Site icon Medplus.vn

Nọc Sởi (Cỏ Ban) – Dược liệu quý để giải độc, trị viêm bạn nên biết

Cây Nọc Sởi (Cỏ Ban)

Cây Nọc Sởi (Cỏ Ban)

Cây Nọc Sởi còn gọi là cây Cỏ Ban, là một loại dược liệu mọc hoang ở khắp nước ta. Cây có nhiều công dụng như giúp giải độc sởi, trị viêm gan cấp tính, vàng da, trị viêm thận cấp. Để hiểu rõ hơn về loại dược liệu này, mời các bạn cùng tìm hiểu với Medplus nhé!

Thông tin cơ bản

Tên tiếng Việt: Cỏ ban, nọc sởi

Tên khoa học: Hypericum iaponicum Thunb.

Họ: Hypericaceae

Đặc điểm cây

Ban là một loại cỏ nhỏ, thân nhỏ mang nhiều cành, cao chừng 10-20cm, thân nhẵn.

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây ban mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, hay gặp tại những ruộng mạ, ruộng bỏ hoang, hơi ẩm, mùa xuân cây bắt đầu xuất hiện, mùa hạ nở hoa, sang thu đông lại lụi hết.

Có mọc tại Trung Quốc (cũng thấy dùng làm thuốc-Quảng Tây), các nước khác vùng nhiệt đới và á nhiệt đới.

Dùng toàn cây tươi, có khi phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học, tính vị

Thành phần hóa học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Trong loài Hypericum perforatum L. mới đây người ta tìm thấy có imanin, imanin A và novoimanin.

Tính vị, công năng

Theo Y học cổ truyền, nọc sởi có vị đắng, ngọt, tính mát hoặc bình. Quy vào kinh tâm, can, thận. Có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt, tán ứ tiêu thũng, giảm đau, lợi tiểu.

Công dụng và những bài thuốc về Nọc Sởi

Công dụng và liều dùng

Tác dụng thanh thấp nhiệt, tiêu thũng trướng, khứ tích tiêu thực (chữa tiêu hóa kém, đầy),dùng chữa cam tích, thấp nhiệt hoàng đản,dùng ngoài chữa rắn cắn, bị thương, sưng đau.

Trong dân gian thường dùng chữa những vết do đỉa cắn, sâu răng, hôi mồm, ho, sởi. Cách dùng: toàn cây rửa sạch, sắc lắy nước (30-40g trong 100ml nước). Dùng nước này súc miệng thường xuyên chữa hôi miệng sâu răng. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Những bài thuốc về Nọc Sởi

1. Chữa rắn độc cắn

Giã nát cây ban, thêm ít băng phiến đắp lên vết rắn cắn đã được chích rộng ra.

2. Chữa hoàng đản

Cây ban 40 hoặc 60g khổ sắc uống.

3. Giải độc sởi

Dùng 50g nọc sởi tươi hoặc 20g khô, sắc lấy nước, thêm chút đường quấy đều, uống ngày 2 – 3 lần, trước khi ăn, hoặc phối hợp với 4 – 6g kim ngân hoa cùng sắc uống.

4. Trị viêm gan cấp tính, vàng da

Nọc sởi 40g sắc uống trong ngày.

5. Trị viêm thận cấp

Nọc sởi 50g, táo thuốc 12g, sắc uống 3 lần trong ngày.

6. Nọc sởi có thể dùng ngoài dưới dạng nước sắc để rửa, trị viêm kết mạc, viêm niêm mạc miệng

Lấy 50g cây tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, rồi lau rửa vào chỗ viêm, ngày 2 – 3 lần.

7. Trị mụn nhọt sưng đau, lở loét

Nọc sởi nấu thành cao, bôi nơi bị bệnh.

8. Chữa thấp chẩn (chàm lở), mụn rộp, nhọt độc sưng đau

Cỏ Ban sắc nước ngâm rửa.

9. Chữa đánh ngã tổn thương

Cỏ Ban 30g, sắc nước bỏ bã, thêm 50ml rượu nấu sôi chia 2 lần uống. Mặt khác lấy cỏ Ban tươi rửa sạch, giã nát, cho thêm chút rượu trắng vào bó ngoài vết thương.

10. Chữa thổ tả, ỉa chảy, nôn mửa, kiết lỵ

Cỏ Ban 20g, sắc nước uống. Nếu xích lỵ pha đường trắng, bạch lỵ pha đường đỏ uống.

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!

Lưu ý

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng.
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nguồn: Tracuuduoclieu

Exit mobile version