Liệu mức độ hạnh phúc của trẻ nhỏ có phải là đặc điểm bẩm sinh của trẻ? Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Theo cô Trish Bragg – một người mẹ có 3 con ở Denver (bang Colorado, Mỹ) – thì điều này là đúng. Cô thấy rằng, dù mình có cùng một phương pháp nuôi dạy nhưng mức độ hạnh phúc của các con cô rất khác nhau. Madeline, cô con gái 7 tuổi, thì từ khi sinh ra đã luôn vui vẻ. Còn cậu con trai 5 tuổi Charlie thì thường xuyên ủ rũ.
Hạnh phúc có phải là đặc điểm bẩm sinh của mỗi trẻ?
Đúng là có những trẻ dù bị ngã vẫn cười toe toét, nhưng có trẻ sẽ thút thít khóc chỉ vì cây kem của mình bị chảy! Vậy có phải những trẻ luôn vui vẻ là do sinh ra đã vậy hay không?
Nhiều nhà khoa học và phụ huynh đồng ý với giả thuyết này. Nhưng dù trẻ có mức độ vui vẻ thế nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là bố mẹ nhận biết được tính khí bẩm sinh của trẻ. Từ đó, bố mẹ sẽ có những cách phù hợp nhằm giúp trẻ lớn lên thành những con người tích cực.
Lise Eliot – tác giả cuốn sách Bộ não và tâm trí phát triển thế nào trong 5 năm đầu đời – nhấn mạnh rằng, sự vui vẻ chỉ là một kiểu tâm trạng chứ không phải là một đặc tính bẩm sinh. Tuy nhiên, một số đặc điểm tính khí bẩm sinh (như lạc quan, bi quan, nhút nhát hay dạn dĩ) có thể quyết định phần nào mức độ hạnh phúc của trẻ.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chỉ ra được “gen hạnh phúc” hay vùng não quy định mức độ buồn bã của trẻ. Nhưng cũng có rất nhiều nghiên cứu cho thấy tính khí của trẻ (thứ quyết định cảm xúc và phong cách giao tiếp xã hội cơ bản) được hình thành sẵn trong não bộ.
Trẻ sinh ra đã ít vui vẻ thì có mãi mãi như vậy không?
Vậy nếu trẻ vốn dễ lo lắng hoặc dễ buồn từ nhỏ thì khi lớn lên có trở thành một người ủ rũ hoặc dễ bị trầm cảm không? Bà Eliot khẳng định là không. Vì sự phát triển của trẻ không chỉ bị tác động bởi những yếu tố bẩm sinh mà còn do cách nuôi dạy của bố mẹ nữa.
Mặc dù tính khí là đặc điểm bẩm sinh, nhưng không có nghĩa là nó cứ như thế mãi mãi. Tính khí có thể được điều chỉnh thông qua các trải nghiệm, từ đó hình thành nên tính cách cá nhân.
Các thùy trán của não bộ “quản lý” tính cách của trẻ. Các nhà khoa học cho rằng, thùy trán là nơi bắt nguồn của những cảm xúc tiêu cực và tích cực. Chúng ta cảm nhận những cảm xúc tích cực ở vùng vỏ não trước trán bên trái, và cảm xúc tiêu cực ở bên phải. Và những người có khuynh hướng hạnh phúc, lạc quan thường có nhiều hoạt động ở thùy trán bên trái hơn.
Điều tốt là sự cân bằng trong hoạt động của hai bên thùy trán là không cố định, mà sẽ thay đổi dựa trên trải nghiệm của trẻ. Và trải nghiệm quan trọng nhất chính là mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ. Thực tế, các thùy trán vẫn tiếp tục phát triển ít nhất là cho tới khi trẻ được 18-19 tuổi. Vì vậy, bố mẹ cũng có khá nhiều thời gian để giúp trẻ định hình tính cách và thái độ sống, tức là giúp tăng mức độ hạnh phúc của trẻ đấy!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily