Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ tự tiêu cực về bản thân, và bố mẹ nên tìm hiểu để có thể tháo gỡ vấn đề càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý non nớt của trẻ.
Sẽ chẳng có bố mẹ nào không cảm thấy đau lòng khi nghe thấy trẻ tự nhận xét tiêu cực về bản thân. Việc trẻ tự trách móc bản thân mình có thể xuất phát từ nỗi thất vọng, lo lắng thường trực của con về một vấn đề cụ thể nào đó, ngay cả khi con chỉ nói vu vơ. Thế nên, chú ý quan sát, lắng nghe tâm tư của con để tìm hiểu nguồn gốc nguyên nhân là việc rất quan trọng mà bố mẹ nào cũng nên làm, để từ đó có thể tìm ra giải pháp giúp con tháo gỡ các vướng mắc và suy nghĩ tích cực hơn.
Nguyên nhân khiến trẻ tự tiêu cực về bản thân
“Con thấy mình kém quá!”, “con chẳng thấy mình giỏi cái gì cả”, “sẽ chẳng ai thích con”… Nhiều trẻ nhỏ, thậm chí là cả người lớn chúng ta, cũng có lúc đưa ra những lời nhận xét tiêu cực như vậy về bản thân mình. Đôi khi đây là cách trẻ mở đầu câu chuyện để trút bầu tâm sự hoặc cùng đồng cảm với người khác. Nếu tần suất trẻ nói ra những lời nhận xét tiêu cực này không nhiều thì đây thực sự không phải là điều đáng lo ngại. Thế nhưng, có nhiều trẻ trách móc, nhận xét tiêu cực về bản thân rất thường xuyên. Hành động này theo thời gian sẽ dần khiến trẻ mất tự tin và ngại thử nghiệm những điều mới lạ trong cuộc sống.
1. Kỹ năng đối phó chưa phát triển
Nguyên nhân thường là do trẻ gặp những chuyện không vui hoặc bị cảm giác thất vọng xâm chiếm lấy tư tưởng, đặc biệt là những trẻ chưa phát triển khả năng đối phó với các khó khăn cũng như khả năng xử lý tình huống.
Ví dụ: Khi bé làm sai một phép toán cộng đơn giản, bố mẹ có thể nghe thấy con nói rằng “Con không thích môn toán, con học toán kém lắm!”, nhất là thời điểm con mới làm quen với phép cộng này.
Tâm lý tự trách bản thân cũng xảy ra ở những trẻ ở lứa tuổi lớn hơn. Trẻ lớn tuổi hơn có thể trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, nhưng đồng nghĩa với việc áp lực của trẻ về bạn bè, trường lớp cũng lớn hơn. Ngay cả những sai lầm nhỏ nhất hay một vài lời nhận xét cũng có thể khiến trẻ cảm thấy vô cùng tồi tệ về bản thân hoặc đánh giá khắc nghiệt về khả năng của chính mình.
2. Trẻ bị bắt nạt
Trẻ bị bắt nạt cũng thường nói ra những lời tiêu cực về bản thân. Hậu quả của việc bị bắt nạt ảnh hưởng rất nhiều lên tinh thần của trẻ, nhiều trẻ còn nghĩ rằng mình bị bắt nạt là bởi vì mình tồi tệ. Trẻ nhỏ cũng chưa phân biệt được giữa trêu đùa và bắt nạt có gì khác nhau. Thế nên nhiều trẻ cho rằng những lời nói tiêu cực của bạn bè chỉ là trò đùa (thực chất là bắt nạt) và khi điều đó lặp đi lặp lại nhiều lần, thì trong tiềm thức của trẻ sẽ bắt đầu chấp nhận và thực sự tin những điều tồi tệ mà bạn nói là sự thật.
3. Áp lực trước kỳ vọng cá nhân
Trong một vài trường hợp thì ngay cả những lời nhận xét mang tính xây dựng cũng có thể dấy lên sự tự ti khiến trẻ tự nhận xét tiêu cực về bản thân mình. Đặc biệt là những trẻ đang gặp khó khăn trong một số kỹ năng – bất kể trẻ có cố gắng ra sao thì kết quả vẫn chưa tiến bộ hơn, khiến cho trẻ rất dễ phản ứng thái quá khi người khác đưa ra lời nhận xét về khuyết điểm của mình.
Bố mẹ nên làm gì để giúp đỡ trẻ?
Khi trẻ cứ khăng khăng khẳng định những lời nhận xét tiêu cực về bản thân là đúng thì bố mẹ cần đặc biệt chú ý. Bởi vì rất có thể con đang gặp căng thẳng, lo lắng, thất vọng về một vấn đề gì đó mà con đang gặp khó khăn.
Chú ý lắng nghe, quan sát con mỗi khi con bày tỏ tâm tư là cách tốt nhất để tìm hiểu nguyên nhân khiến con tự trách móc mình. Bố mẹ cũng có thể đặt ra một số câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn vấn đề mà con đang gặp phải, cụ thể:
- “Bố mẹ tò mò không biết điều gì khiến con lại nghĩ như thế về chính mình, con giải thích cho bố mẹ hiểu được không?”
- “Hôm nay đi học trên lớp có chuyện gì buồn xảy ra hả con?”
- “Có bạn nào con biết cũng đang có chung cảm giác giống con không?”
- “Thế bây giờ con có biết mình cần thay đổi điều gì để không cảm thấy như thế nữa không?”
Thông thường khi nghe con tự trách móc bản thân thì bố mẹ sẽ ngay lập tức phủ nhận ngược lại. Ví dụ như khi con nói rằng “Con ngốc quá, con học rất kém”, bố mẹ thường nói ngay rằng “Không đúng, con rất thông minh!”. Điều này thực sự không làm tổn thương bé, nhưng lại không phải câu trả lời dẫn dắt hiệu quả để có tìm hiểu vấn đề đằng sau lời nói tiêu cực của con.
Lời khen đóng vai trò rất quan trọng trong việc củng cố niềm tin về bản thân và sự tự tin của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần đảm bảo rằng mỗi lời khen mình đưa ra đều là những lời nói chân thành và cụ thể, để con hiểu rằng mọi sự cố gắng của mình đều được bố mẹ công nhận.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily