Theo Đông Y học, Mạch nha có tính ôn, vị ngọt. Có tác dụng hành khí, tiêu thực, làm mất sữa. Chủ trị: Thực tích không tiêu, bầu vú đau trướng (phụ nữ cai sữa). Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Mạch nha, Lúa mạch, Mầm lúa, Mầm mạch
- Tên khoa học: Fructus Herdei germinatus.
- Họ: Lúa – (Poaceae.)
2. Đặc điểm dược liệu
- Mạch nha là một loại cây thảo sống hàng năm. Loại cây này có rễ dạng sợi, thân to, mọc thẳng đứng với chiều cao giao động từ 50 – 100cm. Cây có lá thẳng, hơi khô ráp, có lưỡi bẹ ngắn. Cây có hoa tạo thành cụm. Cụm hoa là bông có góc cạnh xuất hiện với rất nhiều bông nhỏ. Chúng đều sinh sản và xếp trên 4 dãy. Các mày hình dải, hơi hẹp và thon thành râu. Các mày thường nhỏ có kích thước gần bằng nhau. Đồng thời chúng đều có các râu mọc đứng với chiều dài khoảng 10 – 20cm. Cây có quả thon xuất hiện với hình trái xoan có rãnh dọc.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Hiện nay Việt Nam mới di thực vào trồng và đang được phát triển để làm nguyên liệu chế bia, Mạch nha để làm thuốc, nhưng dược liệu nhập từ Trung Quốc.
Bộ phận dùng
- Hột lúa mạch mì đã có mầm. Hột khô chắc cứng, mọc mầm đều, còn đủ mầm, không ẩm mốc, không nát là tốt. Xưa nay ta vẫn dùng hột Đại mạch nghĩa là Mạch nha không mầm, phơi khô. Như thế là không đủ. Nên dùng Cốc nha tức là hạt thóc tẻ (Oriza sativa L), thóc chiêm ngâm cho nẩy mầm rồi phơi khô.
Thu hoạch và sơ chế
- Quả được thu hái vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm.
- Lấy hạt đại mạch đã nhặt sạch, ngâm nước cho thấm 6/10 – 7/10. Vớt ra, bỏ vào rá, đậy kín. Mỗi ngày vẩy nước 1 lần, giữ độ ẩm cho đến khi hạt lúa nứt mầm dài độ 0,5 cm, lấy ra phơi khô gọi là sinh mạch nha.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Mạch nha và cốc nha có thành phần hóa Học giống nhau, có tinh bột, chất béo, protid, men chuyển hoá đường, matose, saccharose glucose, sinh tố B, lexitin, các men amylase, mantase.
B. Tác dụng dược lý
- Mạch nha có amylase và vitamin B nên có tác dụng trợ tiêu hóa. Do amylase không chịu nóng nên cho vào sắc hoặc sao cháy thì hoạt lực giảm sút. Mạch nha có tác dụng hạ đường huyết.
- Hordenin có tác dụng giống giao cảm nhẹ, hơi làm tăng huyết áp, cường tim, ít độc, có tác dụng ức chế sự co bóp ruột.
- Lượng độc tố của dược liệu Mạch nha trong thuốc có hàm lượng với tỉ lệ 0,02 – 0,35%. Khi uống khó hấp thu. Vì thế lượng độc tố của dược liệu không có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên nếu làm thức ăn cho gia súc với liều lượng lớn phải đặc biệt chú ý. Một số trường hợp người bệnh sử dụng dược liệu bị nhiễm độc là do Mạch nha đã biến chất. Ngoài ra một số nấm độc ký sinh ở mầm có thể được sinh ra nên lúc mua hoặc thu hoạch cần lưu ý.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị ngọt và tính ôn.
Quy Kinh
- Tỳ, vị và can.
Công Năng
- Sinh mạch nha: Kiện tỳ, hoà vị, thư can, thông sữa. Chủ trị: Tỳ hư, kém ăn, sữa uất tích.
- Mạch nha sao: Hành khí, tiêu thực, làm mất sữa. Chủ trị: Thực tích không tiêu, bầu vú đau trướng (phụ nữ cai sữa).
- Tiêu mạch nha: Tiêu thực hoá trệ, điều trị thực tích không tiêu, thượng vị trướng đau.
Công Dụng
- Chữa khó tiêu và điều hoà vị tăng khí tự do của gan và giải ứ trệ.
Kiêng Kỵ
- Phụ nữ cho con bú không nên dùng.
Liều dụng:
- Ngày dùng 9 – 15 g. Làm mất sữa: 60 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa viêm gan cấp – mạn tính:
Dùng rễ non Mạch nha lên mầm ở nhiệt độ thấp sấy khô tán bột chế thành sirô, mỗi lần uống 10ml, ngày 3 lần, uống sau bữa ăn. Ngoài ra cho uống thêm men hoặc Vitamin B viên, 30 ngày là một liệu trình. Uống liên tục sau khi chức năng gan phục hồi, uống tiếp 1 liệu trình nữa.
2. Chữa nhiễm nấm dùng cồn Mạch nha:
Mạch nha sống 40g, cho vào cồn 75% – 100ml ngâm 1 tuần. (Mã thục Trân, Tạp chí Trung tây Y kết hợp 1987,4:210).
3. Chữa chứng sữa quá nhiều:
+ Mạch nha sao 60 – 120g sắc nước uống, ngày 1 thang, uống liền 2 – 3 ngày có kết quả tốt cho người sữa nhiều căng tức vú đau hoặc muốn thôi cho con bú.
+ Sao Mạch nha 120g tán bột, mỗi lần uống 15g, ngày 4 lần với nước sôi nóng. Trị sữa quá nhiều làm vú căng tức đau.
4. Chữa rối loạn tiêu hóa, bụng đầy, chán ăn do tỳ vị hư hàn:
+ Sao Mạch nha, Sinh Sơn tra đều 10g sắc uống.
+ Bổ tỳ thang: Mạch nha 10g, Đảng sâm, Bạch linh, Bạch truật đều 10g, Thảo quả 6g, Cam thảo 3g, Can khương 3g, Hậu phác 6g, Trần bì 5g, sắc uống. Trị chứng rối loạn tiêu hóa do tỳ vị hư hàn.
5. Điều trị khó tiêu biểu hiện như trướng bụng, chán ăn, thượng vị:
Dùng dược liệu, kê nội kim, sơn tra và thần khúc với liều dùng bằng nhau. Sau khi rửa sạch, cho tất cả vị thuốc vào nồi. Rót thêm nước lọc và thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút. Chắt lấy phần nước và uống ngay khi còn ấm. Sử dụng 1 thang/ngày.
6. Trị ứ khí ở vị và can có biểu hiện như phình và đầy ở ngực, đầy ở vùng xương sườn, đau thượng vị:
Dùng dược liệu, chỉ thực, sài hồ mỗi vị 10 gram. Mang tất cả dược liệu rửa sạch, cho vào nồi sắc cùng với 600ml nước lọc đến khi lượng nước trong nồi còn lại 200ml, tắt bếp. Chắt nước thuốc và chia thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 3 ngày.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam