Một Dược luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
- Tên gọi khác: Mộc dược, Mạt dược.
- Tên dược: Myrrha/ Commiphora Myrrha
- Tên khoa học: Commiphora Myrrha Engl
- Họ: Trám (danh pháp khoa học: Burseraceae)
1. Đặc điểm dược liệu
Cây mộc dược là dạng thực vật thân nhỡ, chiều cao trung bình từ 2.5 – 3.5m. Thân cây nhỏ, ít phân nhánh và các cành đều có gai. Lá mọc cách, màu lục xám, lá kép gồm có 3 lá chét. Hoa mọc ở nách lá, đơn tính, kích thước nhỏ và có màu trắng. Quả hạch, bên trong có 2 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt nhỏ.
Dược liệu một dược là gôm nhựa từ cây mộc dược. Dược liệu thường tồn tại ở dạng khối, cục, hình dáng không đều. Mùi thơm, vị đắng, thường có màu đỏ nâu, đốm trắng, bên trong sáng bóng. Một dược thường tan trong rượu hoặc nước. Khi phơi nắng thì hóa dẻo và thơm, đốt lửa tỏa ra mùi thơm dễ chịu.
[elementor-template id="263870"]
2. Bộ phận dùng
Nhựa của cây. Thông thường nhựa của cây một dược thường chảy tự nhiên thông qua các kẽ nứt ở vỏ. Ban đầu nhựa chảy ra có màu vàng nhạt hoặc trắng, chất sền sệt sau đó chuyển thành màu vàng đậm, đỏ nhạt rồi thành đỏ sẫm.
3. Phân bố
Vị thuốc là gôm nhựa lấy ra từ cây Commiphora momol Engler. Cây này chưa thấy ở nước ta. Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.
4. Thu hoạch – sơ chế
Thu hoạch từ tháng 7 – 9 là tốt nhất, khi đó lượng Một dược nhiều, phẩm chất tốt ; năm sau, từ tháng 1 – 3 lại có thể thu hoạch được. Nhựa cây thường có từ vết nứt tự nhiên ở vỏ cây chảy ra, muốn tăng khối lượng nhựa, người ta rạch sâu vào vỏ thân và cành to. Nhựa mới chảy ra thành giọt, sền sệt như dầu đặc, màu trắng hoặc vàng nhạt, dần dần biến thành khối cục cứng trong không khí, có màu vàng sẫm, màu nâu vàng hoặc có khi màu đỏ nhạt, cuối cùng là đỏ sẫm. Thu lấy khối nhựa, loại bỏ tạp chất.
Muốn thu hoạch nhựa, cần rạch vào thân vỏ hoặc rạch sâu vào các cành to để nhựa chảy ra. Sau đó đem sao hoặc chế giấm dùng dần.
Ngoài ra có thể bào chế mộc dược theo những cách sau:
- Bỏ tạp chất, tán với đăng tâm thành bột mịn (cứ 30g mộc dược thì dùng 1g đăng tâm). Hoặc có thể sao qua với đăng tâm rồi đem tán bột mịn.
- Thêm ít rượu vào rồi nghiền nát, khi qua nước rồi đem phơi khô. Hoặc đem nghiền với bột gạo nếp.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát. Ngoài ra cần bảo quản mộc dược ở trong lọ kín để tránh mất mùi thơm của dược liệu.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Vị đắng, mùi thơm, tính bình.
2. Thành phần hóa học
Mộc dược chứa tinh dầu, chất keo, dầu keo, commiphorinic acid, commiphoric acid, heerabomyrrholic acid, heeraboresene, heerabomyrrhol, commiferin, limonene, pinen, aldehyde cinamic, ergenol,…
3. Công năng
Tán huyết, khứ ứ, tiêu thực, chỉ thống.
4. Công dụng
- Nhọt độc sưng đau, sưng đau do sang chấn, gân xương đau, hòn cục, ngực bụng đau, trĩ dò, mục chướng (đục thuỷ tinh thể), dùng làm thuốc điều hòa kinh nguyệt. Dùng ngoài có thể thu miệng nhọt, lên da non.
