Site icon Medplus.vn

Những lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ

Những lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ

Những lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ

Chỉ cần bố mẹ chú ý đến một số lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ dưới đây, thì quá trình phát triển của con trẻ sẽ thuận lợi và lành mạnh hơn nhiều. Những điều này được Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra nhằm giúp các bậc bố mẹ có phương pháp chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt hơn.

Trẻ ở mọi độ tuổi đều bị ảnh hưởng tiêu cực khi gia đình căng thẳng

Những trải nghiệm tiêu cực trong giai đoạn sơ sinh và mầm non có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và não bộ của trẻ, thậm chí để lại hậu quả cả đời. Những thay đổi sinh học liên quan đến các trải nghiệm này có thể gây hại cho nhiều bộ phận trong cơ thể và tăng nguy cơ suy giảm khả năng học tập, rối loạn phát triển hành vi.

Những lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ

Sự phát triển không chỉ phụ thuộc vào gen, mà còn vào môi trường sống

Môi trường sống trước và sau khi trẻ sinh ra cho trẻ những trải nghiệm mạnh mẽ, thậm chí có thể điều chỉnh cả một số gen nhất định. Ví dụ, trẻ sinh ra đã có khả năng học cách kiểm soát sự bốc đồng, biết tập trung và ghi nhớ thông tin, nhưng những trải nghiệm trong năm đầu đời lại là nền tảng, quyết định rằng các kỹ năng này sẽ phát triển thế nào.

Ngoài bố mẹ, sự gần gũi thân thiết với những người xung quanh cũng rất quan trọng

Những mối quan hệ tốt với những người chăm sóc đáng tin cậy khác sẽ không làm ảnh hưởng đến mối liên kết mạnh mẽ giữa con cái và bố mẹ. Thực tế, việc tiếp xúc với nhiều người chăm sóc khác nhau sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên thay đổi người chăm sóc hoặc tương tác kém hiệu quả trong giai đoạn giáo dục mầm non thì trẻ có thể giảm khả năng thiết lập các kỳ vọng phù hợp ở người khác (nhu cầu của mình có được đáp ứng không, được đáp ứng thế nào…).

Rất nhiều cấu trúc não của trẻ được định hình trong ba năm đầu đời, nhưng cơ hội phát triển vẫn còn tiếp tục kéo dài

Những khía cạnh cơ bản của chức năng não, như khả năng nghe và nhìn hiệu quả, cũng như một số khía cạnh phát triển cảm xúc, phụ thuộc chủ yếu vào những trải nghiệm đầu đời. Tuy nhiên, dù những vùng não điều khiển các chức năng cao hơn (khả năng xã hội, cảm xúc, nhận thức…) cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những trải nghiệm ban đầu, nhưng sau này chúng vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Chính vì thế, khi lớn lên, chúng ta vẫn có thể học cách “xử lý” những tác động mà mình đã chịu từ khi còn nhỏ.

Những lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ

Bị bỏ bê gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhiều ngang bằng, hoặc hơn cả bạo hành thể chất

So với trẻ bị ngược đãi về mặt thể chất, thì những đứa trẻ thiếu sự quan tâm trong thời gian dài còn gặp nhiều vấn đề hơn về mặt nhận thức, khả năng tập trung, sử dụng ngôn ngữ, học tập, khiến trẻ thu mình lại và có nhiều vấn đề về tương tác khi lớn lên. Trong khi, điều này lại chưa được quan tâm đúng mức.

Trẻ nhỏ sống trong bạo lực hay khó khăn không phải luôn bị các rối loạn tâm lý hay trở thành những người bạo lực sau này

Những trẻ sống trong môi trường bạo lực sẽ dễ bị ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não bộ và dễ gây hấn với người khác, nhưng vẫn có cơ hội để phát triển lành mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ sớm có được người chăm sóc đáng tin cậy và nhận được phương pháp điều trị phù hợp.

Việc đưa trẻ ra khỏi môi trường nguy hiểm không tự động đảo ngược những tác động tiêu cực từ những trải nghiệm trước đó

Việc lập tức đưa trẻ tránh khỏi những môi trường nguy hiểm là rất cần thiết. Cũng tương tự, trẻ bị bỏ bê cần được chăm sóc và tương tác càng sớm càng tốt. Nhưng trẻ cần phải ở trong một môi trường có thể khiến chúng khôi phục cảm giác an toàn, ổn định, và có thể cần được điều trị.

Khả năng phục hồi cần có sự hỗ trợ của mọi người xung quanh

Khả năng thích nghi và phát triển trong khó khăn sẽ được củng cố nhờ vào sự tương tác trong các mối quan hệ tốt, các hệ thống sinh học và biểu hiện gen. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cần có ít nhất một mối quan hệ hỗ trợ tốt và nhiều cơ hội rèn luyện các kỹ năng đối mặt với khó khăn, thì trẻ mới phát triển được tốt ngay cả khi gặp nghịch cảnh.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version