Riềng ( Cao lương khương ) luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe vì nó có tác dụng chữa tiêu chảy, đau dạ dày, tiêu hóa kém, viêm họng, hắc lào, lang ben. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!


Thông Tin Dược Liệu
Tên khoa học: lpinia officinarum Hance.
Họ khoa học: Gừng (Zingiberaceae)
[elementor-template id="263870"]
Tên gọi khác:Cao lương khương, riềng thuốc, kìm sung, riềng gió, phong khương, lương khương
1. Đặc điểm dược liệu
- Riềng làm một loại cỏ nhỏ, cao chừng 0,7-1,2m, thân rễ mọc bò ngang, dài hình trụ đường kính 12-18mm, màu nâu đỏ, phủ nhiều vẩy, chia thành nhiều đốt không đều nhau, màu trắng nhạt. lá không có cuống, có bẹ, hình mác dài, nhẵn, dài 22-40cm, rộng 24mm.
- Cụm hoa hình chùy, mọc ở đầu cành có lông măng dài chừng 10cm. Hoa rất sít nhau, mặt trong màu trắng, mép hơi mỏng, kèm hai lá bắc hình mo, một có màu xanh, một có màu trắng. tràng hình ống có 3 thùy tù, hình thon, dài từ 15-20mm, rộng từ 4-5mm, thùy giữa chỉ hơi lớn hơn các thùy khác, cánh môi hình trứng, dài 20mm, rộng 15-18mm, màu trắng, có vạch đỏ sim.
- Quả hình cầu có lông. Hạt có áo hạt.
2. Bộ phận dùng
- Củ riềng (thân rễ ). Dược liệu này được dùng làm thuốc trong Đông y với tên gọi là Cao lương khương. Ý nghĩa của tên gọi này là hay hơn và tốt hơn về độ ấm.
- Ngoài ra, hạt và lá riềng cũng được sử dụng nhưng ít hơn.
3. Thu hoạch
- Củ riềng được thu hoạch quanh năm. Sau 1 năm kể từ khi trồng, cây sẽ được đào lên để thu hoạch củ. Những củ già được đào đem rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con. Dùng tươi hoặc thái lát mỏng dày chừng 4 – 6cm đem phơi khô.
4. Phân bố
- Cây riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nước ta để làm gia vị và làm thuốc, có cả ở Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Đài Loan)
- Có thể thu hái quanh năm, thường đào vào mùa thu đông hoặc sang xuân trước vụ mưa phùn để dễ phơi sấy
- Loại trồng thì đào vào 7-10. Đào về rửa sạch đất, cắt bỏ lá và rễ con, vẩy lá rồi cắt thành từng đoạn 4-6cm, phơi khô là được.
5. Bảo quản dược liệu
- Củ riềng tươi: Sau khi rửa sạch cần để cho khô vỏ hoàn toàn. Sau đó bạn có thể để nơi khô ráo, thoáng mát hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản được rất lâu.
- Củ riềng khô: Đóng vào bịch ni lông hoặc bỏ vào hũ nhựa. Bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm ướt.
Công dụng và Liều dùng
1. Thành phần hoá học
- Trong riềng có từ 0,5-1% tinh dầu, lỏng sền sệt, màu vàng xanh, có mùi long não, trong đó chủ yếu có xineola và metylxinnamat.
- Ngoài tinh dầu, trong riềng còn có các chất sau đây: một chất dầu có vị cay gọi là galangola. Ba chất có tinh thể, không có vị gì, đều là dẫn xuất của flavon. Số lượng ước chừng 0,1%. Ba chất đó là galangin C15H10O5, alpinin C17H16O6 và kaempferit C16H12O6 (1-3 dioxy-4-metoxyflavonon).
2. Tính vị
- Vị cay, tính ôn, vào hai kinh tỳ và vị.
3. Công dụng
- Có tác dụng lợi tiêu hóa, giảm đau, tán hàn.
- Chữa tiêu chảy, đau dạ dày, tiêu hóa kém, viêm họng, hắc lào, lang ben.
- Được dùng cả trong đông và tây y làm thuốc kích thích tiêu hóa, ăn ngon cơm, chữa đầy hơi, đau bụng, đau dạ dày, sốt rét, sốt nóng, đi lỏng, trúng hàn, nôn mửa.
- Có khi người ta dùng nhai để chữa đau răng: Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay rượu thuốc
4. Liều dùng dược liệu
- Củ riềng được sử dụng với liều lượng 8 – 16g mỗi ngày. Có thể dùng theo đường bôi ngoài, ngâm rượu hoặc phối hợp với các vị khác làm thuốc sắc uống.
5. Kiêng Kỵ
- Củ riềng không chứa độc. Tuy nhiên dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Dị ứng
- Nóng trong
- Tăng tiết axit dạ dày
- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày, người bị dị ứng với một trong các thành phần của riềng tránh dùng.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu


1. Ðau thượng vị, loét tá tràng, đau dạ dày mạn tính:
- Riềng, Hương phụ mỗi vị 60g, tán nhỏ thành bột, luyện viên, ngày dùng 9g, chia 3 lần.
- Nôn mửa
- Riềng, Bán hạ, Gừng, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
- Nếu nôn mửa có đau bụng, dùng 8g Riềng với 1 quả Táo sắc nước uống 2-3 lần trong ngày.
2. Sốt rét, kém tiêu hóa:
- Riềng tẩm dầu vừng sao 40g. Gừng khô nướng 40g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, dùng uống ngày 15-20 viên.
3. Lang ben:
- Riềng giã nát ngâm rượu hoặc giấm bôi.
4. Chữa hắc lào:
- Củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi 2 – 3 lần.
5. Chữa ho, viêm họng, tiêu hóa kém:
- Riềng củ thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần
6. Chữa phong thấp:
- Riềng, vỏ quít, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 – 7 ngày
7. Chữa sốt rét:
- Bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15 – 20 viên
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam