Để thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thì biện pháp tránh thai sau khi sinh được áp dụng ngày càng phổ biến. Theo pháp luật, người áp dụng các biện pháp tránh thai đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng một số chính sách nhất định.
Vậy người lao động khi tiến hành biện pháp triệt sản có được hưởng chế độ thai sản không? Chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai như thế nào? Cùng Medplus tìm hiểu qua bài viết bên dưới đây nhé.
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai
Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Lưu ý
Thời gian 12 tháng trước khi sinh con quy định như sau:
- Trường hợp 1: Khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận con nuôi không được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
- Trường hợp 2: Khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai (đối với nữ) hoặc thực hiện biện pháp triệt sản sẽ được hưởng chế độ thai sản.
2. Chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai
2.1. Thời gian hưởng chế độ thai sản
Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ nghỉ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
- 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
2.2. Mức tiền hưởng chế độ thai sản
Theo điểm a, điểm c khoản 1 điều 39 luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức hưởng chế độ thai sản:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Theo quy định trên, tiền hưởng chế độ thai sản khi thực hiện biện pháp tránh thai được tính như sau:
- Mức hưởng chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai là 100% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm 6 tháng trước khi triệt sản chia cho 30 ngày.
- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng khi tiến hành triệt sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm.
3. Thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai
3.1. Hồ sơ yêu cầu
Căn cứ tại khoản 1 điều 9 Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22 tháng 4 năm 2016 quy định về chế độ thai sản khi thực hiện biện pháp tránh thai cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:
- Giấy chỉ định của cơ sở khám chữa có thẩm quyền cho hưởng chế độ thai sản
- Giấy ra viện Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (bản chính) đối với trường hợp điều trị ngoại trú.
- Mẫu C70A-HD
3.2. Thời gian nộp hồ sơ
Thời hạn nộp hồ sơ không quá 45 ngày kể từ ngày người lao động trở lại làm việc.
3.3. Thời gian giải quyết
Thời gian giải quyết trong khoảng 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
4. Kết luận
Medplus vừa trả lời câu hỏi chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai rồi. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai (đối với nữ) hoặc thực hiện biện pháp triệt sản sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Người lao động sẽ được nghỉ thai sản từ 7-15 ngày tùy trường hợp. Bên cạnh đó, mức hưởng chế độ thai sản khi sử dụng biện pháp tránh thai là
100% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm 6 tháng trước khi triệt sản chia cho 30 ngày. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội cưa đủ 6 tháng thì mức hưởng khi tiến hành triệt sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm.