Site icon Medplus.vn

Người bệnh ung thư có nên tập thể dục không?

Người bệnh ung thư có nên tập thể dục không?

Tập thể dục là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị và phục hồi của người bệnh ung thư. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong mọi giai đoạn điều trị. Ngay cả khi người bệnh ung thư không thể vận động, một chương trình với các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư phù hợp với nhu cầu riêng cũng có thể giúp ích.

Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!

Người bệnh ung thư có nên tập thể dục không?

Người bệnh ung thư trong suốt quá trình điều trị thường phải nghỉ ngơi nhiều, nằm hoặc ngồi quá nhiều. Điều này có thể gây mất chức năng vận động của cơ thể, yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động. Bác sĩ vẫn thường khuyến khích bệnh nhân ung thư hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt trước, trong và sau khi điều trị ung thư.

Nghiên cứu cho thấy rằng các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư thường đảm bảo an toàn và mang đến nhiều lợi ích như:

  • Cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Ngăn ngừa mất cơ, tăng sức mạnh cơ bắp và cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Ngăn ngừa các bệnh mãn tính khác, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường.
  • Giảm mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm.
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động độc lập.
  • Nâng cao hiệu quả của việc điều trị.
  • Giảm biến chứng sau phẫu thuật và các tác dụng phụ sau điều trị ung thư, chẳng hạn như mệt mỏi, bệnh thần kinh, phù bạch huyết, loãng xương và buồn nôn.
  • Tăng khả năng phục hồi sau điều trị.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác hoặc ung thư tái phát trong tương lai.
  • Giảm thời gian phải nằm viện.
  • Cải thiện tỷ lệ sống sót đối với một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư đại trực tràng.

Khi nào người bệnh ung thư nên tránh tập thể dục?

Mặc dù tập thể dục được chứng minh là an toàn, tuy nhiên, các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư nên được xây dựng dựa trên:

  • Loại và giai đoạn ung thư.
  • Các phương pháp điều trị đang được sử dụng.
  • Các tác dụng phụ đang gặp phải.
  • Sức khỏe thể chất tổng thể.
  • Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.

Một số trường hợp sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia tập luyện:

  • Người có bệnh tim hoặc phổi mãn tính.
  • Người có hậu môn nhân tạo hoặc đang đặt ống thông tĩnh mạch.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên, bị mất cảm giác, hoặc cảm giác tê bì ở bàn tay và bàn chân.
  • Mệt mỏi nghiêm trọng.
  • Chân không đứng vững hoặc có các vấn đề về thăng bằng.
  • Yếu xương, loãng xương hoặc ung thư đã di căn vào xương.
  • Viêm khớp và các vấn đề về cơ xương khớp.

Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem liệu bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến mức độ hoạt động thể chất của bệnh nhân hay không.

Những bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư

Duy trì tập thể dục ít nhất 10 phút mỗi ngày và từ 2-3 buổi mỗi tuần. Các bài tập nên tập trung vào các nhóm cơ lớn như đùi, bụng, ngực và lưng. Một số bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư đảm bảo an toàn và hiệu quả có thể là:

1. Tập thở

Một số người bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi có thể gặp phải triệu chứng thở gấp hoặc khó thở. Các bài tập thở giúp không khí vào và ra khỏi phổi được lưu thông tốt hơn, đồng thời nâng cao sức bền. Các bài tập này cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.

2. Bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư: Kéo giãn cơ

Kéo giãn cơ thường xuyên có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và sự dẻo dai của cơ thể, đặc biệt nếu bệnh nhân không thể hoạt động như bình thường do cơ bắp bị căng cứng sau điều trị ung thư. Các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư này còn giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ, hỗ trợ cơ thể tự phục hồi sau điều trị.

Hãy giúp bệnh nhân giữ một tư thế trong khoảng 15 đến 30 giây và thư giãn. Chẳng hạn như bài tập vươn người qua đầu, hít thở sâu và cúi người xuống để chạm vào các ngón chân để thư giãn tất cả các nhóm cơ trên cơ thể.

