Site icon Medplus.vn

Phương pháp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ

Phương pháp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ

Phương pháp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ

Trong giai đoạn trẻ 1-3 tuổi, nếu bố mẹ thường xuyên thực hiện những cách giúp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ, đây sẽ là nền tảng của sự sáng tạo cũng như thành công sau này. Vì vậy, bố mẹ hãy tham khảo một số hoạt động để giúp phát triển trí tưởng tượng của trẻ nhé.

Cho trẻ tham gia vào các hoạt động chủ động thay vì bị động để giúp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ

Giống như cơ bắp của con người, nếu không được rèn luyện thường xuyên thì trí tưởng tượng của trẻ sẽ mai một đi. Chẳng hạn, nếu chỉ tham gia vào các hoạt động thụ động như xem tivi thì trẻ sẽ chỉ tiếp thu được suy nghĩ của người khác chứ không được kích thích để đưa ra ý tưởng của riêng mình. Bố mẹ nên cho trẻ đi dạo ngoài trời và cùng đọc sách với trẻ nhiều hơn, bởi đây là những hoạt động chủ động sẽ khiến não trẻ liên tục hoạt động. Ngoài ra, khi đọc sách cùng trẻ, bố mẹ hãy bảo trẻ tự nghĩ ra phần kết theo ý mình và đặt nhiều câu hỏi để trẻ suy nghĩ sáng tạo nhé.

Đưa cho trẻ nhiều đồ dùng an toàn

Vì trẻ nhỏ thích thử dùng mọi thứ theo nhiều cách khác nhau và khám phá đồ vật bằng nhiều giác quan, nên bố mẹ hãy cho trẻ nhiều đồ để chơi và tìm hiểu, nhưng cần chọn những đồ thật an toàn. Chẳng hạn, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những thứ như màu vẽ, đất nặn, bút dạ không độc, hay những món trang phục để trẻ chơi hóa trang… Với tất cả những thứ đưa cho trẻ, bố mẹ nên kiểm tra để chắc chắn rằng không có chi tiết nhỏ nào có thể rơi ra – tránh việc trẻ nuốt phải. Khi có môi trường an toàn, trẻ sẽ thoải mái khám phá và phát triển khả năng tưởng tượng của bản thân.

Phương pháp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ

Để trẻ tự đưa ra lựa chọn

Bất cứ khi nào có thể, bố mẹ nên để trẻ tự đưa ra lựa chọn. Ví dụ, bố mẹ có thể hỏi trẻ thích uống bằng cốc màu xanh dương hay xanh lá, trẻ thích mặc áo kẻ sọc hay chấm bi. Việc được tự quyết định những chuyện cá nhân sẽ khiến trẻ tự tin, hứng thú hơn và không ngại đưa ra ý kiến của mình.

Bỏ qua sự bừa bộn

Khi trẻ chơi một cách sáng tạo thì sự bừa bộn là khó tránh khỏi. Điều bố mẹ nên làm là cứ kệ những “bãi chiến trường” đó, thay vì liên tục nói:  “Sao con lại để bừa thế này?”, “Bút màu phải để ở trong hộp chứ!”… Những câu nói như thế sẽ khiến trẻ ngại sáng tạo và chỉ muốn làm mọi thứ theo khuôn khổ mà thôi.

Tham gia vào các trò chơi sáng tạo với trẻ

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bố mẹ tham gia vào các trò chơi sáng tạo cùng trẻ sẽ giúp trẻ mở rộng vốn từ và tăng khả năng suy nghĩ linh hoạt. Bố mẹ có thể chơi hóa trang hoặc cùng trẻ vẽ tranh – một khi bố mẹ hào hứng thì trẻ cũng sẽ hào hứng theo đấy.

Không đặt kỳ vọng quá cao

Nhiều bố mẹ thường đặt kỳ vọng quá cao, cứ muốn trẻ vẽ gì cũng phải giống thật, hoặc kể một câu chuyện phải logic. Nhưng thay vì thúc ép trẻ tạo ra những thứ đúng như đòi hỏi của bố mẹ, thì bố mẹ nên dành lời khen cho bất kỳ thứ gì mà trẻ tạo ra, bao gồm cả những bức tranh không giống thật, hoặc câu chuyện không đầu không cuối. Thậm chí, bố mẹ có thể trưng bày các “tác phẩm” của trẻ để trẻ thêm tin vào khả năng của mình.

Không ép buộc

Không phải cứ cho trẻ tham gia vào các hoạt động có tính sáng tạo như vẽ hay hát là trí tưởng tượng của trẻ sẽ phát triển. Thực tế, nếu không có hứng thú thì trẻ sẽ không thể tập trung chú ý để thực hiện một hoạt động nào đó được. Bố mẹ nên để trẻ cảm thấy rằng, hoạt động sáng tạo là một niềm vui để tận hưởng, không phải là một nhiệm vụ bắt buộc phải làm.

Ồn ào một chút cũng không sao

Trong một số trường hợp, sự ồn ào có thể khiến trẻ thấy thoải mái, thích thú và trẻ sẽ phát triển trí tưởng tượng cho trẻ. Việc bố mẹ hát cùng trẻ là một hoạt động rất hữu ích, nó khiến trẻ cảm thấy tự do, không bị gò bó, lại cũng giúp phát triển trí nhớ, tăng khả năng nhận biết từ ngữ, giai điệu. Hay khi đi thăm sở thú, bố mẹ cũng nên cùng trẻ thử bắt chước tiếng kêu của một số con vật nhé.

Khuyến khích sự tò mò giúp phát triển trí tưởng tượng cho trẻ

Khuyến khích sự tò mò chính là việc thúc đẩy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của trẻ. Trước khi bắt đầu một hoạt động, bố mẹ nên đặt ra một số câu hỏi để trẻ có hứng thú và tập trung hơn. Ví dụ: “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thả viên kẹo bạc hà vào cốc Coca nhỉ?”. Sau hoạt động đó, bố mẹ lại tiếp tục đặt những câu hỏi mở như: “Con thấy sự việc diễn ra có khác gì với điều con nghĩ trước đó không?”. Việc đặt những câu hỏi như vậy sẽ kích thích khả năng tưởng tượng của trẻ và khiến trẻ hiểu sâu sắc hơn về hoạt động vừa thực hiện.

Phát triển trí tưởng tượng cho trẻ bằng cách chơi có kịch bản

Việc chơi tự do cũng có thể giúp trẻ sáng tạo, nhưng chơi có kịch bản thậm chí còn có ích hơn, vì trẻ sẽ cần suy nghĩ kỹ và chú ý đến các chi tiết hơn. Ví dụ, bố mẹ có thể cùng trẻ đóng vai một gia đình nhà ếch đang làm bánh để bán lấy tiền mua dụng cụ vẽ. Sau vài phút, bố mẹ hãy bảo trẻ nướng nốt bánh rồi làm những phần việc tiếp theo mà trẻ nghĩ là cần thiết. Việc xây dựng kịch bản như vậy sẽ khiến trẻ tha hồ tưởng tượng theo cách mình muốn.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version