Site icon Medplus.vn

Những ảnh hưởng của bệnh tự kỷ ở trẻ

Những ảnh hưởng của bệnh tự kỷ ở trẻ

Những ảnh hưởng của bệnh tự kỷ ở trẻ

Trẻ bị tự kỷ đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều gia đình. Vậy hội chứng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến trẻ trong quá trình phát triển và học tập?

Bệnh tự kỷ ở trẻ ảnh hưởng đến sự phát triển

Não bộ của trẻ tự kỷ phát triển ở một tốc độ khác biệt và thường không có được các kỹ năng theo thứ tự nhất định như những trẻ bình thường khác.

Ví dụ, một số trẻ tự kỷ có thể bắt đầu biết dùng vài từ đơn khi được 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau đó, trẻ không có giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ như các trẻ khác, mà có thể sẽ chỉ học thêm được một vài từ mới mỗi tháng. Thậm chí, có thể phải đến khi 3 tuổi hoặc muộn hơn, trẻ mới bắt đầu biết ghép từ đơn để tạo thành các cụm từ ngắn.

Một số trẻ tự kỷ khác lại có thể biết gọi tên các bộ phận trên cơ thể mình nhưng nếu nhìn trong tranh thì không biết gọi. Hoặc trẻ có thể nhận biết các màu nhưng lại không biết phân loại theo màu sắc.

Khả năng tập trung và tương tác

Trẻ tự kỷ thường không tương tác với mọi người theo cách giống như các trẻ bình thường. Ví dụ, trẻ tự kỷ có thể sẽ không có phản ứng gì khi được gọi tên, không giao tiếp bằng mắt, không cười với người chăm sóc mình, không vẫy tay chào nếu người khác không nhắc. Ngoài ra, những trẻ mắc hội chứng này cũng không biết sử dụng ánh mắt hoặc chỉ ngón tay để được người khác chú ý và để giao tiếp.

Việc sử dụng ánh mắt và cử chỉ để chia sẻ trải nghiệm với người khác được gọi là trao đổi hai chiều. Với trẻ tự kỷ thì đây là cả một thách thức lớn. Do đó, trẻ tự kỷ khó phát triển các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ. Ví dụ, khi bố mẹ chỉ vào bức ảnh một chú chó mà trẻ lại nhìn ra chỗ khác, thì trẻ khó có thể học được mối liên hệ giữa hình chú chó với từ “chó”.

Ngoài ra, trẻ cũng khó học được các kỹ năng như chờ đến lượt, hiểu được biểu cảm khuôn mặt hay nói đúng chủ đề, cũng đều vì khả năng trao đổi hai chiều kém.

Bệnh tự kỷ ở trẻ ảnh hưởng đến khả năng thấu hiểu

Với trẻ tự kỷ, việc xem xét mọi việc từ góc nhìn của người khác là rất khó. Trẻ có thể không hiểu được rằng mỗi người sẽ có những mong muốn và niềm tin khác nhau. Vì vậy, trẻ cũng không hiểu và dự đoán được hành vi của người khác, cũng như không biết rằng những hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu là kỹ năng xã hội rất quan trọng. Khi không có kỹ năng này, trẻ tự kỷ sẽ không hiểu và không hòa nhập được với mọi người. Trong cuộc sống hằng ngày, điều này đồng nghĩa với việc trẻ không thể hiểu tại sao người khác lại không hài lòng.

Với những trẻ bình thường, kỹ năng này sẽ phát triển khi trẻ được 3-5 tuổi. Nhưng trẻ tự kỷ có thể cần thêm rất nhiều thời gian nữa.

Khả năng tự kiểm soát và tự điều chỉnh

Trẻ tự kỷ còn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, thay đổi, sắp xếp, ghi nhớ, quản lý thời gian, điều chỉnh cảm xúc. Đây đều là những kỹ năng ở cấp độ cao, giúp chúng ta thực hiện nhiều công việc hằng ngày như làm việc nhóm hay sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những việc cần làm.

Khi những kỹ năng trên đều không tốt, thì việc học tập của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi giải một bài toán, trẻ có thể thuộc hết lý thuyết nhưng vẫn không biết cách giải. Đó là bởi trẻ không thể sắp xếp các ý nghĩ hay kết hợp các thông tin để giải quyết vấn đề.

Bệnh tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng nhìn tổng thể

Trẻ tự kỷ cũng thường quá chú ý đến các chi tiết thay vì tập hợp các nguồn thông tin để nhìn tổng thể tình huống. Ví dụ, khi nhìn vào nơi có vô vàn các loại cây, người bình thường sẽ coi đó là “một khu rừng”. Nhưng trẻ tự kỷ thì sẽ chỉ thấy đó là nhiều cái cây đơn lẻ thôi.

Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình học tập và phát triển của trẻ. Ví dụ, sau khi đọc một câu chuyện, trẻ có thể nhớ được nhiều chi tiết nhỏ, nhưng lại không biết ý nghĩa của toàn bộ câu chuyện đó. Những trẻ nhỏ hơn khi xem tranh trong sách cũng có thể chỉ tập trung vào các chi tiết trong khung cảnh nền, thay vì quan tâm đến các nhân vật hoặc sự liên quan của bức tranh đến cốt truyện.

Bệnh tự kỷ ở trẻ gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống. Tuy vậy, nếu có sự đồng hành của bố mẹ, chắc chắn trẻ có thể vượt qua nhiều trở ngại và hòa nhập dễ dàng hơn.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version