Site icon Medplus.vn

Sự phát triển nhận thức của bé 6 tháng tuổi

Sự phát triển nhận thức của bé 6 tháng tuổi

Sự phát triển nhận thức của bé 6 tháng tuổi

Bước sang tháng thứ 6, bé yêu trở nên độc lập và muốn tự khám phá nhiều hơn. Cùng với đó, khả năng nhận thức của bé 6 tháng tuổi cũng phát triển mạnh mẽ và có thể khiến bố mẹ phải bất ngờ.

Những mốc phát triển nhận thức của bé 6 tháng tuổi

Bé 6 tháng tuổi biết làm gì? Liệu bé đã có thể nhận thức về những điều mà bố mẹ và những người xung quanh nói hay chưa? Câu trả lời là “Có”, bé 6 tháng tuổi đã biết nhận thức về rất nhiều điều rồi!

Lúc này, bé tự tin và độc lập hơn nhiều vì bé có thể tự ngồi và chuyền đồ chơi từ tay này sang tay kia rất thành thạo. Nhiều bé thích những hoạt động đơn giản, lặp đi lặp lại nên nếu bé cứ nghịch một món đồ chơi thật lâu thì cũng là bình thường. Bé cũng rất giỏi với tay lấy đồ vật và cầm được rất chắc, nên nếu bố mẹ lấy đồ chơi của bé và đưa cho người khác là bé có thể sẽ cáu!

Bé cũng bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện điều mình muốn, nên bé sẽ vui tươi hơn, ít khóc hơn. Lúc bố mẹ bế bé mà bé loay hoay và trườn xuống hoặc với tay xuống sàn là bé muốn được bố mẹ thả xuống đấy!

Vì bé biết cách điều khiển miệng để tạo ra những âm thanh khác nhau, nên bố mẹ sẽ được nghe bé nói “ba ba”, “ma ma”… Thỉnh thoảng, bé còn biết bắt chước những âm thanh mà bố mẹ nói nữa. Mỗi khi được nhắc đến tên, bé thường sẽ quay lại và bé rất có hứng thú với những cuộc trò chuyện diễn ra xung quanh mình.

Sự phát triển nhận thức của bé 6 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, bé bắt đầu biết sợ người lạ. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy bé ngày càng gắn bó hơn với bố mẹ và coi bố mẹ là “chỗ dựa an toàn” của mình.

Đến cuối tháng thứ 6, khả năng nhận thức mọi việc xung quanh của bé càng tốt hơn và bé cũng “nói” nhiều hơn. Ngoài ra, bé cũng dễ nhận ra tên mình hơn và sẽ tạo ra nhiều âm thanh để thể hiện một vài cảm xúc (vui hoặc không vui) của mình.

Những điều bố mẹ nên làm để hỗ trợ khả năng nhận thức của bé 6 tháng tuổi

Khi bé với tay chạm vào ngón chân mình, hay chạm vào tóc, vào mũi bố mẹ…, bố mẹ hãy nói tên những bộ phận cơ thể đó để bé bắt đầu hiểu rằng mọi thứ đều có tên. Vì bé hiếu động nên bố mẹ hãy cố gắng kiên nhẫn nhé, dù bé có thể giật kính hoặc kéo tóc của bố mẹ – đó là cách bé khám phá thế giới mà.

Khi cho bé tiếp xúc với người khác, bố mẹ cần tỏ ra bình tĩnh, thoải mái, nói chuyện bằng giọng nhẹ nhàng, thân thiện để bé biết mình đang an toàn. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên nói trước với người thân về giai đoạn phát triển mới của bé để mọi người làm quen dần dần, không khiến bé sợ.

Một số lưu ý dành cho bố mẹ

Một số bé sẽ có phản ứng mạnh khi gặp người lạ – đây là chuyện bình thường. Thay vì lo lắng, bố mẹ nên cho bé làm quen bằng cách cứ cười nói vui vẻ với người đó. Cứ để bé tiếp cận từ từ chứ không cần vội vã. Tuy nhiên, nếu bé không tỏ ra hứng thú với việc khám phá thế giới xung quanh, hoặc khả năng phối hợp hai tay của bé không cải thiện, thì bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

Mong rằng với bài viết này, bố mẹ đã có thêm thông tin về khả năng nhận thức của bé 6 tháng tuổi và biết cách hỗ trợ bé một cách thật hiệu quả.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version