- Làm hương liệu trong ngành sản xuất nước hoa.
5. Cách dùng – liều lượng
Một dược được dùng ở dạng hoàn tán, thuốc thang hoặc dùng ngoài (cao dán, tán bột). Liều dùng uống: 4 – 12g/ ngày.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Trị chấn thương đau lưng cấp
Dùng Nhũ hương, Một dược lượng bằng nhau tán bột mịn, dùng 30% rượu chế thuốc thành hồ, đắp vùng đau 1 – 2 lần/ ngày thường 3 – 5 ngày khỏi (Học báo Trung y học viện Hà Nam).
2. Bài thuốc trị ung nhọt sưng đau
- Chuẩn bị: Cam thảo 3g, kim ngân hoa 15g, mộc dược và nhũ hương mỗi vị 5g, mẫu lệ (vỏ hàu), thiên hoa phấn, đại hoàng, ngưu bàng tử và hoàng kỳ mỗi vị 10g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang.
3. Bài thuốc trị đinh nhọt lở loét gây sưng đau
- Chuẩn bị: Khinh phấn, thiềm tô, hùng hoàng, đồng lục, hàn thủy thạch, khô phàn, chu sa, xạ hương, nhũ hương, qua ngư và một dược.
- Thực hiện: Tán bột, làm hoàn uống.
4. Trị các chứng đau: đau sau sinh, đau bụng kinh, đau do chấn thương ngoại, sưng tấy phù nề, thuốc có tác dụng khu ứ chỉ thống.
- Một dược 5g, Diên hồ sách 10g, Hương phụ 6g, Ngũ linh chi 6g, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 8 -10 ngày, uống 2 – 3 lần với nước nóng hoặc rượu nóng. Trị đau bao tử, phụ nữ kinh bế, kinh đau.
5. Bài thuốc trị u xơ tử cung
- Chuẩn bị: Hải tảo, đào nhân, miết giáp, mẫu lệ, xích thược và quế chi mỗi vị 160g, tam lăng, nga truật, nhũ hương và một dược mỗi vị 80g, hồng hoa 100g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chế mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 10 – 12g bột, ngày uống 2 – 3 lần.
6. Bài thuốc trị chứng phong thấp tý thống kéo dài gây tê dại tay chân, đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: Nhũ hương và mộc dược mỗi vị 88g, chế nam tinh, chế thảo ô, địa long và chế xuyên ô mỗi vị 240g.
- Thực hiện: Tán thành bột, sau đó hòa với rượu làm thành hoàn nặng 4g. Dùng 1 hoàn uống với rượu khi đói, ngày uống 1 – 2 lần.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
- Không dùng cho trường hợp mụn nhọt đã vỡ và phụ nữ mang thai.
- Để tăng tác dụng giảm đau và hoạt huyết, nên chế mộc dược với giấm.
- Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị đau dạ dày.
- Khi sử dụng một dược với nhũ hương, nên gia giảm liều lượng vì hai vị thuốc này có tác dụng tương tự nhau.
- Mộc dược là chất gôm nhựa của cây nên có tính dính và quánh. Khi sắc chung với những vị thuốc khác làm giảm tính tan và tác dụng của các dược liệu phối hợp. Vì vậy không nên cho dược liệu vào bài thuốc sắc mà nên tán bột và khuấy đều với nước sắc ấm.
- Không nên dùng cho trường hợp ngực bụng sườn đau, khớp đau nhức nhưng không phải do huyết ứ mà do huyết hư.
- Tránh dùng cho mắt có màng đỏ không phải do huyết nhiệt nặng.
- Người bị rong kinh hoặc kinh nguyệt ra nhiều không nên dùng.
- Tránh sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu như Aspirin, warfarin,…
- Thận trọng khi dùng cho người có rối loạn đông máu hoặc đang bị chảy máu cấp tính (xuất huyết tiêu hóa, chảy máu do vết thương hở,…).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam