Cha mẹ được coi là tấm gương phản chiếu của con trẻ. Vì vậy, nếu muốn con học được điều hay, cha mẹ làm gương cho con là điều cần thiết nên làm. Cha mẹ làm gương cho con là cách dạy dỗ hiệu quả nhất. Đôi khi, chỉ nói con về những giá trị và trách nhiệm thôi là chưa đủ. Chúng ta phải cho con thấy được hành động.
Hãy luôn nhớ rằng, đây không phải là lời kêu gọi tất cả chúng ta trở thành phụ huynh hoàn hảo. Chúng ta vẫn sẽ nổi nóng và mắc sai lầm. Sau cùng, chúng ta không hoàn hảo, và chúng ta cũng không nên kỳ vọng sự hoàn hảo từ các con. Vậy làm thế nào để trở thành tấm gương tốt cho con cái?
Tự hỏi liệu bố mẹ có làm giống như vậy không
Một ngày nọ, tôi đã hét lên với con để yêu cầu con ngừng la hét. Thật nực cười, đúng không? Tôi đã nóng giận hơn mức mình muốn. Và mỗi lần như vậy, tôi giật mình tưởng tượng các con cũng cư xử như cái cách tôi vừa làm. Vấn đề là, quát mắng dạy chúng chính xác hành động đó.
Bất cứ khi nào bố mẹ dạy con một bài học, hãy tự hỏi mình liệu ta có làm giống như vậy không. Thật dễ dàng khi căn dặn tụi nhỏ không được quát mắng lẫn nhau. Nhưng nếu bố mẹ dành gần hết cả ngày để quát mắng chúng, hay la hét với vợ/chồng của mình thì sao?
Bọn trẻ chọn và sẽ làm những hành vi mà trẻ thấy. Trẻ sẽ không giải quyết mâu thuẫn với sự tôn trọng khi thấy những người xung quanh nói chuyện không tử tế hay hét vào mặt ai đó.
Nếu bố mẹ cảm thấy tội lỗi về bản thân, hãy cố gắng cải thiện. Hãy có ý thức với những thiếu sót của bản thân và nghe theo lời khuyên của chính mình
Hãy là một người lớn mà bố mẹ muốn con trở thành
Bố mẹ thử tưởng tượng cách con trẻ sẽ bước vào tuổi trưởng thành như thế nào. Chưa kể đến công việc, gia đình, nhà cửa, sở thích hay bất cứ thứ gì khác. Thay vào đó, giá trị và hành vi nào mà bố mẹ sẽ muốn thấy ở đứa trẻ khi trở thành người lớn.
Hầu hết chúng ta sẽ muốn con mình tử tế và rộng lượng. Giàu đam mê nhưng khiêm tốn. Là người trân trọng việc học, đọc, và nói chuyện với người khác một cách tôn trọng.
Bây giờ là cơ hội của bố mẹ để hành xử và áp dụng những giá trị mà ta muốn con cái mình có. Thật khó để nuôi dạy những đứa trẻ tử tế và rộng lượng trong khi chúng ta nói chuyện không đàng hoàng với những người xung quanh. Thay vào đó, hãy sống đúng với những giá trị mà bố mẹ muốn con mình áp dụng.
Những hành vi cha mẹ làm gương cho con
Nếu bố mẹ muốn con có những thói quen tốt, bố mẹ nên làm gương cho con cái thông qua một số hành vi như:
1. Tôn trọng người khác
Bố mẹ tương tác với mọi người xung quanh, với gia đình và người lạ như thế nào? Bố mẹ cho con cái thấy mình cư xử tôn trọng khi tương tác với người khác như thế nào? Đó chính là điều mà trẻ sẽ học hỏi và làm theo.
2. Ăn thức ăn lành mạnh
Hãy ăn những thức ăn lành mạnh mà bố mẹ cho con ăn. Và thử thách bản thân không lén ăn khi con ngủ hay không nhìn thấy. Các con đang đưa ra một cam kết rất lớn để ăn uống tử tế. Hãy dung hòa với con và làm y như vậy, bố mẹ nhé!
