Site icon Medplus.vn

Phân biệt 6 loại bảo hiểm cơ bản nhất hiện nay [cập nhật 8/2021]

Phân biệt các loại bảo hiểm cơ bản

Phân biệt các loại bảo hiểm cơ bản

Mua bảo hiểm không còn xa lạ gì với cuộc sống hiện nay. Các sản phẩm bảo hiểm giúp chi trả chi phí cho khách hàng khi các trường hợp không may xảy đến như tai nạn, ốm đau, bệnh tật… Bảo hiểm được chia thành rất nhiều loại sản phẩm theo phương diện đối tượng được bảo hiểm, tính chất hoạt động hoặc phương thức tham gia.

Cùng Medplus tìm hiểu các loại bảo hiểm cơ bản hiện nay qua bài viết bên dưới đây nhé.

1. Bảo hiểm thương mại

Bảo hiểm thương mại là gì?

Trên thị trường có 3 loại hình bảo hiểm thương mại bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe như sau:

1.1. Bảo hiểm nhân thọ

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000

Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.

Bảo hiểm nhân thọ bao gồm các loại sau đây:

  1. Bảo hiểm trọn đời: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó.
  2. Bảo hiểm sinh kỳ: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  3. Bảo hiểm tử kỳ: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  4. Bảo hiểm hỗn hợp: là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.
  5. Bảo hiểm trả tiền định kỳ: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; sau thời hạn đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho người thụ hưởng theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  6. Bảo hiểm liên kết đầu tư.
  7. Bảo hiểm hưu trí.

1.2. Bảo hiểm sức khỏe

Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật

Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong bảo hiểm sức khỏe có 3 nghiệp vụ bảo hiểm sau:

  1. Bảo hiểm tai nạn con người là sản phẩm bảo hiểm cho những trường hợp bị tổn thương thân thể hoặc tử vong do tai nạn.
  2. Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế thương mại hay còn gọi là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhằm mục đích hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi người tham gia không may gặp rủi ro ốm đau bệnh tật, tai nạn…
  3. Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe là sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí điều trị và trợ cấp cho người tham gia trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, phẫu thuật, tai nạn, thai sản…

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm sức khỏe là:

  • Khách hàng tham gia bảo hiểm một cách tự nguyện, tùy thuộc vào khả năng tài chính cũng như nhu cầu của cá nhân và gia đình.
  • Phạm vi bảo hiểm đa dạng: ốm đau, bệnh tật, tai nạn, nha khoa, thai sản,…
  • Được lựa chọn phòng khám, bệnh viện một cách tự do với TOP những cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu trên đất nước mà không cần trả phí trước. Lưu ý rằng những bệnh viện/phòng khám phải thuộc danh sách liên kết với công ty bảo hiểm. Tự do chọn phòng khám là một ưu điểm đáng kể đến, bạn có thể lựa chọn nơi bạn tin tưởng và không cần đúng tuyến. Điều này giúp cho các khách hàng tự do và linh hoạt khi khám chữa bệnh.
  • Không cần khám sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm.
  • Một hợp đồng bảo hiểm sức khỏe có thể sử dụng chung cho cả gia đình, như bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt An Gia. Điều này đem đến sự tiện lợi, linh hoạt cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm sức khỏe.

Xem thêm:

1.3. Bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ là các loại bảo hiểm tự nguyện hướng tới con người và nhằm đảm bảo rủi ro xảy ra cho các đối tượng liên quan đến con người, như tai nạn, sức khỏe, hàng hóa (kho vận, tàu xe,…)

Trong Bảo hiểm phi nhân thọ được chia thành các nghiệp vụ bảo hiểm sau:

  1. Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: Bảo hiểm tài sản là sản phẩm bảo hiểm cho đối tượng tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
  2. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không.
  3. Bảo hiểm hàng không: Bảo hiểm hàng không là bảo hiểm dành riêng cho hoạt động của máy bay và những rủi ro liên quan đến quá trình vận chuyển bằng đường hàng không (bao gồm hàng hóa và con người).
  4. Bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm bảo hiểm dành cho xe cơ giới nhằm bồi thường cho chủ xe khi không may xảy ra rủi ro liên quan đến con người, chiếc xe hoặc hàng hóa trên xe.
  5. Bảo hiểm cháy, nổ là sản phẩm bồi thường cho các thiệt hại xảy ra đối với tài sản của cơ sở được bảo hiểm khi không may xảy ra rủi ro cháy, nổ.
  6. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu: Bảo hiểm thân tàu là sản phẩm bồi thường cho các thiệt hại xảy ra đối với thân vỏ tàu, máy móc và trang thiết bị tàu do những hiểm họa của biển/sông nước gây ra, hoặc do những tai nạn bất ngờ.
  7. Bảo hiểm trách nhiệm là sản phẩm bảo hiểm cho các rủi ro liên quan đến những trách nhiệm pháp lý hay nghĩa vụ bồi thường các thiệt hại do lỗi của người được bảo hiểm làm tổn hại cho các tổ chức, cá nhân khác.
  8. Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính: Bảo hiểm tín dụng là sản phẩm bảo hiểm cho những khoản vay giúp người đi vay trả nợ ngân hàng khi không may gặp rủi ro bất ngờ.
  9. Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh là nghiệp vụ bảo hiểm cho những rủi ro về tài sản trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
  10. Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Bảo hiểm do Nhà nước thực hiện

2.1. Bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi hiện nay có một vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi thì “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng)”.

2.2. Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng hoặc mức lương cơ sở… tùy từng đối tượng. Nhưng Nhà nước hỗ trợ từ 30% -100% tiền đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng như người có công với cách mạng, hộ gia đình cận nghèo, học sinh sinh viên…

3. Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Mức đóng hằng tháng của người lao động Việt Nam bằng 8% mức tiền lương tháng/ lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:

  • Ốm đau;
  • Thai sản;
  • Tai nạn lao động,
  • Bệnh nghề nghiệp;
  • Hưu trí;
  • Tử tuất.

Các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện là hưu trí và tử tuất.

4. Kết luận

Nhìn chung, các loại bảo hiểm hiện nay đều mang đến những quyền lợi nổi bật, giúp người tham gia được hỗ trợ tài chính, được bảo vệ toàn diện trước nhiều rủi ro. Hãy chọn và tham gia ngay một gói bảo hiểm bạn ấn tượng nhất, phù hợp với yêu cầu và điều kiện tài chính của mình.

Tham gia bảo hiểm khách hàng sẽ có khoản tài chính dự phòng để đảm bảo trong trường hợp rủi ro như ốm đau, bệnh tật, bị thương tật, tử vong dẫn đến mất nguồn thu nhập. Chính sự chuẩn bị này sẽ giúp bạn sống lạc quan hơn vì không phải lo lắng về các chi phí y tế khi có rủi ro về sức khỏe, an yên hơn trước rủi ro về tính mạng bởi nếu không may mắn bạn vẫn có thể được bù đắp một phần bằng số tiền chi trả của công ty bảo hiểm giúp người thân trong gia đình sớm ổn định cuộc sống.

Exit mobile version