Site icon Medplus.vn

Tại sao đeo khẩu trang bị nổi mụn?

Tại sao đeo khẩu trang bị nổi mụn?

Đeo khẩu trang là thói quen của hầu hết mọi người để phòng ngừa dịch bệnh và phòng ngừa những tác nhân ô nhiễm. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, tình trạng đeo khẩu trang bị mụn, hoặc khiến làn da mẩn đỏ, sưng tấy cũng không hiếm.

Đôi khi việc đeo khẩu trang có thể gây ra các vấn đề về kích ứng, viêm da hoặc viêm nang lông bùng phát mạnh mẽ trên da mặt. Hãy cùng MedPlus tìm hiểu cách xử lý các vấn đề về da do đeo khẩu trang ngay trong bài viết sau nhé!

Ảnh hưởng của việc đeo khẩu trang đối với da mặt

Đeo khẩu trang bị mụn (tiếng Anh còn gọi là “Maskne”) là thuật ngữ chỉ các vấn đề về da xuất hiện hoặc bùng phát nặng do đeo khẩu trang. Một số tình trạng da phổ biến khi đeo khẩu trang trong thời gian dài có thể kể đến như:

  • Mụn trứng cá. Nguyên nhân là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, tế bào chết và bụi bẩn sẽ hình thành mụn nhọt, mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen.
  • Bệnh trứng cá đỏ (rosacea). Nếu bạn đang bị mụn trứng cá đỏ, đeo khẩu trang có thể khiên mụn bùng phát nặng hơn, khiến làn da ửng đỏ.
  • Viêm da tiếp xúc. Nếu làn da bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm với chất liệu của khẩu trang, bạn có thể bị phát ban đỏ, kèm theo kích ứng da và mụn nước. Đây là loại dị ứng với khẩu trang phổ biến nhất và thường ảnh hưởng đến khu vực 2 bên má và sống mũi. Ngoài ra, những người đeo khẩu trang liên tục trong vòng 6 tiếng sẽ khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, với các triệu chứng như: khô da, tróc vảy hoặc thậm chí loét da.
  • Chàm dị ứng. Các triệu chứng bệnh chàm da có thể trầm trọng hơn đối với những người có làn da nhạy cảm khi đeo khẩu trang.
  • Viêm da quanh mặt (Periofacial dermatitis). Xuất hiện các nốt mụn li ti mọc xung quanh vùng mặt và miệng, thường xảy ra sau khi đeo khẩu trang, dùng mỹ phẩm, kem chứa corticosteroid hoặc đôi khi không có nguyên nhân nào cụ thể.
  • Viêm nang lông. Viêm nang lông hoặc nhiễm trùng các nang lông gây ra các vết sưng trên mặt như mụn trứng cá
  • Mề đay. Do đeo khẩu trang hoặc tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chẳng hạn như cao su có thể khiến 1 số người mẫn cảm. Tuy nhiên, mề đay do đeo khẩu trang hoặc dị ứng thường xuất hiện ngay lập tức và biến mất trong vòng 24 giờ sau khi đã loại bỏ tác nhân gây bệnh.

Tại sao đeo khẩu trang bị nổi mụn?

Nhiều người thắc mắc đeo khẩu trang có bị mụn không? Câu trả lời là có. Tuy vậy nguyên nhân đeo khẩu trang bị mụn có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau.

  • Tồn đọng các chất cặn bã trên da. Trong hầu hết các trường hợp, đeo khẩu trang bị mụn là do tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến da bí bách do trên da còn tồn đọng dầu thừa, vi khuẩn và tế bào chết. Khi bạn đeo khẩu trang, những chất này có thể tích tụ nhiều hơn và gây bít lỗ chân lông.
  • Bịt kín da, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn sinh sôi. Khi bạn hít thở hoặc trò chuyện trong lúc đeo khẩu trang, các luồng không khí nóng có xu hướng bị kẹt lại, ngăn không cho độ ẩm khi bạn hít thở được thoát ra. Từ đó khiến mồ hôi tích tụ trong khoảng thời gian dài, tạo môi trường lý tưởng cho nấm men, vi khuẩn và các hệ sinh vật khác như demodex (loại bọ ve sống tự nhiên trên da của chúng ta) ngày càng phát triển. Điều này thường làm tăng nguy cơ nổi mụn.
  • Ma sát hoặc dị ứng da với chất liệu vải khẩu trang. Chất liệu của khẩu trang bạn đeo sẽ cọ xát vào da bạn, dẫn đến tình trạng da nứt nẻ và kích ứng. Bên cạnh đó, làn da bạn có thể không phù hợp với loại khẩu trang mà bạn đang dùng. Một số loại khẩu trang thường được xử lý thông qua hóa chất, sẽ làm cho làn da thêm thô ráp. Tương tự, giặt khẩu trang bằng vải sử dụng các hóa chất tẩy rửa có mùi hương sẽ làm gia tăng nguy cơ làn da bị kích ứng.

Cách khắc phục đeo khẩu trang bị mụn

Lựa chọn khẩu trang khác để thay thế loại đang dùng có thể giúp bạn ngăn ngừa mụn phát sinh. Tuy nhiên, vẫn có cách điều trị tình trạng đeo khẩu trang y tế bị mụn mà bạn có thể tham khảo:

1. Rửa mặt thường xuyên

Để giữ cho làn da luôn khỏe mạnh, bạn cần làm sạch da mặt 2 lần/ngày, trong đó 1 lần buổi sáng và 1 lần buổi tối trước khi đi ngủ, hoặc có thể là sau khi đổ mồ hôi, đeo khẩu trang. Bạn không nên lạm dụng việc làm sạch da vì sẽ làm mất đi lượng dầu cần thiết cho da. Điều này đồng nghĩa với việc tuyến dầu bị kích thích sản xuất quá mức nên dễ dẫn đến tác dụng ngược, sinh ra mụn trứng cá.

Bạn nên rửa mặt bằng nước ấm để giúp giãn nở lỗ chân lông và loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn dễ dàng. Tránh chà xát làn da quá mạnh để ngăn không cho da quá khô hay mẩn đỏ. Sau khi rửa mặt, bạn lau khô da bằng khăn sạch.

2. Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ

Dùng sữa rửa mặt có thể giúp bạn loại bỏ dầu thừa, mồ hôi và vi khuẩn trên da mặt. Bên cạnh đó, bạn không nên sử dụng các loại sữa rửa mặt chứa cồn trong mỹ phẩm hoặc hương liệu để đảm bảo làn da không bị kích ứng, hay khiến cho các triệu chứng thêm trầm trọng. Nếu tình trạng đeo khẩu trang bị mụn không thuyên giảm, bạn hãy thử dùng sữa rửa mặt chứa thành phần benzoyl peroxide hoặc axit salicylic để kiểm soát mụn hiệu quả.

Đối với làn da nhạy cảm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về loại sữa rửa mặt phù hợp nhất cho tình trạng của làn da.

3. Thoa kem cortisone và kem dưỡng ẩm

Nếu đeo khẩu trang bị mụn kèm theo hiện tượng khô ráp và kích ứng da, thì việc thoa kem cortisone lên vùng da mụn kết hợp với kem dưỡng ẩm chứa ceramide, hyaluronic acid, dimethicone có thể giúp giảm đáng kể tình trạng ngứa và bảo vệ làn da. Tuy nhiên, các quá trình này nên được áp dụng sau bước làm sạch da mặt, để thúc đẩy dưỡng chất được thẩm thấu hiệu quả hơn.

4. Ngưng trang điểm trong một thời gian

Cho đến khi tình trạng mụn dứt hẳn thì bạn nên cân nhắc đến việc tạm thời ngừng trang điểm để da sớm phục hồi. Các sản phẩm làm đẹp như: kem nền, kem che khuyết điểm và phấn má hồng có thể tạo nên môi trường nóng ẩm, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và kéo dài thời gian chữa lành da.

Nếu bạn bắt buộc phải trang điểm, hãy sử dụng các sản phẩm không gây nhân mụn (không làm bít tắc lỗ chân lông), chẳng hạn như các sản phẩm trang điểm gốc khoáng.

5. Chọn các loại sản phẩm chăm sóc da phù hợp

Đeo khẩu trang hằng ngày ít nhiều cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe của làn da. Vì thế bạn cần tránh dùng các thành phần chăm sóc da có tính lột tẩy như: retinol, AHA/BHA,… vì có thể khiến làn da ngày càng nhạy cảm hơn. Nếu phải sử dụng các hoạt chất này thì bạn nên chuyển sang dùng vào buổi tối, hoặc kết hợp thoa kem dưỡng ẩm và kem chống nắng vào ban ngày.

Mặc dù đeo khẩu trang có thể gây khó chịu cho 1 số người sử dụng, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải tiếp tục che chắn mặt trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Rửa mặt thường xuyên, dưỡng ẩm da và chọn đúng loại khẩu trang phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về da. Nếu tình trạng làn da vẫn không có những chuyển biến tích cực sau khi thử các biện pháp trên, bạn hãy liên hệ với bác sĩ da liễu để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Mask related acne (“maskne”) and other facial dermatoses

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version