Phá cố chỉ là dược liệu có vị đắng cay, tính ôn, không độc, có tác dụng làm tăng bạch cầu trong máu, chữa đái dầm, đi tiểu nhiều lần,… Hôm nay Medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Phá cố chỉ, Đậu miêu, Bổ cốt chi
Tên khoa học: Cullen corylifolium (L.) Medik.
Tên đồng nghĩa: Psoralea corylifolia L.
Họ: Fabaceae (Đậu)
1. Đặc điểm thực vật
Phá cố chỉ là cây thân thảo, cứng, thân có cạnh và lông, ít phân nhánh. Cây trưởng thành có thể cao đến 1 mét. Lá chét, mọc đơn độc, hình trái xoan. Mép lá có răng thô, hai bên mặt chứa nhiều tuyến màu đen, hình mắt chim.
Pha cố chỉ ra hoa màu tím. Nhiều hoa kết thành chùm hình trứng. Quả đậu, dẹp, đun, sần sùi. Hạt đơn dính vào vỏ quả, màu nâu đen hoặc đen bóng.
Cây thảo cứng, ít phân nhánh, cao tới 1m. Lá chỉ có 1 lá chét hình trái xoan, có răng thô, cả hai mặt có nhiều tuyến hình mắt chim, màu đen. Hoa vàng đến hơn 20 cái xếp thành đầu hình trứng. Quả đậu hình trứng, hơi bị ép đen, sần sùi. Hạt đơn độc dính với vỏ quả, có màu nâu đen hay đen. Trên mặt hạt có các vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm, mùi thơm, vị cay.
2. Phân bố
Cây phá cố chỉ là loài bản địa của Ấn Độ. Hiện tại cây được trồng nhiều nơi ở nước ta để làm thuốc chữa bệnh.
3. Bộ phận dùng
Hạt của cây ở dạng khô
4. Thu hái – Sơ chế
Hạt phá cố chỉ thường được thu hoạch vào mùa thu ( khoảng tháng 9 hàng năm ). Những quả già sẽ được đem về phơi khô, tách vỏ lấy hạt, nhặt bỏ tạp chất và cuộng. Cuối cùng đem hạt đi phơi hoặc sấy cho thật khô.
Dược liệu có chất lượng tốt là những hạt khô, mẩy, đen chắc, có mùi thơm hơi nồng và chứa nhiều dầu.
5. Bảo quản
Bảo quản dược liệu trong hũ kín hoặc túi ni lông, để nơi thoáng mát, không có nước hoặc không khí ẩm.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
- Vị đắng cay
- Tính ôn, ấm
- Không có độc tố
2. Thành phần hóa học
- Tinh dầu
- Coumarin,
- Alcaloid
- Sterol
- Raffinose
- Bavachin
- Isobavachalcone
- Bakuchiol và một số hoạt chất khác
3. Tác dụng dược lý và chủ trị
Theo Y học cổ truyền, phá cố chỉ có tác dụng ôn thận, cường dương, cố tinh. Chủ trị tiêu chảy, đau lưng, di tinh, ho lao, viêm phế quản, đi tiểu nhiều lần, đái dầm ở trẻ em.
Nghiên cứu hiện đại
- Trên hệ tim mạch: Dược liệu này thể hiện rõ khả năng làm giãn động mạch vành. Nó ức chế chất kích thích làm co động mạch vành do thùy sau tuyến yên sản xuất ra. Thực nghiệm trên chuột cũng cho thấy chiết xuất từ phá cố chỉ kích thích tim co bóp mạnh hơn, đồng thời cải thiện chức năng đông máu của động mạch vành.
- Đối với hệ miễn dịch: Phá cố chỉ thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu hạt làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, dược liệu này cũng thể hiện khả năng ức chế tốt đối với một số tác nhân gây bệnh như trực khuẩn lao, tụ cầu vàng -trắng.
- Trên cơ trơn: Thử nghiệm trên chuột Hà Lan cho thấy chiết xuất phá cố chỉ có thể làm hưng phấn cơ trơn nhưng lại làm mềm giãn tử cung của loại động vật này.
