Rau Muống – là một loại rau rất phổ biến và quen thuộc đối với người Việt ta. Được sử dụng rất nhiều trong việc chế biến món ăn. Rau muống có tác dụng tốt cho sức khoẻ, giúp giải nhiệt, thông đại tiểu tiện, táo bón,… Cùng Medplus tìm hiểu nhiều hơn về những tác dụng mà loại rau này mang lại nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Bìm bìm nước, Tra kuôn (Campuchia)
Tên khoa học: Ipomoea aquatica Forsk.
Tên đồng nghĩa: Ipomoea reptans Poir.
Họ: Convolvulaceae (Bìm bìm)
Đặc điểm cây
Cây mọc bò, ở nước hay trên cạn. Thân rỗng, dày, có những đốt, mặt ngoài nhẵn.
- Lá hình cạnh, đầu nhọn, nhưng cũng có khi hẹp, và dài. Phiến lá dài 7-9cm, rộng 3,5-7cm, cuống lá nhẵn dài 3-6cm.
- Hoa to, màu trắng hay hồng tím, ống hoa tím nhạt, mọc từng 1-2 hoa trên một cuống dài 1-2cm.
- Quả hình cầu, đường kính 7-9mm. Hạt có lông màu hung, đường kính 4mm.
Phân bố, thu hái và chế biến
Trồng ở khắp nơi trong nước ta dùng làm rau ăn. Trong nhân dân còn dùng râu muống làm thuốc chủ yếu giải độc. Dùng tươi, vò nát uống hay nấu với nước.
Thành phần hoá học
- Trong rau có 92% nước; 3,2% Protit; 2,5% Gluxit; 1% Xenluloza; 1,3% tro.
- Hàm lượng muối khoáng rất cao trong có tới 100mg% Canxi, 37mg% P, 1,4mg% Fe.
- Các Vitamin gồm có 2,9% Carotene; 23mg% Vitamin C; 0,1mg% B1; 0,7% Vitamin PP; 0,09% mg% Vitamin B2.
- Ngoài ra còn nhiều chất nhầy
Công dụng và những bài thuốc về Rau Muống
Công dụng
Ngoài công dụng làm rau ăn tươi, nấu hoặc coi như là một thứ rau làm mất tác dụng của những thuốc đã uống và nhất là dùng để giải các chất độc: rau muống rửa sạch giã nát, vắt lấy nước uống
Một số người ít dùng rau muống, khi dùng lần đầu tiên thường thấy rau muống có tác dụng nhuận tràng nhẹ
Theo Garcia F (Phipil.Journ Sci 76, 1944,7-8) tại Philip người ta phát hiện trong ngọn một loại rau muống có một chất giống như insulin và do đó được dùng chữa những người bị bệnh đái tháo có đường.
Ngọn rau muống giã nát với lá cây vòi voi (Heliotropium indicum) đắp lên những vết loét do bệnh zona. Thân lá rau giã nát với mướp đắng và lá xoan dùng đắp lên ngực hay trán những người sốt, khó thở.
Những bài thuốc
1. Chữa nóng ruột, ợ chua
Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt khô 12g. Tất cả rửa sạch, cắt khúc sao qua cho vào ấm đổ 750ml nước sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói. Dùng liền 1 tuần.
2. Trị bí tiểu do nhiệt
- Bài 1: Rau muống một nắm, râu ngô 12g, rễ chanh 12g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 550ml nước sắc còn 200ml chia 2 lần. Dùng liền 10 ngày.
- Bài 2: Rau tươi rửa sạch, giã nát lấy nước thêm chút mật ong cho dễ uống, mỗi lần 30 – 50ml.
3. Hỗ trợ trị kiết lỵ do thấp nhiệt
Rau muống 400g bỏ lá, rửa sạch thêm một ít vỏ quýt khô để lâu (trần bì) cho 3 bát nước vào ấm, đun nhỏ lửa, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 ngày.
4. Tốt cho người đái tháo đường (giảm tiêu khát)
Rau muống 60g, râu ngô 30g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 300ml chia 3 lần. Dùng liền 10 ngày. Hoặc có thể lấy rau muống đỏ luộc ăn hàng ngày.
5. Trị rôm sảy, mẩn ngứa do nóng
Rau rửa sạch nấu nước tắm, rửa rất hiệu nghiệm. Hoặc rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy 10 củ. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml nước uống hằng ngày.
6. Trị say sắn (thể nhẹ)
Lấy một nắm rau muống rửa sạch giã nát vắt lấy nước để uống.
Lưu ý:
- Những trường hợp suy nhược cơ thể nặng, hư hàn, vết thương trên da nên kiêng dùng…
- Ngoài ra, do rau trồng ở ruộng nước dễ nhiễm ký sinh trùng nên không ăn sống.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu