Ngô hay còn gọi với cái tên khác là bắp, một cây lương thực không xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, ít ai biết bắp còn được xem như một dược liệu dùng để phòng và trị bệnh. Hãy cùng Medplus tìm hiểu về những công dụng cũng như bài thuốc của loại dược liệu này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Ngô, Bắp, má khẩu lý (Thái), Khẩu tấy bắc
Tên khoa học: Zea mays L.
Họ: Lúa (Poaceae)
Đặc điểm cây
Cây thảo lớn, cao 2 – 3m. Thân thẳng, đặc, nhẵn, không phân nhánh, các đốt ở gốc mang rễ.
- Lá hình dải, dài 30 – 40cm, thường gập xuống, gốc nhẵn sát thân, đầu thuôn nhọn, hai mặt nháp, mép có lông dạng mi, gân giữa nổi rõ; bẹ lá nhẵn, mép có lông mềm, lưỡi bẹ ngắn, có lông mi.
- Cụm hoa đực mọc ở ngọn thân thành chùy, cuống có lông; bông nhỏ hình bầu dục mang 2 hoa, hoa có 3 nhị, bao phấn thuôn, mày mềm hình mũi mác, có lông.
- Cụm hoa cái mọc ở kẽ lá thành bông dày hình trụ, không cuống; bông nhỏ rất ngắn mang 1 hoa, hoa ở dưới rỗng, các hoa ở trên có bầu và vòi nhụy dài, mày mềm, khá rộng.
- Quả cứng, bóng, màu vàng, đôi khi đỏ hoặc nâu, tím, xếp thành nhiều dãy, bao bọc bởi mày, có vòi tồn tại rất dài và mảnh.
- Mùa hoa quả: tháng 6-8.
Phân bố
Ngô có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Mexico và Trung Mỹ. Từ thời cổ đại, thổ dân ở đây đã biết trồng. Ở Ấn Độ, ngô cũng đã được trồng cách đây 7000 năm; đến thế kỷ thứ 16, người Bồ Đào Nha đưa ngô từ châu Mỹ vào vùng Đông Nam Á.
Ngày nay, ngô đã trở thành loại cây cho hạt được trồng rộng rãi nhất thế giới, từ 58° vĩ tuyến Bắc (Nga và Canada) đến 42° vĩ tuyến Nam (New Zealand và lục địa Nam Mỹ). Ở Việt Nam, ngô cũng được coi là cây trồng cổ và hiện trồng ở khắp các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trung du và miền núi.
Bộ phận dùng
Hạt và râu.
Thành phần hoá học, tính vị
Thành phần hóa học
Hạt bắp chứa 55 – 70% tinh bột, 10 – 15% protid, 5 – 10% lipid và một số chất khác.
Tính vị, công năng
Râu và ruột bấc trong thân cây ngô có vị ngọt, tính bình. Vào hai kinh: thận, bàng quang, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, cầm máu.
Công dụng và những bài thuốc về Ngô (Bắp)
Công dụng
Râu bắp dược dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị đái vàng, đái rắt buốt, viêm đường tiết niệu, sỏi niệu, phù thũng, huyết áp cao, thuốc thông mật trong điều tri viêm gan, viêm túi mật, vàng da, sỏi túi mật.
Ngày dùng 20 – 30g râu bắp, hoặc ruột bấc 100 – 200g dưới dạng thuốc sắc.
Ở Ấn Độ, dầu ngô từ mầm khô hạt ngô thu hồi trong quá trình xay và tinh chế được dùng trong công nghiệp dược để bào chế các dung dịch vitamin. Râu bắp là thuốc lợi tiểu.
Bài thuốc có Ngô (Bắp)
1. Chữa viêm thận, viêm bàng quang
Râu ngô (hoặc rễ, lá ngô) 100g; rau má, ý đĩ, mã đề, mỗi vị 50g; sài đất 40g. sắc uống ngày một thang.
2. Chữa phù thũng, viêm thận cấp, đái đỏ, hoặc viêm gan tắc mật, đái vàng, vàng da
Râu bắp 40g, hoặc ruột bấc cây ngô 150g, sắc uống.
3. Chữa tăng huyết áp
Uống nước luộc ngô hàng ngày, mỗi lần vài bát ngày 2-3 lần. Uống liền 2-3 tháng, đến khi huyết áp trở lại bình thường và ổn định.
4. Chữa đái tháo đường
- Bài 1: Hạt bắp nhúng nước ủ cho mọc mầm. Dùng mầm ngô sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 20 – 30g với nước sắc đọt khoai lang đỏ làm thang.
- Bài 2: Ăn chè bắp non nấu với củ mài, đồng thời ăn rau khoai lang đỏ nấu canh hàng ngày.
5. Phòng trị bệnh tim mạch
Râu bắp nấu lấy 1 bát to nước (bỏ bã râu) nấu canh với tim lợn. Ăn một thời gian tim đỡ mệt hơn, dễ thở và ngủ ngon giấc hơn.
6. Bệnh dạ dày
Ăn cháo ngô hạt, uống nước râu ngô. Trị chứng ợ chua, đầy bụng không tiêu, sa dạ dày. Lưu ý không dùng cho người bị loét dạ dày.
7. Mùa hè trẻ hay nóng sốt, háo khát, quấy khóc
Trẻ ho gà, ho trong và sau khi bị sởi: Dùng râu bắp nấu nước cho trẻ uống.
8. Chữa tiểu tiện buốt khó khăn, đỏ sẻn, sỏi thận, phù nề
Râu bắp, hoặc cùi ngô nấu nước uống.
9. Hỗ trợ điều trị ung thư (K)
Bài 1. K dạ dày, tuỵ: hạt ngô nghiền nhỏ 100g ninh nhừ thành cháo để ăn. Tác dụng giảm đau.
Bài 2. K gan, đái tháo đường, tăng huyết áp: râu ngô 60g, giảo cổ lam 60g, sắc nước uống thay trà hàng ngày.
- Lưu ý: khi dùng hỗ trợ điều trị ung thư (K), không tán ngô thành bột mịn vì sẽ làm mất phần có tác dụng kháng K và tác dụng chống độc của thuốc chữa K. Ngô mốc không ăn vì có thể gây ung thư.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.