Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là một bệnh do virus Dengue truyền sang người khi bị muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn chích. Sốt xuất huyết phổ biến ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh sốt xuất huyết cao nhất thế giới.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 100 triệu người bị bệnh sốt xuất huyết và khoảng 22.000 người chết vì sốt xuất huyết nặng.
Sốt xuất huyết tên đầy đủ là sốt xuất huyết Dengue (hay sốt Dengue). Tác nhân chính là do virus (siêu vi) tên Dengue gây nên. Ở Việt Nam chủ yếu do muỗi vằn (Tên khoa học là Aedes aegypti) truyền bệnh (hút máu người nhiễm sang người lành).
Vì đây là sốt do siêu vi Dengue gây ra nên:
- Triệu chứng sẽ gần giống với sốt siêu vi thông thường (sốt, mỏi cơ, nhức mắt, mệt mỏi, ban,…)
- Thuốc kháng sinh không có tác dụng vì đây không phải vi khuẩn.
- Bệnh sẽ khỏi trong vòng 14 ngày, các thuốc dùng với mục đích chủ yếu là hỗ trợ.
Bản thân virus Dengue có 4 loại khác nhau, từng bị loại này vẫn có thể sốt xuất huyết do loại khác gây ra. Vậy nên theo lý thuyết, một người có thể bị sốt xuất huyết hơn 1 lần.
Triệu chứng và dấu hiệu của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể khó phân biệt với sốt do bệnh khác, nhưng không phải không có cách để nhận biết và lưu ý. Sau khi bị muỗi truyền bệnh, phải mất khoảng 4-6 ngày (có thể đến 2 tuần) để bắt đầu có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ xương,… Nhưng giai đoạn nguy hiểm khả năng xảy ra cao bắt đầu từ ngày thứ 3 kể từ ngày đầu bị sốt.
Nó nguy hiểm hơn nữa khi ở một số trường hợp, bệnh nhân GIẢM SỐT. Tưởng đã khỏe, nhưng bỗng chốc rơi vào trạng thái sốc. Vậy thì, hãy vào viện ngay khi có dấu hiệu cảnh báo sau từ ngày thứ ba tính từ lúc có triệu chứng:
- Chảy máu bất thường bất kỳ đâu (máu mũi, máu miệng, máu trong dịch nôn,…)
- Tiêu phân đen
- Khó thở hay thở gấp
- Đau bụng dữ dội
- Nôn mửa liên tục
- Da nhợt nhạt và lạnh
- Lơ mơ hay vật vã, quấy khóc
Nếu không có dấu hiệu trên, có thể theo dõi và chăm sóc bệnh nhân ở nhà đến khi khỏe. Có nhiều trường hợp muốn ở lại bệnh viện dù không có dấu hiệu nguy hiểm. Điều này không nên vì có thể truyền bệnh sang người khác, nguy cơ nhiễm bệnh khác từ bệnh viện. Kể cả các virus Dengue khác. Đó là chưa kể về chi phí chăm sóc, sự quá tải và ảnh hưởng tâm lý.
Tại sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm?
Chính tên bệnh đã nói lên sự nguy hiểm: Xuất huyết (chảy máu). Không phải ai bị sốt xuất huyết đều bị xuất huyết rõ ràng. Nhưng một khi đã bị, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái sốc do mất máu, thậm chí là tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
Những đối tượng sau có nguy cơ bị nghiêm trọng:
- Trẻ em (thường trước 11 tuổi, trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ cao)
- Người cao tuổi, phụ nữ có thai
- Người có nguy cơ bị xuất huyết do cơ địa, bệnh lý hay dùng thuốc.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh như thế nào?
Chẩn đoán dengue thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, biểu hiện lâm sàng cũng như các xét nghiệm đơn giản: số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu và hematocrit.
Một số xét nghiệm khác nhằm đánh giá mức độ bệnh: điện giải đồ, khí máu, chức năng đông máu, men gan. X quang phổi nhằm phát hiện biến chứng tràn dịch màng phổi
Chẩn đoán nguyên nhân: có thể thể hiện mầm bệnh trong máu và huyết thanh bằng phương pháp phân lập virus. Xác định kháng nguyên virus bằng các phương pháp miễn dịch hoặc phát hiện bộ gen của virus bằng kỹ thuật khuếch đại chuỗi DNA (PCR).
