Site icon Medplus.vn

Tác hại của điện thoại đối với chú ý trẻ nhỏ

Tác hại của điện thoại đối với chú ý trẻ nhỏ

Tác hại của điện thoại đối với chú ý trẻ nhỏ

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều bố mẹ quen cầm và xem điện thoại suốt ngày. Tuy nhiên, bố mẹ nên hiểu rõ những tác hại của điện thoại với trẻ nhỏ để cân nhắc về thói quen này nhé!

Vai trò của khoảng chú ý đối với trẻ nhỏ

Độ dài của khoảng chú ý là yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ. Khoảng chú ý dài sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh bản thân tốt và có thể tập trung hoàn thành việc cần làm. Còn nếu trẻ nhỏ mà đã có những vấn đề về khoảng chú ý thì sau này có thể bị các chứng rối loạn giảm chú ý.

Khả năng tập trung cũng rất quan trọng trong việc học tập sau này của trẻ. Việc duy trì được mức độ chú ý có liên quan đến khả năng xử lý thông tin một cách sâu sắc hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, khả năng giữ tập trung chú ý ở trẻ nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về nhận thức, chẳng hạn, trẻ sẽ có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Tác hại của điện thoại đối với chú ý trẻ nhỏ

Hành vi của bố mẹ có thể ảnh hưởng gì đến khoảng chú ý của trẻ?

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Current Biology đã chỉ ra rằng, sự tập trung chú ý của bố mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng chú ý của trẻ sơ sinh. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ theo dõi ánh mắt để ghi lại thông tin từ 36 bậc cha mẹ và các em nhỏ 1 tuổi.

Các nhà nghiên cứu so sánh khoảng chú ý của trẻ đối với một món đồ khi bố mẹ cũng nhìn vào món đồ đó, và khi bố mẹ không nhìn. Họ nhận thấy rằng, khoảng chú ý của trẻ sẽ dài hơn nếu bố mẹ cũng nhìn cùng trẻ. Quan trọng hơn nữa, bố mẹ chú ý đến món đồ đó càng lâu, thì thời gian mà trẻ tiếp tục nhìn món đồ (sau khi bố mẹ đã quay đi) cũng càng dài. Điều này có nghĩa là bố mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng chú ý – vốn đang phát triển – của trẻ.

Trước đây, mọi người thường cho rằng khả năng tập trung và nhận thức là do bẩm sinh. Tuy nhiên, với nghiên cứu này, chúng ta thấy rằng khoảng chú ý của trẻ – và đi kèm với đó là khả năng nhận thức – hoàn toàn có thể được cải thiện nhờ vào hành vi của bố mẹ. Ngược lại, nếu bố mẹ luôn mải mê nhìn điện thoại thay vì cùng nhìn vào những gì trẻ đang chú ý, thì trẻ không tập trung cũng là điều dễ hiểu.

Bố mẹ nên làm gì để hạn chế tác hại của điện thoại đối với trẻ?

Khi đang ở bên cạnh trẻ hoặc trong khoảng thời gian đã dành riêng để chơi với trẻ, thì bố mẹ hãy cố gắng chỉ chú ý đến trẻ thôi. Bố mẹ nên để điện thoại ở phòng khác, tắt tiếng, tắt chế độ rung để bản thân mình cũng không bị xao nhãng bởi các tín hiệu thông báo. Nếu bố mẹ cảm thấy mình cũng khó tập trung, thì hãy rủ trẻ cùng tham gia một hoạt động gì đó mà cả hai bên cùng có hứng thú, như đọc sách, chơi ghép hình…

Cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực khiến bố mẹ rất khó rời chiếc điện thoại. Tuy nhiên, để hạn chế được tác hại của điện thoại đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên làm gương ngay từ bây giờ. Mong rằng với bài viết này, bố mẹ có thể điều chỉnh một vài thói quen nhất định, để con mình không phải chịu những tác hại của của điện thoại đối với trẻ em nhé!

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version