Site icon Medplus.vn

Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu là gì?

Giai đoạn đầu của chứng rối loạn lipid máu thường không gây ra nhiều nguy hiểm nghiêm trọng. Thế nhưng, bệnh có thể tiến triển âm thầm dẫn đến những rủi ro ngàn cân treo sợi tóc nếu không phát hiện sớm!

Rối loạn lipid máu là tình trạng mức độ bất thường của cholesterol và các chất béo khác, còn được gọi là lipid máu. Lipid là thành phần quan trọng đối với bộ phận, cơ quan và các hormone của cơ thể, giúp cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường khỏe mạnh. Các loại lipid bao gồm:

• LDL: Đây thường được coi là cholesterol xấu vì có thể gây ra mảng bám hình thành trong các mạch máu gây tắc hẹp.

• HDL: Loại này được coi là cholesterol tốt nhờ khả năng vận chuyển cholesterol từ máu về gan, hạn chế mảng xơ vữa mạch máu và giảm lượng LDL.

• Triglyceride: Đến từ lượng calo tiêu thụ, được lưu trữ trong các tế bào chất béo. Tình trạng tăng triglyceride có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng tim mạch.

Bạn hãy cùng MedPlus tìm hiểu sâu hơn về bệnh rối loạn lipid máu, nguyên nhân và cách điều trị nhé!

Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu xảy ra khi lượng lipid trong máu quá cao hoặc thấp, lipid máu là các chất béo bao gồm như triglyceride và cholesterol. Bệnh thường biểu hiện một hay nhiều thông số lipid bị rối loạn bao gồm qua:

  • Tăng LDL (Cholesterol xấu)
  • Giảm HDL (Cholesterol tốt)
  • Tăng triglyceride máu
  • Tăng cholesterol toàn phần (bao gồm mức LDL và triglyceride cao)

Chỉ số xác định rối loạn lipid máu

Để đánh giá bệnh rối loạn lipid máu, bác sĩ thường dựa vào các chỉ số cận lâm sàng như:

  • Cholesterol toàn phần: > 200 mg/dL
  • Cholesterol HDL: < 40 mg/dL
  • Cholesterol LDL: > 100 mg /dL
  • Triglyceride: > 150 mg/dL

Rối loạn lipid máu có thể xảy ra sau một thời gian dài mà người bệnh không hề hay biết do không có triệu chứng đặc trưng. Bệnh phần lớn được phát hiện khi nồng độ lipid máu cao kéo dài hoặc gây ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến, xơ vữa mạch máu…

Biến chứng của rối loạn lipid máu

Bệnh rối loạn lipid máu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:

• Vấn đề về tim mạch: Cholesterol và triglycerid tăng là nguyên nhân chủ yếu gây ra xơ vữa và làm tắc hẹp các động mạch, về lâu dài gây suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

• Tăng huyết áp: Các mảng xơ vữa gây thu hẹp lòng mạch, mất độ đàn hồi, tăng độ nhớt máu. Điều này khiến tim phải co bóp mạnh hơn dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim…

• Bệnh tiểu đường: Chất béo tự do trong máu làm ảnh hưởng chức năng tế bào tụy, suy giảm bài tiết insulin, từ đó gây tăng đường huyết, về lâu dài sẽ gây ra bệnh tiểu đường.

• Gan nhiễm mỡ: Tình trạng rối loạn chuyển hóa cholesterol ở tế bào gan sẽ làm tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL, tăng triglyceride, giảm HDL. Đây chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ.

• Sỏi túi mật: Nồng độ cholesterol trong túi mật tăng cao kết hợp cùng dịch mật bị ứ đọng, càng để lâu sẽ gây kết tủa tạo sỏi mật, gây ra các vấn đề như viêm túi mật, tắc đường ống dẫn mật…

Thống kê của WHO cho thấy, bệnh rối loạn lipid máu gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm. Vì thế, bạn cần biết các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ để phòng ngừa bệnh.

Phân loại nguyên nhân rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu được chia thành hai nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Rối loạn lipid máu nguyên phát thường là do di truyền. Rối loạn lipid máu thứ phát thường phát triển từ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như béo phì hoặc tiểu đường.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid nguyên phát

Rối loạn lipid máu nguyên phát do di truyền gây ra:

  • Giảm tổng hợp HDL
  • Tăng đào thải HDL
  • Tăng tổng hợp quá mức cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL
  • Giảm đào thải cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL

Bệnh rối loạn lipid máu tiên phát thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid thứ phát

Nguyên nhân gây ra rối loạn lipid thứ phát chủ yếu do các yếu tố lối sống hoặc các yếu tố bệnh lý, y tế ảnh hưởng đến nồng độ lipid máu theo thời gian. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Béo phì, suy giáp
  • Hội chứng Cushing
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Bệnh thận, bệnh tiểu đường
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Tình trạng nhiễm trùng nặng như HIV
  • Tiêu thụ quá nhiều chất béo, nghiện rượu.

Để có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh do các nguyên nhân gây rối loại lipid máu, bạn nên tìm hiểu thêm yếu tố rủi ro.

Các yếu tố rủi ro làm tăng cơ hội phát triển bệnh rối loạn lipid máu và các tình trạng liên quan đến tim mạch bao gồm:

  • Người lớn tuổi
  • Sử dụng rượu, thuốc lá
  • Có vấn đề về hệ tiêu hóa
  • Béo phì, lối sống ít vận động
  • Có chế độ ăn giàu chất béo có hại
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn lipid máu
  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh thận hoặc gan mãn tính

Bệnh rối loạn lipid máu nếu không được điều trị có thể dẫn đến bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên gây ra các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng như đau ngực, chóng mặt, tim đập nhanh, đau tim, đột quỵ…

Biện pháp điều trị rối loạn lipid máu

Để điều trị rối loạn lipid máu, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen sống hợp lý và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định.

1. Ăn uống lành mạnh

Bạn cần lựa chọn các nhóm thực phẩm nên ăn và nên tránh để có một chế độ ăn uống hợp lý.

Thực phẩm nên ăn

  • Sữa tách béo
  • Thịt nạc, thịt đã loại bỏ da
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Rau, hoa quả bổ sung chất xơ
  • Cá béo như cá hồi, cá ngừ… dầu thực vật

Thực phẩm nên tránh

  • Nội tạng, mỡ động vật
  • Sữa nguyên kem, lòng đỏ trứng, pho mát
  • Đồ ăn chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, chất béo và muối

Bên cạnh đó, chế độ ăn DASH có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe trong việc điều trị cho người bị rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.

2. Điều chỉnh thói quen tốt

Để cải thiện bệnh rối loạn mỡ máu, bạn cần lưu ý thay đổi một số thói quen sau:

  • Ngưng hút thuốc lá, rượu bia
  • Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày
  • Ngủ đúng giờ giấc từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày
  • Học cách thư giãn tinh thần bằng cách đọc sách, nghe nhạc…

3. Sử dụng thuốc điều trị

Thuốc thường được sử dụng nhất để điều trị rối loạn lipid máu là nhóm thuốc statin, giúp giảm mức LDL bằng cách can thiệp vào việc sản xuất cholesterol trong gan. Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc khác bao gồm nhóm thuốc niacin, thuốc fibrate…

Bạn hãy lưu ý sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu đúng liều lượng. Nếu quên uống thuốc, hãy nhớ sử dụng ở liều tiếp theo, tránh dùng liều gấp đôi có thể gây hại cho sức khỏe.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Dyslipidemia: What You Need to Know

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version