Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là hội chứng được tạo ra bởi sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa gây đau bụng và thay đổi vấn đề đại tiện.Rối loạn tiêu hóa rất phổ biến, hầu như ai cũng bị một vài lần trong đời.
Để cho các bạn hiểu rõ hơn, tiêu hóa là quá trình biến thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều được gọi là rối loạn tiêu hóa.
Ảnh hưởng của bệnh rối loạn tiêu hóa
Tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh gây ra các trở ngại đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Điển hình như:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, khó chịu.
- Đại tiện nhiều gây bất tiện, gây mất nước rất nguy hiểm.
- Hiệu quả công việc giảm sút.
- Chán ăn, phải kiêng ăn.
Đây không phải một bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Nếu tình trạng kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh có thể mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, điển hình là ung thư đường ruột.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có thể gặp ở mọi đối tượng, trong bất kỳ độ tuổi nào, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên thường xảy ra nhiều ở người lớn và kéo dài.
Có nhiều lý do gây ra tình trạng này, một số nguyên nhân phổ biến như sau
Uống nhiều rượu bia
Việc uống rượu bia lâu ngày sẽ làm cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa, đồng thời dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Uống rượu bia nhiều sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Sau mỗi cuộc nhậu bia rượu, người bệnh thường đau bụng, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng vào sáng hôm sau.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột. Ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn chứa dầu mỡ, thức ăn dễ lên men, thực phẩm chua cay. Uống nhiều rượu bia, nước ngọt có gas. Thói quen vừa ăn vừa làm việc, ăn quá nhanh, quá no, ăn uống thất thường không có giờ giấc.
Stress
Stress ảnh hưởng tới nhu động ruột, ruột co bóp ít khiến thức ăn bị lưu giữ trong đường ruột lâu và hấp thu hết nước khiến phân quá khô sẽ gây ra táo bón. Ngược lại khi ruột co bóp quá nhiều khiến phân bị đẩy ra ngoài quá sớm khi chưa được hấp thụ bớt nước và muối khoáng sẽ gây ra tiêu chảy.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón là những biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp có liên quan đến việc sử dụng thuốc.
Ảnh hưởng của các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa
Khi mắc các bệnh đường tiêu hóa dạ dày hoạt động kém. Gây ra nhiều triệu chứng như nôn, đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài, táo bón…
Triệu chứng của bệnh rối loạn tiêu hóa
Những triệu chứng thường gặp ở chứng rối loạn tiêu hóa bao gồm:
- Đau bụng: cơn đau có thể diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội. Vị trí đau thường ở vùng bụng dưới bên trái, tuy nhiên cũng có khả năng ở nhiều chỗ khác nhau. Một số trường hợp cơn đau có thể lan ra phía sau lưng.
- Rối loạn đại tiện: Diễn ra chậm nhưng tiến triển nặng hơn từng ngày. Đại tiện lúc bị táo bón, lúc lại bị đi ngoài, đau bụng quặn thành từng cơn, rất khó chịu. Sau khi đi đại tiện xong vẫn cảm thấy ấm ách bụng và không thoải mái.
- Đầy hơi, khó tiêu: Đầy hơi là triệu chứng tiêu biểu của tình trạng rối loạn tiêu hóa. Người bệnh thường có cảm giác bụng căng ra như vừa ăn no, ậm ạch, khó chịu. Ngoài ra, còn xuất hiện dấu hiệu ợ hơi.
- Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Chán ăn: Khi bị các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân thường có cảm giác đắng miệng, không muốn ăn uống gì.
Thông thường, các triệu chứng bệnh chỉ xảy ra ít và ở mức độ nhẹ. Khi các triệu chứng kéo dài và nặng hơn như đi ngoài có máu, phân lỏng rắn xen kẽ, sút cân nhanh. Hãy liên hệ với bác sĩ sớm để được khám và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán bệnh rối loạn tiêu hóa
Bác sĩ tiến hành hỏi tiền sử bệnh, có đang sử dụng loại thuốc chữa bệnh nào, thói quen ăn uống, tâm lý áp lực, có những triệu chứng biểu hiện gì. Sau đó có chẩn đoán sơ bộ, nếu cần thiết sẽ thực hiện:
- Nội soi dạ dày: Xác định nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh.
- Siêu âm vùng bụng hoặc chụp CT scan vùng bụng: Cho hình ảnh rõ nét để biết được cơ quan, bộ phận nào có vấn đề, mức độ như thế nào.
- Xét nghiệm không xâm lấn như xét nghiệm phân hoặc test thở: Mục đích để xác định xem có sự tồn tại của vi khuẩn HP hay không.
- Xét nghiệm khác nhằm phát hiện máu, ký sinh trùng có trong phân hay không.
Cách điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa
Do nhiều nguyên nhân nên việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Có 3 phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa các bác sĩ thường áp dụng cho bệnh nhân:
- Chế độ dinh dưỡng: Cần đảm bảo thực đơn ăn uống hàng ngày đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Uống nhiều nước, tăng cường ăn trái cây, rau củ. Bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Sử dụng thuốc tây: Người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Bệnh nhân có thể uống thêm Oresol để bù nước và chất điện giải nếu bị tiêu chảy. Đồng thời bổ sung men tiêu hóa để cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Thuốc tây có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên lâu dài sẽ có tác dụng phụ, ảnh hưởng đến gan, thận.
- Điều trị tại bệnh viện: Trường hợp rối loạn tiêu hóa nặng cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch nếu bị mất nước do nôn, tiêu chảy. Các trường hợp sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước,… cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Một số phương pháp để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa:
- Thay đổi thói quen ăn uống hợp lý.
- An toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, tránh dùng có thức uống có cồn.
- Không lạm dụng các chất kích thích.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn ngủ đúng cử đúng giờ.
- Tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn.
- Bổ sung men vi sinh, bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất. Nâng cao sức đề kháng chống các tác nhân sinh vật gây nên chứng rối loạn tiêu hóa.
- Tập đi vệ sinh khoa học, mỗi ngày đều nên đi vệ sinh 1 lần vào cùng một thời điểm.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Rối loạn tiêu hóa tuy thường gặp nhưng không nên chủ quan. Nếu tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Nếu có dấu hiệu bất thường của quá trình tiêu hóa, hãy liên hệ với bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất.
Không nên tự ý mua thuốc uống mà nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ nhân viên y tế.
Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng lời khuyên từ bác sĩ. Đừng ngần ngại hay chủ quan,hãy đến bác sĩ khi các triệu chứng chuyển biến nặng hơn nhé.
Các bài viết liên quan:
- Rối loạn tiêu hóa là gì? Có nguy hiểm không? Dấu hiệu và cách chữa hiệu quả
- TOP 6+ thuốc tiêu hóa được ưu ái sử dụng nhất năm 2020
Nguồn tham khảo: Tổng hợp