- Chống lại sự phát triển của tế bào ung thư: Tinh dầu phá cổ chỉ thể hiện đặc tính kháng ung thư. Nó ức chế sự tăng sinh của các tế bào Sarcoma-180 và Hela gây ung thư.
- Làm tăng sắc tố da: Phá cố chỉ kích thích các mạch máu giãn nở, tăng cường dinh dưỡng đến nuôi da, đồng thời làm tăng sắc tố da.
- Ngăn ngừa thụ thai, tăng trọng lượng tử cung.
4. Cách dùng và liều lượng
Liều lượng thông thường được khuyến cáo là 6 – 15g một ngày. Có thể dùng dược liệu phá cố chỉ dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, dung dịch bôi ngoài da hay chế viên hoàn uống tùy theo bệnh lý mắc phải.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Chữa suy nhược thận khí, phong lạnh, đau lưng do khí huyết sung đột, mạnh gân cốt, dưỡng nhan, đen tóc
Chuẩn bị 1 thang thuốc gồm 480g phá cố chỉ, 480g đỗ trọng, 20 quả hồ đào nhục, 30g tỏi. Phá cố chỉ đem sao với rượu, đỗ trọng bỏ vỏ, cắt lát mỏng sao chung với một ít nước cốt gừng, quả hồ đào bỏ vỏ, tán bột mịn, tỏi giã nát.
Tất cả trộn trung, làm hoàn viên kích thước to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 viên lúc đói bụng, uống chung với rượu nóng. Trường hợp không uống được rượu có thể thay thế bằng giấm nhạt.
2. Chữa đau lưng khi mang thai
Dùng 60g phá cố chỉ và hồ đào nhục. Phá cố chỉ tán bột mịn, cất trong hũ thủy tinh có nắp đậy kín để dùng dần. Khi bị đau lưng, bà bầu có thể lấy nửa trái hồ đào nhục nhai nuốt với rượu nóng kết hợp uống thêm 6g phá cố chỉ. Dùng thuốc khi đói bụng.
3. Chữa chứng dương khí suy kiệt, ích khí, mạnh gân cốt, kéo dài tuổi thọ.
Dùng 300g phá cố chỉ và 600g hồ đào nhục. Phá cố chỉ bỏ vỏ, rửa sạch, phơi nắng, sau đó đem chưng với rượu rồi phơi nắng thêm lần nữa. Giã nhỏ rây lấy bột mịn. Hồ đào nhục trần qua nước sôi, lột bỏ vỏ, nghiền nhỏ.
Trộn cả 2 với mật thành hỗn hợp đặc sệt tương tự như kẹo mạch nha. Mỗi lần lấy 10 muỗng thuốc uống chung với 2 chén rượu nóng. Uống trước bữa ăn sáng. Trong quá trình dùng thuốc cần kiêng vân đài, thịt dê.
4. Chữa đái dầm, di tinh, bất lực
- Bài 1: Dùng 9g phá cố chỉ, 1,5g trầm hương, 9g hồ đào nhục, 9g thỏ ty tử. Tất cả tán bột, trộn mật làm hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần x 9g/lần. Dùng nước muối để uống.
- Bài 2: Phá cố chỉ tán bột mịn. Mỗi lần lấy 6g pha nước uống, ngày dùng 2 lần.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Kiêng kỵ
Do có tác dụng hoạt huyết mạnh, phá cố chỉ không thích hợp cho những đối tượng sau:
- Người bị viêm loét dạ dày tá tràng
- Viêm loét đại tràng và các chứng viêm ở đường tiêu hóa khác
- Phụ nữ bị rong kinh, băng huyết
- Trĩ xuất huyết
- Đái ra máu
- Người bị yếu xương
- Người có thể âm hư hỏa vượng
Chú ý khi sử dụng
- Hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng
- Dùng thuốc kiên trì, đúng liều lượng
- Khi dùng phá cố chỉ theo đường bôi ngoài không nên dùng thuốc quá đậm đặc hoặc thoa liên tục nhiều lần trong ngày dễ gây kích ứng, phồng rộp da.
- Thận trọng khi dùng chung với thuốc hay các dược liệu khác bởi chúng có thể tương tác gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam