1. Rối loạn phổ tự kỷ là gì
Chứng rối loạn phổ tự kỷ, hay còn được gọi là chứng tự kỷ (Tên tiếng Anh: Autism Spectrum Disorder, viết tắt là ASD), là một rối loạn phát triển khiến cho con người gặp phải những vấn đề về giao tiếp, hành vi và kỹ năng xã hội. Đây là một tình trạng được kéo dài suốt đời và các triệu chứng của nó có thể khác nhau đối với từng đối tượng.
2. Các triệu chứng của Rối loạn phổ tự kỷ
Các triệu chứng của tự kỷ thường bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn 3 năm đầu đời của trẻ, liên quan đến khả năng giao tiếp, cách trẻ tương tác và phản ứng với môi trường xung quanh. Ngoài ra, chúng cũng bao gồm các hành vi lặp đi lặp lại, sở thích hạn chế và các vấn đề về việc tương tác.
Người bị rối loạn phổ tự kỷ có thể có một số biểu hiện như sau:
- Khó giao tiếp bằng mắt
- Khó theo dõi và tham gia vào các cuộc trò chuyện
- Cảm thấy bất an trước các sự thay đổi
- Biểu cảm khuôn mặt không đúng với giao tiếp bằng lời nói
- Có hứng thú sâu sắc đến một số chủ đề nhất định
- Thiếu sự vui thích trong các hoạt động
- Gặp vấn đề trong việc biểu hiện cảm xúc và nhu cầu bằng lời nói
- Nhạy cảm với các kích thích giác quan như vị giác, ánh sáng và khứu giác
- Hành vi cứng nhắc (nghĩa là các hành động tự kích thích, lặp đi lặp lại như bập bênh, đi kiễng chân hoặc vỗ tay)
- Khó nhìn mọi thứ theo quan điểm của người khác
2.1 Những biểu hiện cần theo dõi
- Không cười hoặc không có biểu hiện hạnh phúc khi trẻ được 6 tháng
- Trẻ không bập bẹ được khi đã 1 tuổi
- Trẻ không phản ứng khi được bố mẹ gọi tên
- Không nói được từ nào khi đã 16 tháng
- Không nói được câu nào gồm 2 từ trở lên khi đã 2 tuổi
- Thiếu hụt bất kỳ kỹ năng nói hoặc kỹ năng xã hội
3. Chẩn đoán
Các dấu hiệu của chứng rối loạn phổ tự kỷ thường được phát hiện bởi những người giám hộ như cha mẹ, ông bà hoặc cũng có thể là giáo viên, bác sĩ.
3.1 Kiểm tra
Chứng tự kỷ có thể được kiểm tra bằng một số cách sau đây:
- Bảng câu hỏi về chứng tự kỷ
- Giám sát sự phát triển
- Kiểm tra thính giác
- Kiểm tra IQ
3.2 Chẩn đoán chứng Rối loạn phổ tự kỷ ở người trưởng thành
Thông thường, chứng tự kỷ được chẩn đoán trong thời thơ ấu. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp được chẩn đoán trong giai đoạn thanh thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành. Lúc này, việc chẩn đoán sẽ gặp khó khăn hơn vì một số dấu hiệu của chứng tự kỷ có thể bị nhầm lẫn với một số tình trạng sức khoẻ tâm thần khác như lo lắng, OCD (Tên tiếng Anh: Obsessive-Compulsive Disorder, hay còn được gọi là chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế), ADHD (Tên tiếng Anh: Attention deficit hyperactivity disorder, hay còn được gọi là Rối loạn tăng động, giảm chú ý).
Không bao giờ là quá muộn để được chẩn đoán và điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nếu ai đó cảm thấy họ đang gặp một số biểu hiện của chứng tự kỷ, họ nên đến gặp và nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của mình.
4. Nguyên nhân
Mặc dù nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được xác định, nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến di truyền. Chẳng hạn, trẻ em có anh chị em mắc chứng tự kỷ có nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho rằng chỉ có khoảng 20% số trẻ em mắc bệnh tự kỷ từ di truyền trực tiếp.
Ngoài ra, việc sinh non và sinh con khi người mẹ lớn tuổi cũng liên quan đến sự khởi phát của chứng tự kỷ. Bên cạnh đó, việc dùng một số loại thuốc trong khi mang thai cũng có nguy cơ cao hơn trong việc mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Một điều cần lưu ý là vác-xin không gây ra chứng rối loạn phổ tự kỷ ở người như một số người vẫn lầm tưởng.
5. Các cấp độ của chứng rối loạn phổ tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ gồm 3 cấp độ khác nhau, được dùng để miêu tả mức độ ảnh hưởng của các hành vi và kỹ năng xã hội. Chúng bao gồm:
5.1 Cấp độ 1
Cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất vì nó chỉ là một dạng tự kỷ nhẹ. Những người bị tự kỷ ở dạng này có thể gặp vấn đề về quan hệ xã hội và hành vi hạn chế. Họ thường chỉ cần được hỗ trợ tối thiểu để sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của họ.
5.2 Cấp độ 2
Ở cấp độ 2 của chứng rối loạn phổ tự kỷ, cá nhân cần sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiều hơn. Họ có thể gặp vấn đề về giao tiếp và gặp các khó khăn về hành vi.
5.3 Cấp độ 3
Đây là cấp độ nghiêm trọng nhất trong 3 cấp độ. Ở cấp độ 3, khả năng sống và hoạt động độc lập của người rối loạn phổ tự kỷ bị cản trở. Họ thường không giao tiếp bằng lời nói, căng thẳng với các thay đổi từ môi trường, có các hành vi lặp đi lặp lại, bị hạn chế hoặc có thể bị nhạy cảm với các kích thích cảm giác.
6. Điều trị
Mặc dù người bị chứng tự kỷ sẽ sống suốt đời với nó, nhưng có một số phương pháp có thể giúp họ cải thiện khả năng hoạt động đối với một số phương diện của cuộc sống. Tuy nhiên, nên nhớ là không có phương pháp điều trị nào được xem là tốt nhất. Một số cách điều trị có thể liên quan đến thuốc và liệu pháp.
6.1 Thuốc men
Mặc dù không có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ, nhưng bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giảm bớt một số triệu chứng cụ thể. Ví dụ, các loại thuốc như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) , thuốc chống tâm thần, chất kích thích , thuốc chống lo âu, thuốc chống co giật có thể giúp giảm các triệu chứng như: Hiếu chiến, lo lắng, vấn đề về chú ý, trầm cảm, hiếu động thái quá, lời nói không phù hợp, cáu gắt, xa lánh xã hội.
6.2 Liệu pháp Hành vi và Phát triển
Điều trị chứng tự kỷ thường liên quan đến các can thiệp về hành vi, tâm lý hoặc rèn luyện kỹ năng.
Trong đó, cách tiếp cận thường được dùng là phân tích hành vi ứng dụng (Tên tiếng Anh: Applied behavior analysis, viết tắt là ABA). Đây là một hình thức trị liệu sử dụng các biện pháp hỗ trợ để dạy và củng cố các hành vi và kỹ năng mong muốn.
Ngoài ra, các liệu pháp khác thường được dùng để điều trị chứng tự kỷ bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức-hành vi (Tên tiếng Anh: Cognitive-behavioral therapy, viết tắt là CBT)
- Liệu pháp mối quan hệ về sự khác biệt giữa sự phát triển và cá nhân
- Can thiệp hành vi sớm chuyên sâu
- Liệu pháp đáp ứng tổng thể
- Can thiệp phát triển mối quan hệ
- Liệu pháp hành vi bằng lời nói
Những phương pháp này sẽ giúp người tự kỷ tăng cường khả năng nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, cải thiện điểm mạnh, kỹ năng xã hội, học các kỹ năng thích nghi để sống độc lập.
Các liệu pháp khác có thể được sử dụng liên quan đến công nghệ, liệu pháp ngôn ngữ, liệu pháp vận động và đào tạo kỹ năng xã hội.
7. Đương đầu thách thức
Ngoài việc tìm kiếm các phương pháp điều trị chứng tự kỷ, một số cách sau có thể hỗ trợ bạn trong việc giải quyết một số khía cạnh của tình trạng này. Chẳng hạn như:
7.1 Hãy chấp nhận
Hãy chấp nhận và yêu thương vô điều kiện thay vì cố gắng “sửa chữa” những đặc điểm và xem chúng là những điều khác biệt.
7.2 Tạo một môi trường thư giãn và thoải mái
Tránh những tác nhân gây kích thích căng thẳng như môi trường có tiếng ồn hoặc ánh sáng chói.
7.3 Tránh sự thay đổi
Người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ rất ghét sự thay đổi. Vì thế, bạn nên giữ mọi thứ nhất quán mỗi ngày bao gồm cả bữa ăn, trường học, các cuộc hẹn, liệu pháp và kể cả giờ đi ngủ.
7.4 Chú ý đến giao tiếp hình thể
Vì người bị rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong các vấn đề về giao tiếp và hành vi xã hội. Bạn có thể chú ý đến những khía cạnh khác như nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và các tín hiệu hình thể khác.
7.5 Khen thưởng tích cực
Đối với người bị tự kỷ, bạn cần khen ngợi họ khi thấy họ đang thực hiện một kỹ năng mới hoặc đang làm một điều gì đó tốt. Ngoài việc động viên bằng lời nói, bạn có thể sử dụng các phần thưởng khác như sử dụng nhãn dán (stickers) hoặc các hoạt động ưa thích để thúc đẩy các hành vi phù hợp.
Lời kết
Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng kéo dài suốt cuộc đời của một người. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm là quan trọng và được khuyến khích. Tìm ra được cách điều trị phù hợp cho bản thân và người thân của bạn sẽ giúp họ có thể hoạt động độc lập và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Xem thêm bài viết:
Nguồn: What Is Autism?