Cách điều trị sốt xuất huyết
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ điều trị để tránh những biến chứng nặng xảy ra cho bạn. Hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước. Bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt cho bạn như paracetamol (Tylenol®, Panadol®) đồng thời thuốc này có thể giảm đau cơ khớp.
Bạn nên tránh các thuốc giảm đau có khả năng làm tăng biến chứng chảy máu chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.
Đối với những trường hợp nặng hơn, bệnh có thể gây sốc hoặc chảy máu, lúc này bạn cần phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Nguyên tắc chung khi sốt là cho bệnh nhân bổ sung nhiều nước. Tốt nhất là nước điện giải (chế phẩm oresol, hydrite). Nhưng vẫn có thể bổ sung nước lọc, nước trái cây (nước cam, nước dừa,…). Biện pháp này cũng góp phần làm giảm mức độ nguy hiểm của bệnh nếu biến chứng có xảy ra.
Theo dõi dấu hiệu mất nước do không bổ sung đủ dịch khi sốt hoặc nôn như: giảm/ không tiểu tiện, môi khô, mắt trũng, tay chân lạnh. Theo dõi nếu thấy dấu hiệu cảnh báo, hay thấy có đốm xuất huyết li ti nổi trên da nên vào bệnh viện ngay.
Thuốc hạ sốt paracetamol ưu tiên hơn. Do thuốc hạ sốt khác như aspirin, ibuprofen có thể làm bệnh nặng thêm. Tuy nhiên, paracetamol phải dùng đúng liều lượng và có tham vấn nhân viên y tế, chứ không dùng bừa bãi. Các biện pháp hạ sốt khác như miếng dán, chườm mát chỉ mang tính “an tâm” chứ hiệu quả vẫn chưa rõ rệt.
Ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi trong thời gian bệnh.
Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Hiện vẫn chưa có vacxin phòng bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam. Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là ngủ màn (mùng). Tuy nhiên, vì muỗi vằn cũng hoạt động cả ban ngày nên cần áp dụng các biện pháp khác. Kem bôi chống muỗi cũng là lựa chọn, đặc biệt với đối tượng nguy cơ bị sốt xuất huyết nghiêm trọng.
Muỗi cũng bị thu hút bởi mùi, mồ hôi hay quần áo sẫm màu. Nên giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ cũng góp phần làm giảm nguy cơ. Giữ cho nhà cửa, khu vực sinh hoạt luôn thông thoáng, khô ráo.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Sốt xuất huyết khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và khó chịu. Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, bất cứ chúng ta ai cũng có thể mắc bệnh. Mỗi lần dịch bùng phát, rất nhiều người tử vong và hao tốn rất nhiều chi phí y tế. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng có ý thức phòng ngừa bệnh. Bạn nên nhớ rằng không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Mọi người hãy tự giác làm vệ sinh nơi mình sinh sống, dọn dẹp ao nước đọng hoặc những nơi lăng quăng có thể phát triển, luôn luôn ngủ trong màn kể cả ban ngày tại nơi có dịch.
Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về bệnh sốt xuất huyết. Hy vọng giúp bạn có thể bổ sung kiến thức nhằm phát hiện được bệnh sớm hoặc phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đang có các dấu hiệu trên hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời bạn nhé.
Bài viết đã được sự tham vấn chuyên môn từ dược sĩ Nguyễn Quốc Hòa – Giảng viên bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược, đại học Y Dược TP.HCM (2014 – 2017). Nghiên cứu sinh tại đại học Queen’s Belfast, Vương Quốc Anh (2017 – nay).
Các bài viết liên quan:
- Sốt xuất huyết và sốt phát ban phân biệt thế nào?
- Bỏ túi Top 5 địa chỉ khám huyết học uy tín nhất ở TPHCM
Nguồn tham khảo: Tổng hợp