3. Bài tập thăng bằng

Mất thăng bằng và dễ té ngã có thể là một tình trạng thường gặp phải của người bệnh ung thư. Các bài tập thăng bằng có thể giúp bệnh nhân lấy lại chức năng và khả năng vận động cần thiết để nhanh chóng trở lại các hoạt động hàng ngày, ngăn ngừa chấn thương do té ngã.

4. Bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư: Đi bộ

Các bài tập aerobic là một loại bài tập làm tăng nhịp tim, cải thiện hoạt động của tim và phổi, giúp bệnh nhân cảm thấy bớt mệt mỏi trong và sau khi điều trị. Đi bộ là một loại bài tập aerobic dễ tập nhất cho người bệnh ung thư. Bác sĩ có thể khuyến khích bệnh nhân đi bộ từ 30 đến 50 phút mỗi ngày, duy trì 3 đến 4 buổi mỗi tuần với tốc độ vừa phải.

5. Luyện tập sức bền

Mất cơ thường xảy ra khi người bệnh ung thư ít vận động hơn trong quá trình điều trị và phục hồi. Một số phương pháp điều trị cũng gây ra tác dụng phụ là yếu cơ. Các bài tập luyện tập sức bền sẽ giúp bệnh nhân duy trì và xây dựng sức mạnh cơ bắp, tăng khả năng giữ thăng bằng.

Các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư này cũng có thể giúp chống lại chứng loãng xương và sự suy yếu của xương mà một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra. Một số bài luyện tập sức bền nhẹ nhàng chẳng hạn như các bài tập với dây kháng lực hoặc tạ nhẹ.

Những lưu ý khi thực hiện các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư

Những bệnh nhân sau điều trị ung thư có thể gặp khó khăn trong hoạt động nên cần tập thể dục ít với cường độ nhẹ hơn và tăng cường tập luyện với tốc độ chậm hơn những người bình thường để đảm bảo an toàn.

Vì vậy, khi áp dụng các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư, bạn nên lưu ý:

  • Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết rõ những bài tập nào có thể thực hiện và những bài tập nào nên hạn chế.
  • Nếu đã phẫu thuật, hãy hỏi bác sĩ xem khi nào bạn có thể bắt đầu tập thể dục để đảm bảo an toàn.
  • Hãy từ từ tăng thời gian và cường độ tập thể dục sau khi các tác dụng phụ sau điều trị đã giảm bớt.
  • Tập luyện tối đa 150 phút hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút cường độ mạnh mỗi tuần.
  • Tránh xa các bề mặt không bằng phẳng có thể gây té ngã.
  • Nếu muốn tập thể dục bên ngoài, hãy tìm một nơi nào đó an toàn và đủ ánh sáng, cũng như nên có người thân đi cùng để đảm bảo an toàn.
  • Nếu hệ miễn dịch suy yếu sau điều trị ung thư, hãy tránh xa các phòng tập thể dục công cộng.
  • Luôn bắt đầu với các bài tập khởi động trong vòng khoảng từ 2 đến 3 phút, chẳng hạn như nhún vai, nâng cánh tay qua đầu, chạy nâng cao gối tại chỗ…
  • Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi nếu cần.
  • Không tập thể dục nếu cảm thấy chóng mặt, đứng không vững hoặc gặp vấn đề về việc giữ thăng bằng.
  • Tránh bất kỳ hoạt động nào khiến bạn có nguy cơ té ngã hoặc bị thương.
  • Không tập tạ nặng hoặc tập các bài tập gây căng thẳng quá mức cho xương nếu bị loãng xương hoặc ung thư di căn vào xương.

Đôi khi, các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư là một phần trong chương trình phục hồi chức năng sau điều trị ung thư. Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của bất kỳ ai. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đạt được cân nặng hợp lý, ăn uống điều độ và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng khác, cũng như giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Exercise guidelines for cancer patients

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version