Site icon Medplus.vn

Tăng mỡ máu – Đừng lầm tưởng chỉ xuất hiện ở người thừa cân

Tăng mỡ máu là bệnh gì?

Bệnh mỡ máu cao, tăng mỡ máu (hay còn được gọi là bệnh máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn. Do các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.

Tăng mỡ máu là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi và ngày càng có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở người trẻ. Đôi khi có người ngỡ ngàng khi nhận tin bị mỡ máu dù thể trạng gầy hoặc ăn chay trường. 

Các xét nghiệm cho kết quả cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, Triglyceride cao hơn chứng tỏ bạn đang có biểu hiện bệnh mỡ máu. Tuỳ vào mức độ tăng cao của các chất trên mà biểu hiện tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trong khi đó, HDL – Cholesterol là một Cholesterol tốt cho sức khỏe giúp tăng đào thải LDL – Cholesterol (gây hại cho sức khỏe). Khi HDL – cholesterol tăng là một dấu hiệu tốt.

Vậy mỡ là gì? Mỡ có tốt cho cơ thể?

Mỡ hay chất béo (lipid) là một trong những thành phần thiết yếu cấu tạo cho cơ thể. Mỡ trong cơ thể có được là do hấp thu từ thức ăn hoặc do chính cơ thể tự tạo nên. Mỡ có vai trò rất quan trọng đến sự sống còn của tế bào trong cơ thể. Cũng như tạo năng lượng, giữ nhiệt và là nguyên liệu để cơ thể tổng hợp các chất quan trọng khác. Dù vậy, khi cơ thể có lượng mỡ quá mức cần thiết, lượng mỡ dư thừa này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Mỡ gồm những loại nào?

Có nhiều loại mỡ trong cơ thể, nhưng chủ yếu gồm 2 loại hay được nhắc đến là cholesterol và triglycerid. Cholesterol là thành phần quan trọng của các tế bào trong cơ thể cũng như là nguyên liệu để sản xuất các chất quan trọng khác như mật, hormon hoặc vitamin D. Trong khi đó, triglyceride là thành phần chính của mỡ cấu tạo nên cơ thể (như ở mông, bụng, đùi). Có vai trò cách nhiệt giữ ấm, đồng thời là nguồn năng lượng dự trữ khi cơ thể cần.

Mỡ trong máu là gì? Cholesterol tốt và cholesterol xấu là gì?

Mỡ hoàn toàn không tan trong nước nhưng có thể di chuyển được trong mạch máu thông qua “xe vận chuyển” tên là lipoprotein (nghĩa là protein có thành phần lipid). Các lipoprotein này được sản xuất tại ruột và chủ yếu tại gan. Trong quá trình tiêu hóa, mỡ (gồm cholesterol và triglycerid) được hấp thu tại ruột, đến gan và được vận chuyển đến các cơ quan trong cơ thể thông qua các “xe vận chuyển” lipoprotein này.

Trong cơ thể có rất nhiều loại lipoprotein. Có 2 loại thường được nhắc đến là LDL (lipoprotein trọng lượng phân tử thấp) và HDL (lipoprotein trọng lượng phân tử cao). Các hai loại này chủ yếu vận chuyển cholesterol. Trong khi LDL vận chuyển cholesterol đi đến các cơ quan khắp cơ thể. HDL có vai trò dọn dẹp cholesterol dư thừa và đưa chất này về lại gan để loại bỏ hoặc tái sử dụng.

Cholesterol tốt được gán cho HDL và cholesterol xấu được gán cho LDL. Thực tế, cả HDL và LDL đều quan trọng với cơ thể nếu có số lượng trong khoảng cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng cao LDL sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh tăng mỡ máu.

Nguyên nhân gây tăng mỡ máu 

Bệnh tăng mỡ máu có thể do di truyền và bộc lộ từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, đa số bệnh tăng mỡ máu thường liên quan đến lối sống không lành mạnh.

Việc ăn thường xuyên thức ăn nhanh chế biến với nhiều dầu, nhiều chất béo. Uống rượu bia, nước ngọt làm tăng khả năng bị tăng mỡ máu. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột cũng có thể gây tăng mỡ máu. Vì lượng đường dư trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất béo dự trữ. Hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất cũng có thể dẫn đến tăng mỡ máu vì làm giảm “cholesterol tốt” HDL. Ngoài ra, một số bệnh lý như béo phì, tiểu đường, suy thận và một số thuốc có thể dẫn đến tăng mỡ máu.

Không phải người bị tăng mỡ máu đều mập hay béo phì. Có những người gầy hoặc ăn chay trường cũng có thể bị tăng mỡ máu. Điều này có thể do chế độ ăn không lành mạnh. Ví dụ như ăn quá nhiều đồ chiên xào, hoặc ăn quá nhiều tinh bột. Lượng tinh bột dư thừa sẽ được cơ thể chuyển sang chất béo, về lâu dài cũng gây tình trạng tăng mỡ máu.

Triệu chứng và dấu hiệu của tăng mỡ máu

Bệnh tăng mỡ máu không có triệu chứng, chủ yếu được phát hiện thông qua xét nghiệm. Trong xét nghiệm máu, có 4 loại chỉ số thường dùng để xác định bệnh này, bao gồm: Cholesterol toàn phần, triglycerid (hay TG), LDL-C và HDL-C. 

Trong bệnh tăng mỡ máu, các chỉ số Cholesterol toàn phần, TG, LDL-C tăng cao hơn mức bình thường, và chỉ số HDL-C có thể giảm dưới mức bình thường.

Các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần vào trong lòng mạch (nguy hiểm nhất là ở động mạch). Lâu ngày sẽ tạo thành các mảng bám lớn hơn chèn ép lối đi của dòng máu. Điều này cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan, gây ra các hiện tượng như: đau đầu, tê bì chân tay, chóng mặt, mệt mỏi,… 

Tăng mỡ máu có nguy hiểm không?

Bệnh tăng mỡ máu thường gặp là tình trạng tăng LDL và giảm HDL. Khi LDL gia tăng, cholesterol dư thừa có thể tích tụ tại thành mạch máu. Bình thường, HDL có thể dọn dẹp cholesterol dư thừa này. Tuy nhiên, nếu như số lượng HDL giảm, hoặc LDL gia tăng quá mức, cholesterol dư thừa sẽ tích tụ nhiều nơi tại thành mạch máu, và dần dần hình thành các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này dần dần làm hẹp mạch máu.

Nguy hiểm hơn, tăng mỡ máu thường không có triệu chứng. Bệnh nhân thường biểu hiện triệu chứng khi mạch máu đã rất hẹp hoặc tắt hoàn toàn. Chẳng hạn như mạch máu cơ thể bị hẹp có thể dẫn đến tăng huyết áp, suy thận; mạch máu nuôi tim bị tắt. Dẫn đến nhồi máu cơ tim; mạch máu nuôi não bị tắt sẽ dẫn đến đột quỵ. Các bệnh lý này đều ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của bệnh nhân.

Ngoài ra, một tình trạng tăng mỡ máu khác là gia tăng lipoprotein vận chuyển triglycerid. Tăng triglycerid lâu dài cũng có thể dẫn đến xơ vữa mạch máu. Ngoài ra, tăng triglyceride quá mức còn có thể dẫn đến viêm tụy, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cách điều trị tăng mỡ máu

Tùy vào mức độ tăng mà bác sĩ sẽ đánh giá xem bạn có cần phải dùng thuốc điều trị hay không. Nếu tăng nhẹ, chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh kể trên có thể giúp giảm mỡ máu và có thể không cần phải dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu mức độ tăng nhiều, thay đổi lối sống lành mạnh không đủ giảm mỡ máu thì cần phải bắt buộc dùng thuốc.

Thuốc điều trị mỡ máu có nhiều loại, loại thường dùng nhất có tên là statin. Loại thuốc này có vai trò làm giảm sản xuất cholesterol trong cơ thể (chủ yếu ở gan). Qua đó làm giảm lượng “cholesterol xấu”. Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ có thể lựa chọn loại statin và liều phù hợp. Thông thường sẽ phải dùng thuốc trong thời gian dài.

Khi dùng thuốc, người bệnh nên duy trì uống một lần mỗi ngày theo toa bác sĩ. Và nên uống lúc chiều tối để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Cũng như tất cả các thuốc khác, thuốc trị tăng mỡ máu cũng có thể gây tác dụng phụ. Nếu trong quá trình dùng thuốc, người bệnh thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. (như đau cơ không rõ vì sao đau, đau bụng, nước tiểu sẫm màu) thì nên thông báo liền với bác sĩ hoặc dược sĩ để xem có phải do thuốc hay không.

Làm sao để phòng ngừa bệnh tăng mỡ máu?

Như đã trình bày ở trên, bệnh tăng mỡ máu chủ yếu do lối sống không lành mạnh. Vì thế, bệnh tăng mỡ máu có thể phòng ngừa bằng cách:

Một chế độ ăn khỏe mạnh thường xoay quanh rau củ quả, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, thịt cá, gia cầm (như thịt gà). Đồng thời hạn chế thịt đỏ (như thịt heo, thịt bò) và các thực phẩm chế biến sẵn. 

Ngoài ra, chế độ ăn nên vừa đủ. Không nên ăn quá no vì chất dinh dưỡng dư thừa sẽ không được hấp thu hoặc sẽ chuyển thành chất béo dự trữ. Chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh cũng góp phần phòng ngừa các bệnh lý mạn tính khác. Chẳng hạn như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận,.v.v…

Khi nào cần gặp bác sĩ

Tăng mỡ máu là một trường hợp hết sức nguy hiểm vì bệnh thường không có triệu chứng hoặc rất ít. Nếu không phát hiện và điều trị bệnh sẽ gây các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. 

Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về bệnh tăng mỡ máu. Hy vọng giúp bạn có thể bổ sung kiến thức nhằm phát hiện được bệnh sớm hoặc phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đang có các dấu hiệu trên hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời bạn nhé. 

Bài viết đã được sự tham vấn chuyên môn từ dược sĩ Nguyễn Quốc Hòa – Giảng viên bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược, đại học Y Dược TP.HCM (2014 – 2017). Nghiên cứu sinh tại đại học Queen’s Belfast, Vương Quốc Anh (2017 – nay).

Các bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Exit mobile version