Site icon Medplus.vn

Quả La Hán – Công dụng và nhũng bài thuốc chữa bệnh

Quả La Hán

Quả La Hán

Quả La Hán là dược liệu được sử dụng khá phổ biến. Và đặc biệt là sử dụng trong Y học với nhiều công dụng và bài thuốc hay, hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về những công dụng cũng như những bài thuốc của dược liệu. Mời bạn cùng tìm hiểu với Medplus nhé!

Mô tả dược liệu

Tên khoa học: Momordica grosvenori Swingle.

Họ: Bí (Cucurbitaceae)

La hán tên dược liệu là Fructus Siraitiae Grosvenorii, quả được thu hái vào tháng 9 – 10 hằng năm, phơi hay sấy khô cất dùng dần.

Khi sử dụng làm thuốc nên chọn quả lớn tròn, cứng chắc, lắc không kêu, vỏ có màu nâu vàng mới là loại tốt.

Thông tin về Quả La Hán

Về thành phần hóa học, tính vị

Thành phần hoá học

La hán có 25 – 38% đường (10 – 18% fructose và 5 – 15% glucose); có saponin tritecpen (mogroside V có độ ngọt gấp 300 lần saccharose và mogroside VI có độ ngọt gấp 126 lần saccharose), chất nhầy (D-mannitol), protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng có ích (Mn, Fe, Zn, Se, Iốt…).

Tính vị, công năng

Theo Đông y, la hán có vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng.

Tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, nhuận tràng, thông tiện. Có công năng nhuận phế, lợi hầu, hóa đàm chỉ khát, nhuận tràng thông tiện.

Công dụng và những bài thuốc về Qua La Hán

Công dụng

Đó được sử dụng để trị ho phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết (trị đàm hỏa ho, ho gà, huyết táo)…

Cụ thể được sử dụng trong viêm long đường hô hấp trên như hầu họng, viêm amidan… thuộc thể nhiệt độc uẩn kết, trị viêm phế quản cấp hay mạn, thuộc thể nhiệt đàm úng phế hay chứng táo bón kinh niên thuộc thể tân khuy tràng táo tức thể dịch thiếu, ruột khô…

Công dụng và những bài thuốc về Qua La Hán

Những bài thuốc có La Hán Quả

1. Chữa viêm họng

Lấy la hán thái hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày.

2. Chữa chứng viêm thanh quản (mất tiếng)

La hán 1 quả, thái miếng sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.

3. Chữa ho gà

La hán 1 trái, hồng khô 25g, sắc lấy nước uống; hoặc la hán 1 quả, phổi heo bóp hết bọt 40g, hầm  nhừ, nêm gia vị ăn.

4. Chữa ho đờm vàng quánh

La hán 20g, tang bạch bì 12g, sắc lấy nước uống trong ngày.

5. Bổ phế (hỗ trợ trong trị lao)

La hán 60g, thịt lợn nạc 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị đủ, ăn cùng cơm.

6. Chữa táo bón

Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.

7. Nước quả la hán

La hán 1-2 quả nghiền đập vụn, pha hãm như pha trà hoặc nấu thành nước uống thường ngày 1 – 2 lần. Dùng tốt cho người bị viêm họng, mất tiếng, cảm nắng, táo bón.

8. Nước la hán hạnh nhân

La hán 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán nghiền đập vụn, sắc cùng hạnh nhân lấy nước. Ngày sắc 1 lần hoặc hãm uống. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản, cảm mạo ho có đờm nhiều.

9. Nước la hán mứt hồng

La hán 1 trái, mứt hồng 1 quả. La hán nghiền đập vụn cho vào nồi, thêm nước sắc ngày 1 lần. Dùng tốt cho người bị dị ứng, ho gà (ho dài ngày thành cơn).

10. Nước la hán bàng đại hải

La hán 1 quả, bàng đại hải 2 – 3 hạt. La hán nghiền đập vụn, nấu sắc kỹ, chia uống trong ngày. Trị đại tiện táo kết, đường ruột táo nhiệt.

11. Xirô bối mẫu la hán quả

Xuyên bối mẫu 10g, la hán 1 quả. La hán nghiền đập vụn, thêm ít đường hoặc mật lượng thích hợp, nấu sắc kỹ, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng tốt cho người bị lao phổi, viêm khí phế quản, viêm họng khô có sốt, ho khan ít đờm.

12. Canh la hán

La hán 50g, thịt lợn nạc 100g. La hán thái lát, cho vào nồi, đổ nước đun kỹ, cho thịt nạc vào nấu canh, thêm bột gia vị, ăn với cơm trong ngày. Món này hỗ trợ điều trị bệnh lao rất tốt.

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!

Lưu ý

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng.
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Theo Báo Sức Khoẻ & Đời Sống.
Exit mobile version