Site icon Medplus.vn

Mụn nhọt ở nách: Nguyên nhân và cách ngăn ngừa hiệu quả

Mụn nhọt ở nách: Nguyên nhân và cách ngăn ngừa hiệu quả

Vùng da dưới cánh tay thường mỏng và khá nhạy cảm. Do vùng da nách chứa nhiều tuyến mồ hôi và dễ bị tắc nghẽn lỗ chân lông, nên khu vực này rất dễ nổi mụn nhọt, gây khó chịu. Hãy cùng MedPlus tìm hiểu qua nguyên nhân và cách ngăn ngừa mụn nhọt ở nách để vùng da này luôn mịn màng, nõn nà bạn nhé!

Mụn nhọt ở nách là gì?

Nổi mụn nhọt ở nách là tình trạng viêm nhiễm do làn da bị nhiễm tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus) hoặc do tích tụ quá nhiều da chết ở nách. Khi gặp vấn đề nhiễm trùng, vùng da dưới cánh tay sẽ trở nên đỏ và sưng lên, sau đó khi mụn nhọt sẽ phát triển đi kèm với dịch mủ và gây đau rát cho da.

Nếu tình trạng nhọt ở nách kéo dài hơn 2 tuần hoặc không thuyên giảm mà lại phát triển theo chiều hướng xấu, bạn hãy đi khám bác sĩ da liễu.

Nguyên nhân nổi mụn nhọt ở nách 

Tuy rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra mụn nhọt ở nách, nhưng đa số các trường hợp là do nang lông bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Hầu hết nhiễm trùng có thể dẫn đến tình trạng mụn nách bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:

Do ma sát, đổ mồ hôi da

Bất cứ khi nào vùng da nách bị cọ xát thì có thể dẫn đến tổn thương, kích ứng hoặc thậm chí là bị nhiễm trùng da. Tình trạng ma sát có thể góp phần gây viêm, tắc nghẽn lỗ chân lông và bị nổi mụn ở nách. Làn da dưới cánh tay có thể bị cọ xát khi mặc quần áo chật, đeo dây đai của túi xách hoặc mang ba lô.

Ngoài ra, cho dù bạn có sử dụng chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi ở nách thì bạn vẫn có thể bị đổ mồ hôi ở khu vực này. Đổ mồ hôi quá nhiều ở vùng da dưới cánh tay có thể khiến vùng da này luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và dễ gây mụn nhọt.

Do sử dụng dao cạo, nhíp sai cách

Thường xuyên sử dụng nhíp hoặc dao cạo để loại bỏ vùng lông nách sẽ làm tăng ma sát và gây kích ứng cho làn da mỏng manh ở khu vực này. Cạo lông vùng da dưới cánh tay đôi khi có thể gây phát ban đỏ, khiến làn da sần sùi và gây kích ứng da. Điều này có thể khiến bạn bị ngứa da một cách khó chịu, tuy nhiên thông thường chỉ kéo dài trong vài ngày.

Nếu bạn sử dụng dao cạo cũ hoặc không được vệ sinh kỹ càng thì rất dễ xảy ra tình trạng bỏng dao cạo. Nếu bạn nhổ lông nách không đúng cách thì có thể tạo ra các lỗ hổng trên da. Từ đó đưa các vi khuẩn vào các vết nứt nhỏ trên da, dẫn đến nhiễm trùng chẳng hạn như viêm nang lông hoặc mụn nhọt ở nách, hoặc thậm chí là tình trạng lông mọc ngược.

Lông mọc ngược

 

Lông mọc ngược là tình trạng các sợi lông đã mọc ra khỏi nang lông và sau đó cuộn tròn để mọc trở lại vào da. Trong một số trường hợp, lông mọc ngược sẽ cuộn lại và quay trở lại nang lông trước khi chúng thoát ra khỏi da. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ tự chữa khỏi, vì thế bạn không cần phải loại bỏ chúng vì điều này có thể tạo ra vi khuẩn, gây viêm nang lông cho da. Để ngăn ngừa lông mọc ngược, bạn có thể thử 1 số phương thức sau:

  • Tẩy tế bào chết để loại bỏ lông mọc ngược.
  • Thay dao cạo râu bằng 1 lưỡi mới.
  • Cạo lông theo chiều lông mọc.
  • Đắp khăn mát lên da sau khi cạo lông.

