Đối với trẻ em, nhất là ở trẻ sơ sinh, các bệnh về đường hô hấp thường sẽ gây nguy hiểm và để lại những hậu quả khó lường. Do vậy, khi thấy trẻ sơ sinh bị khò khè, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Trẻ sơ sinh bị khò khè là như thế nào?
Khi trẻ bị khò khè, bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết bằng cách áp tai tới gần mũi hoặc miệng của con. Đặc biệt là khi trẻ đang ngủ, bố mẹ sẽ nghe thấy tiếng thở lạ, không đều, lúc nhanh lúc chậm, đôi khi giống với tiếng ngáy nhẹ.
Trẻ sơ sinh bị khò khè có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như bệnh hen suyễn, viêm tiểu phế quản, trào ngược dạ dày, bệnh tim bẩm sinh, viêm amiđan cấp tính hay các bệnh u xơ sợi thần kinh, khối u ở phổi.
Giải mã các âm thanh khác nhau khi trẻ thở khò khè
Khi thấy trẻ ngủ và phát ra âm thanh, bố mẹ nên chú ý theo dõi thật kỹ, từ đó có thể xác định được liệu con có đang gặp vấn đề về đường hô hấp hay không.
Trẻ thở ra tiếng khàn khàn
Trong trường hợp trẻ phát ra âm thanh khàn khàn khi thở, thì rất có thể đây là thanh quản của trẻ đang gặp tình trạng tắc nghẽn do nước nhầy. Tình trạng này khiến cho đường dây dẫn khí dưới âm thanh bị hẹp đi, do đó việc trẻ thở cũng trở nên nặng nề hơn. Đây có thể là biểu hiện cho thấy trẻ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản, chứng bệnh khiến cho thanh quản và khí quản của trẻ bị phù nề.
Âm thanh thở giống tiếng huýt sáo
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị khò khè và phát ra âm thanh giống tiếng huýt sáo có thể bắt nguồn từ tình trạng tắc nghẽn ở mũi. Thông thường, lỗ thông khí ở mũi trẻ rất nhỏ, nên chỉ cần có một chút nước nhầy hay sữa bột là đã có thể khiến cho lỗ thông khí bị thu hẹp lại. Việc này làm cản trở đường lưu thông của không khí ra vào đường thở, tạo ra những âm thanh như tiếng huýt sáo khi trẻ hít vào thở ra. Vậy nên trong trường hợp này, bố mẹ nên thông mũi sạch cho trẻ.
Trẻ thở rít
Lúc này, âm thanh thở ra, hít vào của trẻ thường lớn và gắt, bố mẹ có thể nghe thấy rất rõ ràng, đặc biệt là khi trẻ đang nằm ngửa. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản hoặc bạch cầu thanh quản.
Trẻ thở nhanh và thở dốc bất thường
Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi – chứng bệnh xuất hiện do virus và vi khuẩn, khiến các chất lỏng trong các phế nang tích tụ lại. Khi bị viêm phổi, trẻ sẽ có một vài triệu chứng khác như ho dai dẳng, sốt, người tím tái…
Cách cải thiện tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị khò khè, bố mẹ nên bình tĩnh quan sát để nhận biết nguyên nhân, từ đó tìm ra cách điều trị phù hợp và đưa trẻ đi khám bác sĩ kịp thời khi cần thiết.
Ngoài ra, khi gặp tình trạng trẻ bị khò khè, bố mẹ nên tiến hành vệ sinh mũi và họng sạch sẽ cho trẻ, tránh tình trạng trẻ sơ sinh bị đờm khò khè do ứ đọng đờm trong khoang mũi. Bố mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ bằng cách:
- Nghiêng đầu trẻ sang một phía, nhỏ nước chảy từ từ vào khoang mũi
- Không nhỏ quá nhiều, chỉ lấy 2-3 giọt, ấn nhẹ và nhanh trong 2-3 giây
- Nghiêng đầu trẻ về phía còn lại và tiến hành nhỏ mũi tương tự như trên
- 5 phút sau khi nhỏ mũi, sử dụng các dụng cụ y tế chuyên dụng để hút dịch nhầy hoặc dùng tăm bông thấm hút lượng nước còn ứ đọng trong mũi trẻ
Những điều bố mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị khò khè
Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh bị khò khè, bố mẹ cũng nên lưu ý:
- Giữ ấm cho trẻ để tránh tình trạng trẻ bị sổ mũi (trẻ thường hít vào khiến nước mũi chảy xuống cuống họng và gây ho). Đặc biệt là vào mùa lạnh, bố mẹ nên chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ và mũi cho trẻ.
- Luôn cho trẻ đeo khẩu trang hoặc dùng các dụng cụ che chắn khi ra đường để hạn chế sự xâm nhập của bụi và vi khuẩn.
- Vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý (chú ý không vệ sinh liên tục trong vòng nhiều hơn 4 ngày).
- Hạn chế ngoáy mũi cho trẻ vì việc này có thể gây tổn thương phần niêm mạc mũi và tiền đình mũi.
- Tránh tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Nếu thấy trẻ có biểu hiện nặng hơn và tình trạng khò khè kéo dài (khoảng 3-4 tuần) thì bố mẹ nên đưa cho trẻ tới gặp bác sĩ để được khám và đưa ra lời khuyên. Đặc biệt, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay nếu:
- Trẻ khó thở, tím tái trong lần đầu tiên bị khò khè.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi thở dốc, khó thở.
- Trẻ có tiền sử bị bệnh hen suyễn bỗng thở khò khè, đột ngột khó thở.
- Trẻ bị khò khè kèm theo các triệu chứng sốt cao, nôn ói.
- Mỗi lần hít thở, trẻ đều thở khó và bị co rút lồng ngực.
- Trẻ thở không đều, phải gắng sức để thở, gặp khó khăn khi hít vào thở ra.
Hy vọng bài viết trên đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về hiện tượng thở khò khè ở trẻ sơ sinh.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily