Site icon Medplus.vn

Tại sao bạn bị chảy nước mũi màu vàng? [Góc giải đáp]

Tại sao bạn bị chảy nước mũi màu vàng? [Góc giải đáp]

Chảy nước mũi màu vàng dù loãng hay đặc thì cũng có thể là dấu hiệu về bất thường hô hấp. Vậy liệu tình trạng nước mũi bị đổi màu này có nguy hiểm không?

Trước khi đi sâu hơn về vấn đề trên, chúng ta cần biết bản chất của nước mũi là một loại dịch nhầy do cơ thể tạo ra. Khi bị viêm mũi dị ứng hoặc cảm lạnh, chất nhầy này sẽ thoát ra ngoài thông qua mũi, được gọi là hiện tượng chảy nước mũi.

Vai trò của dịch nhầy là gì?

Cơ thể có khả năng tạo ra khoảng 1,5 lít chất nhầy mỗi ngày. Với một lượng lớn như vậy thì chất nhầy sẽ tồn tại ở đâu và có vai trò gì? Thực tế, chỉ có một lượng nhỏ dịch nhầy hiện diện ở khoang mũi và xoang, còn lại phần lớn sẽ được nuốt vào và bị hòa tan tại dạ dày. Khi đó cơ thể tiếp tục tạo ra một lượng nhầy mới để duy trì hoạt động của chúng.

Dịch nhầy có vai trò rất lớn đối với sức khỏe của hệ hô hấp cũng như hệ miễn dịch. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ, ngăn chặn không cho các tác nhân có hại xâm nhập vào phổi và gây bệnh cho cơ thể.

Dịch nhầy được tạo thành từ nước, protein, kháng thể, muối và có đặc tính hơi dính. Vì vậy chúng có khả năng bẫy những “kẻ xâm lược” từ bên ngoài môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn, virus, các chất gây dị ứng,… Kế đến, nhờ sự tiếp sức của các lông tơ nhỏ (còn gọi là lông mao) bên trong mũi, những kẻ xâm lược sẽ bị đẩy đến trước mũi để bạn tống chúng ra ngoài thông qua phản ứng chảy nước mũi hoặc hắt xì. Đôi khi, lượng chất nhầy bẩn này cũng có thể bị trôi xuống cổ họng, lúc này cơ thể sẽ có phản xạ ho để đẩy chúng ra ngoài.

Không chỉ vậy, dịch nhầy còn giúp giữ ấm xoang mũi và làm ẩm không khí mà cơ thể hít vào. Điều này rất quan trọng vì nếu không khí quá lạnh hoặc quá khô có thể gây hại đến đường hô hấp. Đó là lý do vì sao vào mùa đông, khi hít thở bên ngoài trời, bạn sẽ có cảm giác như bị bỏng bên trong mũi.

Tại sao bạn bị chảy nước mũi màu vàng?

Thông thường tình trạng chảy nước mũi màu vàng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có phản ứng chống lại sự nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, hay gặp nhất là trong lúc bạn bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm mũi. Các mầm bệnh khi xâm nhập vào mũi sẽ bị dịch nhầy giữ lại, khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ đưa các tế bào bạch cầu đến khu vực đó để tiêu diệt chúng.

Lý do gây ra sự thay đổi màu của dịch nhầy là vì bên trong tế bào bạch cầu chứa đầy enzyme có màu. Sau khi xảy ra phản ứng, bạch cầu sẽ hòa lẫn cùng với các mảnh vụn của mầm bệnh và bị loại bỏ theo nước mũi ra bên ngoài, khiến cho nước mũi có màu vàng.

Hầu hết trường hợp, cơ thể sẽ mất khoảng 10 – 14 ngày để chống lại các vấn đề nhiễm khuẩn. Trong thời gian đó, bạn hãy chú ý quan sát đến màu sắc cũng như đặc tính của dịch nhầy ở mũi. Nếu nước mũi chảy ra có màu vàng trong và loãng, lúc này bạn không cần quá lo lắng, vì đây chỉ là một phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây hại.

Tuy nhiên, nếu nước mũi chuyển sang màu vàng đậm (hoặc trông giống màu xanh) và đặc quánh hơn thì đó là biểu hiện cho thấy sự nghiêm trọng. Bởi vì khi tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, hệ miễn dịch sẽ đưa đến một lượng lớn tế bào bạch cầu để thực hiện nhiệm vụ, làm cho dịch mũi trở nên đặc và có màu sắc đậm hơn.

Ngoài ra cũng cần lưu ý, khi bị chảy nước mũi màu vàng, bạn nên xì mũi thường xuyên để loại bỏ các mảnh vụn bị mắc kẹt và giữ cho đường hô hấp được thông thoáng. Vì nếu các chất gây hại không được tống ra bên ngoài, chúng có thể tích tụ dẫn đến dịch nhầy bị cô đặc lại, gây nên tình trạng khó thở và góp phần làm bệnh nặng hơn.

Có nên đến gặp bác sĩ khi bị chảy nước mũi màu vàng?

Một số bệnh phổ biến có liên quan đến tình trạng chảy nước mũi màu vàng thường sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Ví dụ, bệnh cảm lạnh thông thường sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày, bệnh cúm do virus thường bắt đầu khỏi sau 5 đến 7 ngày, trong khi đó bệnh do vi khuẩn có thể tồn tại từ 7 đến 10 ngày hoặc lâu hơn.

Bạn có thể đi khám nếu cảm thấy lo lắng về sự bất thường của cơ thể, tuy nhiên bạn cũng nên hiểu rằng, màu sắc của nước mũi không phải là cơ sở tốt nhất để quyết định cho việc có nên đến gặp bác sĩ hay không. Thay vào đó, bạn cần chú ý là thời gian mắc bệnh và sự tiến triển của các triệu chứng khác. Cụ thể, bạn nên đến gặp bác sĩ trong trường hợp chảy nước mũi màu vàng có kèm thêm bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Sốt kéo dài ba hoặc bốn ngày liên tiếp
  • Nhức đầu dữ dội, có thể tập trung xung quanh hoặc sau mắt và đau nhiều hơn khi cúi xuống
  • Đau sau gáy
  • Sưng tấy hoặc đỏ quanh mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Tâm trạng trở nên cáu kỉnh
  • Nôn mửa liên tục

Những triệu chứng này thường là dấu hiệu cảnh báo sự nhiễm trùng có thể đã lan rộng đến não và tai. Chính vì vậy, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Làm sao để tự điều trị chảy nước mũi tại nhà?

Đa số, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng chảy nước mũi của bạn. Đối với một vài trường hợp nhẹ, bạn có thể tự thực hiện các biện pháp đơn giản tại nhà để khắc phục và làm giảm triệu chứng. Ngược lại, khi tình trạng tương đối nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác phù hợp hơn. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng để tự điều trị chảy nước mũi tại nhà:

  • Đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ
  • Uống nhiều nước
  • Xịt rửa mũi hằng ngày bằng nước muối để làm loãng dịch nhầy
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm không khí
  • Xông hơi mũi bằng nước nóng
  • Dùng một số loại thuốc không kê đơn để khắc phục triệu chứng như: thuốc chống dị ứng (anti histamine), thuốc xịt thông mũi, thuốc cảm (paracetamol),… lưu ý không nên sử dụng thuốc xịt thông mũi quá 3 ngày liên tục, trừ khi có chỉ định của bác sĩ
  • Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá và các hóa chất độc hại có thể giúp đường mũi không bị kích ứng và viêm.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giảm nguy cơ bị chảy nước mũi thông qua việc rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm vi sinh vật gây bệnh, luôn sử dụng khăn giấy khi xì mũi và vứt khăn giấy đã dùng đi ngay lập tức, rửa tay sau khi xì mũi, tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm hằng năm, tránh xa các tác nhân gây dị ứng,…

Chảy nước mũi màu vàng không phải là một tình trạng quá nguy hiểm, tuy nhiên không nên vì thế mà chủ quan. Điều cần thiết là bạn phải giữ sức khỏe thật tốt, tăng cường tập luyện và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Here’s What It Means if You Have Yellow Mucus

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version