Bị mụn nhọt ở nách do viêm nang lông

Viêm nang lông là tình trạng nang lông bị nhiễm trùng, thường có biểu hiện trông giống như 1 vết sưng đỏ ở bên trong hoặc gần sợi lông, và có thể chứa dịch mủ hoặc máu. Nếu nguyên nhân viêm nang lông là do vi khuẩn, bạn có thể được các bác sĩ điều trị bằng thuốc kháng sinh. Xà phòng diệt khuẩn có công thức benzoyl peroxide cũng được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn trên da, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp để dùng.

Vì thế, tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sĩ da liễu trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh không kê đơn nào vì chúng đôi khi có thể gây ra phản ứng dị ứng trên da (được gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng).

Để ngăn ngừa tái nhiễm, bạn nên sử dụng dao cạo mới và giữ cho vùng da nách sạch sẽ và không có vi khuẩn. Ngoài ra, bạn nên cạo lông theo chiều lông mọc để ngăn ngừa tình trạng viêm nang lông. Bên cạnh tác nhân từ vi khuẩn, có rất nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng viêm nang lông. Vì thế, cần phải được bác sĩ da liễu đánh giá thêm để chẩn đoán chính xác nhất.

Mụn nhọt ở nách là do nhiễm trùng nấm men

Những vùng da thường xuyên bị ẩm ướt có nguy cơ phát triển thành nhiễm trùng nấm men do vi khuẩn Candida gây ra. Nhiễm trùng nấm men thường tạo ra các nốt mụn đỏ hoặc mụn chứa đầy dịch mủ bên trong.

Để điều trị nhiễm trùng nấm men, bạn có thể thoa các loại kem chống nấm không kê đơn. Tuy nhiên, nhiễm trùng nấm men có những triệu chứng giống với các bệnh lý khác, vì vậy tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được tham vấn cách chữa trị phù hợp.

Dù các bác sĩ da liễu có khuyến nghị phương pháp điều trị nào, điểu quan trọng là bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ một cách cẩn thận và đều đặn.

Cách ngăn ngừa mụn nhọt ở nách

Mụn nhọt ở nách thường có thể được xử lý an toàn tại nhà. Tuy nhiên, nhọt ở nách có thể tái phát trở lại nếu không có các biện pháp ngăn ngừa hợp lý. Để ngăn ngừa mụn nhọt xuất hiện, bạn cần hết sức lưu ý các vấn đề như sau:

  • Giặt giữ, vệ sinh quần áo, khăn trải giường và khăn tắm thường xuyên. Sau khi giặt thì bạn nên phơi đồ. dùng cá nhân dưới ánh nắng mặt trời nhằm để diệt khuẩn.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.
  • Tắm rửa thường xuyên và tẩy tế bào chết ít nhất 1 lần/tuần.
  • Cạo hoặc nhổ lông nách cẩn thận nhằm hạn chế tổn thương da.
  • Thực hiện lối sống khoa học và chế độ ăn uống đủ dưỡng chất và cần tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay hay dùng chất kích thích. Thay vào đó, bạn nên thường xuyên bổ sung trái cây, rau củ quả có màu xanh để giúp tăng sức đề kháng cho da.
  • Không nên sờ, chạm tay hay tự ý đâm chích mụn nhọt ở nách.
  • Hạn chế bớt các hoạt động thể chất cho đến khi nào vùng da nách bị nhiễm trùng lành lặn hẳn. Vì các hoạt động này thường dễ tạo ra mồ hôi và khiến cho quá trình lành mụn nhọt lâu hơn do lỗ chân lông bị bí tắc.
  • Mặc áo rộng, ưu tiên các loại sợi vải thoáng và mềm.
  • Vệ sinh vùng da nách thường xuyên, và dùng khăn lau mỗi khi nách đổ quá nhiều mồ hôi.

Mụn nhọt dưới nách là những vết sưng đỏ và đau do nhiễm vi khuẩn. Nếu không được điều trị kịp thời, mụn nhọt có thể tiếp tục phát triển lớn hơn và gây đau đớn trầm trọng.

Tuy nhiên theo thời gian, chúng thường sẽ tự vỡ ra và tự lành. Do đó, bạn tuyệt đối không được tự ý nặn và chọc vào mụn nhọt vì điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng và rất khó để kiểm soát. Từ đó, dễ để lại thâm sẹo sau mụn khó lành và gây mất thẩm mỹ cho vùng da này.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Hidradenitis suppurativa

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version