Bệnh sa sút trí tuệ thường được gọi là “lú lẫn” hoặc “mất trí”. Bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên có những trường hợp bệnh khởi phát từ rất sớm trước tuổi 65. Nguyên nhân, biểu hiện và khó khăn trong chẩn đoán của bệnh này là gì? Bài viết này Songkhoe.medplus.vn sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những câu hỏi trên
Bệnh sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ (Dementia) là mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng xã hội đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người mắc phải. Đây không phải là một bệnh cụ thể, nhưng một số bệnh khác nhau cũng có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ.
Mặc dù sa sút trí tuệ nói chung liên quan đến mất trí nhớ, mất trí nhớ có những nguyên nhân khác nhau. Nếu chỉ có triệu chứng mất trí nhớ thì không có nghĩa là người đó bị sa sút trí tuệ.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ do tổn thương tế bào não gây ra. Việc này làm gián đoạn quá trình truyền thông tin giữa các tế bào với nhau, do đó ảnh hưởng lên hành vi và cảm xúc.
Hầu hết những tổn thương não trong sa sút trí tuệ là vĩnh viễn và trở nên tệ hơn theo thời gian. Tuy nhiên, một số tình trạng sau được cho là có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và cảm xúc. Sa sút trí tuệ có thể cải thiện khi những tình trạng này được điều trị:
- Trầm cảm;
- Tác dụng phụ của thuốc;
- Lạm dụng rượu;
- Bệnh tuyến giáp;
- Thiếu vitamin.
Các dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ
Các triệu chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Thay đổi nhận thức
- Mất trí nhớ
- Khó giao tiếp hoặc tìm từ
- Khó khăn với khả năng thị giác và không gian, chẳng hạn như bị lạc trong khi lái xe
- Khó khăn trong việc suy luận hoặc giải quyết vấn đề
- Khó xử lý các nhiệm vụ phức tạp
- Khó khăn với việc lập kế hoạch và tổ chức
- Khó khăn với sự phối hợp và chức năng vận động
- Nhầm lẫn và mất phương hướng
- Thay đổi tâm lý
- Thay đổi tính cách
- Phiền muộn
- Lo âu
- Hành vi không phù hợp
- Chứng hoang tưởng
- Kích động
- Ảo giác
Nguy cơ dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ
Có rất nhiều yếu tố cuối cùng có thể góp phần vào chứng sa sút trí tuệ như sau:
- Tuổi tác. Nguy cơ tăng lên khi già đi, đặc biệt là sau 65 tuổi. Tuy nhiên, chứng sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của lão hóa và chứng mất trí nhớ có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi.
- Tiền sử gia đình. Có tiền sử gia đình mắc chứng sa sút trí tuệ khiến thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người có tiền sử gia đình không bao giờ phát triển các triệu chứng và nhiều người không có tiền sử gia đình nhưng lại bị sa sút trí tuệ.
- Hội chứng Down. Ở tuổi trung niên, nhiều người mắc hội chứng Down khởi phát bệnh Alzheimer sớm so với người bình thường.
Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ
Để chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh tật và các triệu chứng hiện tại của người bệnh và tiến hành kiểm tra thể chất. Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ, vì vậy các bác sĩ có khả năng chỉ định một số xét nghiệm có thể giúp xác định chính xác vấn đề.
- Khám lâm sàng. Khám thị lực và thính lực, đo huyết áp, mạch, hay khám để chẩn đoán các bệnh cấp tính hay mạn tính khác.
- Xét nghiệm. Xét nghiệm máu, điện não đồ hay chụp cắt lớp CT não sẽ được thực hiện tùy thuộc vào bệnh sử và triệu chứng.
- Khám thần kinh. Xác định vấn đề của não và thần kinh. Giúp phát hiện những vấn đề về hệ thống thần kinh có thể gây ra bất thường về suy nghĩ và hành vi. Sử dụng một số bài thần kinh đơn giản hay dùng bảng câu hỏi. Ví dụ, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân lặp lại một số từ hay gọi tên đồ vật. Giúp phát hiện vấn đề bạn mắc phải, theo dõi tình trạng bệnh và đánh giá phần chưa bị ảnh hưởng.
Phương pháp điều trị bệnh sa sút trí tuệ như thế nào?
Tùy theo nguyên nhân mà điều trị bệnh có thể khỏi hoàn toàn hoặc không. Điều trị với mục đích giảm triệu chứng và làm chậm diễn tiến bệnh, có 2 phương pháp:
Dùng thuốc
Với mỗi tình trạng bệnh khác nhau, các bệnh lý đi kèm, đáp ứng thuốc khác nhau. Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ lựa chọn thuốc cho phù hợp. Bạn nên đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để cùng thảo luận, có chọn lựa thuốc tốt nhất.
Không dùng thuốc
Bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn nếu người bệnh không có một cơ thể khỏe mạnh. Vì thế, một chế độ sinh hoạt lành mạnh là rất cần thiết. Bao gồm: tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, không rượu bia, ăn uống lành mạnh và giữ cân nặng hợp lý.
Cách phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ hiệu quả
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ, nhưng có những bước có thể hữu ích như sau:
- Giao tiếp. Hãy thử giao tiếp bằng mắt và phát âm một cách chậm rãi khi nói chuyện. Bạn cũng có thể dùng ngôn ngữ cơ thể đơn giản và ra dấu khi nói về ý kiến của mình.
- Tập thể dục. Giúp bạn tăng cường sức khỏe cũng như bảo vệ não, đặc biệt là khi thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
- Duy trì lối sống cân bằng. Khuyến khích những hoạt động thực hiện cùng với người khác hằng ngày như khiêu vũ, vẽ, nấu ăn, hát hay bất cứ gì mà bạn thích.
- Bổ sung đủ vitamin. Một số nghiên cứu cho thấy những người có lượng vitamin D trong máu thấp có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Do vậy, cần bổ sung đủ vitamin D thông qua một số loại thực phẩm, thực phẩm chức năng và phơi nắng. Cần nghiên cứu thêm trước khi tăng lượng vitamin D để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, nhưng nên đảm bảo bạn có đủ vitamin D. Uống vitamin B và vitamin C hàng ngày cũng có thể hữu ích.
- Ngủ đủ giấc. Hạn chế caffein, ngủ trưa ít lại và vận động nhiều hơn trong ngày, tránh xa tiếng ồn để ngủ đủ giấc khoảng 7-8 tiếng.
- Lên thời khóa biểu cho bản thân. Điều này sẽ giúp nhắc nhở bạn về những sự kiện sắp tới, thói quen hay lịch uống thuốc.
Nguồn: Youmed.vn, Hellbacsi.com, Vinmec.com