Site icon Medplus.vn

[2021] Bảo hiểm con người là gì? 9 Quy định về hợp đồng bảo hiểm con người

Bảo hiểm con người là một trong những gói dịch vụ thường được nhắc đến. Cũng như các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm con người dùng để dự phòng tài chính cho người được bảo hiểm khi chẳng may gặp tai nạn, thương tật.

Vậy bảo hiểm con người là gì? Bài viết sau đây Medplus sẽ cung cấp thông tin, những đặc điểm và quy định về sản phẩm bảo hiểm này đến bạn.

1. Bảo hiểm con người là gì?

Bảo hiểm con người áp dụng cho các đối tượng tuổi thọ, tính mạng, hưu trí

Bảo hiểm con người là loại bảo hiểm có mục đích chi trả những khoản tiền đã thỏa thuận trước cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra những sự kiện tác động đến chính bản thân người được bảo hiểm. Những rủi ro này là tai nạn, bệnh tật, ốm đau, tử vong, tuổi già và những bấp bênh khác về tuổi thọ con người.

Bảo hiểm con người là một hợp đồng bảo hiểm chỉ áp dụng cho tuổi thọ, tính mạng, hưu trí, tai nạn và sức khỏe của con người.

Khi những sự kiện này xảy ra tác động đến người được bảo hiểm, người bảo hiểm không tham gia một cách trực tiếp vào việc khắc phục hậu quả của chúng. Sự can thiệp của người bảo hiểm chính là việc thanh toán một số tiền, một khoản trợ cấp được ấn định trên hợp đồng bảo hiểm. Khoản trợ cấp này có thể được thanh toán cho người được bảo hiểm hoặc là người người khác – người thụ hưởng, tùy vào từng loại hình bảo hiểm và mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm của người tham gia.

Cũng như các hợp đồng bảo hiểm khác, khi tham gia bảo hiểm con người thì người mua phải đóng phí theo quy định và doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện chi trả, bồi thường nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

2. 3 đặc trưng cơ bản của bảo hiểm con người

đặc trưng cơ bản của bảo hiểm con người

2.1. Cách xác định số tiền bảo hiểm

Khi thỏa thuận về hợp đồng bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ dựa theo đó mà xác định số tiền bảo hiểm.

Căn cứ vào thu nhập bình quân, mức chi phí y tế bình quân mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đưa ra các mức số tiền bảo hiểm khác nhau. Bên mua bảo hiểm sẽ tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình để lựa chọn số tiền bảo hiểm phù hợp.

2.2 Áp dụng nguyên tắc khoán trong các nghiệp vụ

Khi chẳng may xảy ra sự kiện bảo hiểm và có thông báo từ bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tính toán số tiền cần phải chi trả dựa trên hai yếu tố: số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng và các quy định đi kèm.

Để xác định số tiền trả bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ lấy số tiền bảo hiểm nhân với tỷ lệ trả tiền tương ứng với thương tích của người được bảo hiểm.

Việc áp dụng nguyên tắc khoán trong bảo hiểm con người dựa theo triết lý tính mạng, sức khỏe của con người là vô giá. Vì thế nếu gặp phải tai nạn, rủi ro thì người được bảo hiểm sẽ được nhận các quyền lợi từ tất cả những hợp đồng bảo hiểm có liên quan.

Xem ngay: 6 nguyên tắc bảo hiểm quan trọng cần biết

2.3. Không áp dụng bảo hiểm trùng trong bảo hiểm con người

Một người có thể tham gia hoặc được bảo hiểm bởi nhiều hợp đồng bảo hiểm con người. Tuy nhiên các hợp đồng đó sẽ chi trả độc lập trong trường hợp người được bảo hiểm gặp biến cố, tai nạn có phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Ngoài ra bảo hiểm con người cũng không được áp dụng nguyên tắc thế quyền. Cụ thể trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong do bên thứ ba trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả như thỏa thuận trong hợp đồng. Doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền thay thế người được bảo hiểm để đòi bên thứ ba.

Xem thêm: Tổng hợp 24+ loại bảo hiểm phổ biến hiện nay

3. 9 Quy định về hợp đồng bảo hiểm con người

Quy định về hợp đồng bảo hiểm con người

Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định về hợp đồng bảo hiểm con người như sau:

3.1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người. Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

a) Bản thân bên mua bảo hiểm;

b) Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;

c) Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;

d) Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

3.2. Số tiền bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3.3. Căn cứ trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khoẻ con người

Trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong bảo hiểm sức khoẻ con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3.4. Thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ

Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo chính xác tuổi của người được bảo hiểm vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để làm cơ sở tính phí bảo hiểm.

Xem thêm: Tuổi bảo hiểm là gì? 4 thông tin cần nắm để không mất quyền lợi

a. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả số phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan.

Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực từ hai năm trở lên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm.

b. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm làm giảm số phí bảo hiểm phải đóng

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm làm giảm số phí bảo hiểm phải đóng, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm vẫn thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền:

a) Yêu cầu bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm bổ sung tương ứng với số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trong hợp đồng;

b) Giảm số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm tương ứng với số phí bảo hiểm đã đóng.

c. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm dẫn đến tăng số phí bảo hiểm phải đóng

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm dẫn đến tăng số phí bảo hiểm phải đóng, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm vẫn thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn trả cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm vượt trội đã đóng hoặc tăng số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm tương ứng với số phí bảo hiểm đã đóng.

3.5. Đóng phí bảo hiểm nhân thọ

– Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần theo thời hạn, phương thức thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

– Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

– Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

– Các bên có thể thoả thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.

3.6. Không được khởi kiện đòi đóng phí bảo hiểm

Trong bảo hiểm con người, nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.

3.7. Không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn

nếu người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do bên thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm

Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng.

Ngoài ra, người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

3.8. Giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết

– Khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng.

– Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự đồng ý bằng văn bản của bên mua bảo hiểm.

– Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của những người sau đây:

a) Người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản;

b) Người đang mắc bệnh tâm thần.

3.9. Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm

– Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;

c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

– Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

– Trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

4. Kết luận

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bảo hiểm con người là gì rồi. Bảo hiểm con người sẽ chi trả những khoản tiền cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra những sự kiện tác động đến chính bản thân người được bảo hiểm như tai nạn, bệnh tật, ốm đau, tử vong, tuổi già…

Tham gia bảo hiểm là một cách bảo vệ sức khỏe, tài chính hiệu quả cho gia đình và cá nhân người mua. Việc lựa chọn gói sản phẩm bảo hiểm nào tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình tài chính của bạn. Hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin của các gói bảo hiểm mà bạn lựa chọn để tránh gặp các vấn đề khi giải quyết quyền lợi nhé.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Exit mobile version