau mổ bị tiết dịch và có sẹo phì đại, có thể phải can thiệp thêm một lần nữa để rạch và dẫn lưu dịch ra ngoài; đôi khi cần mổ cắt bỏ hoàn toàn các mô bị ảnh hưởng.
Chi phí mổ lao hạch
Mổ lao hạch giá bao nhiêu còn phụ thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện, cơ sở điều trị, thời gian nằm viện và các vấn đề liên quan khác. Bạn có thể trao đổi về vấn đề này với bác sĩ điều trị hoặc tham khảo giá tại một số bệnh viện có thực hiện mổ lao hạch.
Ví dụ phẫu thuật bóc tách, cắt bỏ hạch lao to vùng cổ, vùng nách có giá khoảng 3.0000.000 đồng. Phẫu thuật nạo dò lao hạch có thể giá thấp hơn một chút. Chi phí mổ có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh và cơ sở y tế mà bạn điều trị.
Lưu ý để vết mổ lao hạch mau lành
Khi đã biết lao hạch có phải mổ không, bạn nên chuẩn bị kiến thức để chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật, giúp việc phục hồi được nhanh hơn và hạn chế các biến chứng.
Cho đến khi vết mổ lao hạch lành, người bệnh cần được thay băng mỗi ngày và chú ý theo dõi vết mổ, tránh để nhiễm trùng.
Tương tự như các vết mổ khác, bạn cần chăm sóc chúng cẩn thận cho đến khi lành hẳn. Điều đó giúp hạn chế để lại sẹo do vết mổ, giảm bớt cảm giác đau, khó chịu và giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề như nhiễm trùng. Bạn không nên:
- Cọ xát hay chạm vào vết mổ
- Tự ý tháo băng ra khỏi vết mổ trừ khi bác sĩ yêu cầu
- Sử dụng kem dưỡng da hay bất kỳ sản phẩm gì lên vết mổ
- Để vết mổ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
- Làm ướt hay để nước tiếp xúc với vết mổ trước khi bác sĩ cho phép.
Ngoài ra, bạn cũng cần tuân theo các hướng dẫn tự chăm sóc vết mổ lao hạch từ nhân viên y tế. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy hỏi lại nhân viên y tế hay bác sĩ thật rõ ràng. Khi tự thay băng tại nhà, bạn nên theo dõi kỹ xem vết mổ có các dấu hiệu nhiễm trùng hay không, chẳng hạn như rỉ nước, có mùi hôi, sưng đỏ, nóng, đau tăng lên hoặc chảy máu thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra lại.
Như vậy bị lao hạch có phải mổ không còn tùy thuộc vào tình trạng của hạch bị ảnh hưởng. Dù có cần mổ hay không, bạn cũng phải luôn tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Tuberculous Lymphadenitis
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: