Site icon Medplus.vn

Tam Thất Hoang: THUỐC BỔ quý hiếm từ thiên nhiên

Dược liệu quý - Tam thất hoang

Dược liệu quý - Tam thất hoang

Tam thất hoang thuộc loại cây thảo quý, sống lâu năm. Cây được sử dụng để chữa nhiều loại bệnh mang tính hiệu quả cao như: chữa thổ huyết, chảy máu mũi, đòn ngã tổn thương, thương tổn bên trong gây đau lưng… Đặc biệt, dùng làm thuốc bổ chữa thiếu máu, xanh xao, nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh đẻ. Hãy cùng Medplus tìm hiểu những công dụng đặc biệt của loại dược liệu này nhé! 

A. Thông tin về Tam thất hoang

Tên gọi khác: Sâm vũ diệp, Tam thất lá xẻ, Vũ diệp tam thất

Tên khoa học: Panax bipinnatifidus Seem

Họ: Araliaceae (Nhân sâm)

1. Đặc điểm về cây

  • Tam thất hoang thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, rễ dài có nhiều đốt và những vết sẹo do thân rụng hằng năm để lại.
  • Thân mảnh cao 10-20cm, tới 50cm, thường lụi vào mùa khô.
  • Lá kép chân vịt, mọc vòng 3 cái một, mang 3-7 lá chét mỏng, không lông, mép có răng đôi cạn hay sâu dạng thùy.
  • Hoa màu trắng lục xếp 20-30 cái thành tán đơn trên một trục dài 15-20cm ở ngọn thân, cuống hoa cỡ 1cm.
  • Quả mọng, khi chín màu đỏ, chứa 1-2 hạt.
  • Ra hoa tháng 7-9.
Hình ảnh cây Tam thất hoang

2. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Tam thất hoang thuộc loài cây của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam, tập trung chính ở độ cao 1900-2400m trong rừng ẩm.
  • Cây mọc hoang ở vùng núi cao lạnh của tỉnh Lào Cai. Cũng được trồng và cây mọc tốt như Tam thất.
  • Thu hoạch rễ củ ở những cây lâu năm, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô.

3. Bộ phận dùng

Rễ củ (Radix Panacis Bipinnatifidi) được sử dụng chính.

4. Tính vị và công năng

  • Tính vị: Vị đắng, nhạt, tính hàn.
  • Công năng: Có tác dụng tư bổ cường tráng, tiêu viêm giảm đau, khư ứ sinh tân và cầm máu.

B. Công dụng và liều dùng

Củ của cây Tam thất hoang
  • Rễ củ tam thất hoang dùng cầm máu các loại vết thương và xuất huyết.
  • Làm thuốc bổ chữa thiếu máu, xanh xao, nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh đẻ.
  • Ngoài ra, còn có tác dụng kích thích sinh dục và được dùng trong điều trị vô sinh. Liều dùng 4-8g thuốc bột hoặc rượu thuốc.
  • Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng rễ củ chữa thổ huyết, chảy máu mũi, đòn ngã tổn thương, thương tổn bên trong gây đau lưng.

C. Cách sử dụng Tam thất hoang

1. Ngậm tam thất hoang nguyên chất:

  • Ngậm tam thất hoang là một trong những cách đơn giản, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe ở những đối tượng suy nhược cơ thể, mắc bệnh hen suyễn, chán ăn hoặc có vấn đề về chức năng hô hấp.
  • Để kiểm soát sức khỏe các bệnh lý này, chỉ cần thái một lát mỏng rễ củ tam thất hoang và ngậm trong miệng.
  • Thực hiện đều đặn mỗi ngày để nhận được hiệu quả tối ưu nhất.

2. Tam thất hoang tẩm mật ong:

  • Sau khi thu hoạch tam thất hoang, rửa sạch và thái lát mỏng.
  • Sau đó, cho thảo dược vào lọ thủy tinh và đổ ngập mật ong, đậy kín nắp và để nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.
  • Sau khoảng 1 tháng ngâm là có thể sử dụng.
  • Mỗi ngày ngậm 3 – 5 lát sâm ngâm mật ong giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện bệnh lý.

3. Tam thất hoang ngâm rượu:

  • Rửa sạch tam thất hoang và thái lát mỏng.
  • Cho vào bình thủy tinh và đổ ngập rượu 50 – 70 độ theo tỷ lệ 100 gram sâm ngâm trong 2 – 3 lít rượu
  • Rượu ngâm sâm thông thường sẽ được sử dụng sau 3 tháng ngâm.
  • Mỗi ngày, chỉ nên uống 50 – 100 ml. Tuyệt đối không uống nhiều và để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa, các bạn nên uống sau khi ăn.

4. Tam thất hoang theo hình thức pha trà:

  • Sử dụng 1 – 2g tam thất hoang cho vào cốc nước sôi và hãm 5 phút là có thể uống.
  • Thêm một vài lần nước và uống cho đến khi thấy nước nhạt dần thì ngừng và lấy phần bã nhai nuốt.
  • Thường xuyên thực hiện giúp chống stress, bồi bổ cơ thể và cải thiện sức khỏe.

Một số bài viết về các loại dược liệu khác có công dụng tương tự như:

Lô cam thạch: Loại khoáng thạch tự nhiên có tác dụng cầm máu, tiêu độc

Cỏ thiên thảo: Từ loài thực vật mọc hoang cho đến bài thuốc dân gian giúp cầm máu, chữa bệnh

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Tam thất hoang cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!

Lưu ý:

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

Nguồn tham khảo

Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.

Exit mobile version