3. Ngưng quát mắng và cãi vã
Mọi bố mẹ đều từng hét lên với con rằng hãy ngừng la hét và đừng nóng giận, để con giữ bình tĩnh thay vì ăn vạ. Khi bố mẹ cảm thấy như mình đang mất kiểm soát, hãy tự hỏi chính mình liệu đây có phải là hành vi mà bố mẹ bảo trẻ đừng làm hay không.
4. Giải quyết mâu thuẫn ôn hòa
Đã bao nhiêu lần chúng ta phải dắt tay bọn trẻ đi qua một cuộc cãi vã? Bố mẹ muốn trẻ có thể trò chuyện một cách tôn trọng đối phương, vậy đâu là cách tốt nhất? Hãy chín chắn trong chính hành động của mình. Hãy đối xử tôn trọng với những người làm hỗ trợ khách hàng, cho dù bố mẹ đang khó chịu điều gì đó. Đừng nóng giận khi người khác ngắt lời bố mẹ. Đây là những hành vi rất nhỏ cho các con thấy cách giải quyết mâu thuẫn.
5. Thể hiện lòng biết ơn
Một trong những cách tốt nhất để nuôi dạy những đứa trẻ có lương tâm là dạy về lòng biết ơn. Chúng ta muốn các con trân trọng những gì chúng có thay vì theo đuổi nhiều hơn. Hãy thể hiện lòng biết ơn với những niềm vui nho nhỏ như được ăn một bữa ăn ngon hay tham gia một cuộc dạo chơi nơi công viên.
6. Đừng nói từ ngữ xấu
Ngay cả khi các con đang nói những từ ngữ không hay, bố mẹ vẫn nên dạy chúng tránh những từ dơ bẩn, mỉa mai hay lên mặt.
Hãy để tâm đến cách bố mẹ giao tiếp với con và với mọi người xung quanh. Hãy tránh những từ, cụm từ mà bố mẹ ghét phải nghe nói phát ra từ miệng của con mình.
7. Hạn chế thời gian dùng màn hình
Xem tivi hay chơi điện tử thời gian dài là không lành mạnh cho trẻ. Vì vậy, chúng ta có thể thắt chặt giới hạn thời gian dùng màn hình, và cũng phải tự tuân theo quy tắc mình đặt ra.
Hãy tránh sử dụng máy tính, điện thoại khi các con ở bên. Nếu bố mẹ không thể hay đó là một phần của công việc, hãy giải thích tình huống của mình để các con hiểu rằng bố mẹ không phải đang tự cho mình là ngoại lệ.
8. Đọc sách thường xuyên
Lợi ích mà việc đọc sách mang lại là quá đủ để thuyết phục bất kỳ cha mẹ nào tầm quan trọng của thói quen này. Vì vậy chúng ta nên khuyến khích các con đọc, cho con mượn sách, và khiến việc đọc trở thành thói quen mỗi tối.
9. Nói lời xin lỗi
Chúng ta yêu cầu bọn trẻ nói “xin lỗi” sau mọi vụ ẩu đả. Đôi khi ta ép chúng phải xin lỗi. Trẻ có khả năng cảm thấy có lỗi thực sự và nói “xin lỗi” khi chúng cũng thấy ta làm như thế. Thừa nhận và xin lỗi vì những hành vi mắc lỗi làm xóa đi cảm giác xấu hổ và khuyến khích trẻ vâng lời.
Cha mẹ làm gương cho con là một việc quan trọng, và cũng là một trong những việc khó nhất. Chúng ta là con người, đang tìm hiểu về chính mình cũng như bọn trẻ. Việc làm cha mẹ đã cho chúng ta nhiều thử thách mà ta chưa bao giờ đối diện. Và nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily