Tạo giác hay còn gọi là bồ kết Là loại cây mọc hoang, thường mọc và được trồng nhiều ở Việt Nam. Trong đông y tạo giác có tác dụng tiêu đờm, thông khiếu, sát trùng được dùng để chữa nhiều bệnh lý khác nhau như tiêu thực, cấm khẩu, làm sáng mắt, đờm suyễn,… Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu tạo giác hiện nay? Cách dùng dược liệu này như thế nào? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Bồ kết; Tạo giác; Trư nha tạo giác; Tạo giáp.
Tên khoa học: Fructus Gleditschiae
Họ: Thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae)
Đặc điểm dược liệu
- Cây to thân gỗ, cao chừng 6-8m, trên thân có những túp gai có phân nhánh, dài tới 10-15cm.
- Lá kép lông chim, cuống chung có lông và có rãnh dọc, 6 đến 8 đôi lá chét, hình trứng dài, dài trung bình 25mm, rộng 15mm.
- Hoa màu trắng khác gốc hay tạp tính, mọc thành chùm hình bông.
- Quả giáp, dài l-12cm, rộng 15-20mm, hơi cong hình lưỡi liềm hay thẳng, quả mỏng nhưng ở những nơi có hạt thì nổi phình lên, tròn mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10-12 hạt dài 10mm, rộng 7mm, dày 4mm, màu vàng nâu nhạt, quanh hạt là một chất cơm màu vàng nhạt.
- Mùa quả: Tháng 10-11.
Bộ phận dùng
Quả, hạt, gai.
Thu hái và chế biến
Thu hái: Vào tháng 10-11.
Chế biến:
- Quả tạo giác còn được gọi là tạo giác (Fructus Gleditschiae): Thu hái những quả chín đem về phơi khô. Khi sử dụng, bỏ hết hạt, có thể dùng khi còn sống hoặc mang đi tẩm nước cho mềm sau đó sấy khô. Hoặc đốt cho cháy thành than rồi tán thành bột mịn.
- Hạt tạo giác (tạo giác tử – Semen Gleditschiae): Được lấy từ những quả tạo giác chín đã được phơi hoặc sấy khô.
- Gai tạo giác ( tạo giác thích, tạo thích – Spina Gleditschiae): Được hái ở trên thân của cây, sau đó đem về phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra, bạn cũng có thể thu hái về, chặt thành từng khúc mỏng rồi phơi khô. Trong bộ phận này của cây chứa nhiều các hoạt chất kháng khuẩn, chống nấm. Vì thế, uống nước sắc gai tạo giác có thể khắc phục được chứng tụ cầu vàng.
Phân bố
Cây tạo giác mọc hoang và được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Còn thấy mọc tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Riêng đảo Cát Bà (Hải Phòng) có tới 40.000 cây, hàng năm cho tới 40 tấn tạo giác.
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
- Từ quả tạo giác ở Việt Nam, chúng tôi đã chiết được chất saponin tinh khiết với hiệu suất 10% (G. Herman-I. Ciulei, Đỗ Tất Lợi, Y học tạp chí số 1-1961, 26-29), chất saponin này không mùi, vị nhạt, gây hắt hơi mạnh, cho với axit sunfuric đặc màu vàng sau sang màu đỏ và tím (phản ứng Kobert), với phản ứng Lieberman (anhydrit axetic và axit sunfuric đặc) giữa hai lớp chất lỏng cho một vòng màu tím, sau đó lớp trên có màu xanh lục, với axit tricloraxetic nóng (phản ứng Hirschson) cho màu vàng sau ngả sang màu đỏ, độ chảy 198°-202°C, năng suất quay cực -32°, chỉ số phá huyết đối với máu bò 33.000. Saponin này tan trong rượu và nước.
- Từ chất saponin này, chúng tôi đã thuỷ phân và kết tinh được chất sapogenin có tinh thể hình kim tụ thành hình ngôi sao, không tan trong nước, tan trong ête, cồn và clorofoc, độ chảy 298- 301°C cho phản ứng Lieberman. Hiệu suất sapongenin từ quả tạo giác là 3%.
- Năm 1929 (Nhật dược chí số 29), một tác giả Nhật Bản có chiết được từ tạo giác cùng loài nhưng mọc ở Nhật Bản chất saponin cấu tạo tritecpenic và gọi là gleđitsaponin với hiệu suất 10%, công thức thô xác định là C59H100O20. Chất saponin này thuỷ phân cho gleditsapogenin và glucoza, ngoài ra còn có arabinoza. Chỉ số phá huyết của gleditsapogenin đối với máu sơn dương là 75.000.
- Năm 1963, Bùi Đình Sang có chiết được từ tạo giác Việt Nam saponin, men peroxydaza và hai chất khác có tinh thể chưa xác định được tính chất.
- Năm 1969, Ngô Thị Bích Hải đã chiết được từ quả tạo giác mọc ở Việt Nam 8 chất flavonoit và 7 hợp chất tritecpen: 5 trong số 8 chất flavonoit đã được rút ra dưới dạng tinh khiết và xác định là luteolin, saponaretin, vitexin, homoorientin và orientin.
- Phần aglycon của hợp chất tritecpen là axit oleanolic và echinoxystic. Phần đường là xyloza, arabinoza, glucoza và galactoza.
- Ngoài ra tác giả còn chiết được một saponin mới là australozit.
Tính vị
Tính ôn, vị cay mặn, chứa độc.
Quy kinh
Chưa có dữ liệu.
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
Sơ bộ nghiên cứu tác dụng dược lý, Ngô Thị Bích Hải đã thấy rằng hỗn hợp flavonozit và chất saponaretin riêng biệt có hoạt tính chống siêu vi trùng; hỗn hợp saponin tạo giác có tác dụng đối với trùng roi âm đạo, hỗn hợp saponin và flavonoit có tác dụng giảm đau.
Theo y học cổ truyền
- Quả tạo giác: Theo Đông y, loại quả này có tính ôn, vị cay mặn, chứa độc. Nó tác động vào 2 kinh là Phế và Đại tràng, có tác dụng tiêu đờm, thông khiếu, sát trùng, dễ hắt hơi. Được sử dụng để điều trị chứng ích tinh, trúng phong, tiêu thực, cấm khẩu, đờm suyễn, sáng mắt.
- Hạt tạo giác: Theo các ghi chép từ những tài liệu cổ cho thấy, hạt có tính ôn, vị cay, có độc. Có tác dụng chữa bí kết, thông đại tiện, trị mụn nhọt. Mỗi lần sử dụng, hãy lấy 5 – 10g thuốc sắc lên với nước để uống.
- Gai tạo giác: Tính ôn, chứa độc, vị cay. Có tác dụng thông sữa, chữa ác sang, tiêu ung độc. Tương tự như hạt, khi dùng gai tạo giác bạn cũng lấy khoảng 5 – 10g thuốc và sắc lên để uống.
Tất cả các bộ phận quả, gai, hạt đều có độc. Tuy nhiên, chất độc này chỉ ở mức độ cao khi sử dụng mà không nướng vàng, sao lên hoặc đôt thành than. Các biểu hiện ngộ độc mà bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm tức ngực, khó thở, nôn ói, nóng rát cổ… Sau đó, bệnh nhân có thể bị nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, nước tiêu có bọt, cơ thể mệt mỏi, chân tay rã rời.
Cách dùng và liều lượng
Liều dùng: Tùy vào bệnh lý và cơ địa mà có liều dùng khác nhau
Cách dùng: Sắc uống.
3. Bài thuốc chữa bệnh
Thuốc chữa ho
Tạo giác 1g, quế chi 1g, đại táo (táo đen) 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml; sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa nhức răng, sâu răng
Quả tạo giác tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy dãi ra thì nhổ đi.
Chữa trẻ con chốc đầu, rụng tóc
Tạo giác đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than tạo giác lên.
Chữa đi lỵ lâu ngày
Hạt tạo giác sao vàng, tán nhỏ, dùng hồ nếp viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10 đến 20 viên, dùng nước chè đặc mà chiêu thuốc (nên uống buổi sáng sớm khỏi mất ngủ).
Chữa phụ nữ sưng vú
Gai tạo giác thiêu tồn tính 40g, bạng phấn 4g. Hai vị đều tán nhỏ, trộn đều, mỗì lần uống 4g bột này.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng tạo giác cần lưu ý:
- Hầu hết các bộ phận của loại cây này như vỏ, quả, hạt, lá đều chứa độc tính. Do đó, cần đảm bảo dùng đúng cách nếu không sẽ gây ngộ độc cho cơ thể. Phải chế biến mới được dùng bằng đường uống. Nếu sử dụng để đắp ngoài da, nó sẽ ít độc hơn.
- Trong trường hợp thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường như nóng rát cổ, tức ngực, nôn ói, tiêu chảy, mệt mỏi… ngưng sử dụng thuốc ngay và tìm đến các cơ sở y tế để được xử lý.
- Tuyệt đối không được áp dụng các bài thuốc trên cho phụ nữ đang mang thai. Bởi loại quả này có chất tẩy rửa và có tính acid nhẹ. Nó có thể gây hưng phấn ở cổ tử cung, dẫn đến nguy cơ sinh non và dị tật ở trẻ.
- Người bị tỳ vị yếu không nên sử dụng tạo giác. Vi nó có thể gây ra các triệu chứng như tức bụng, chướng bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa…
- Không dùng các cách trị bệnh trên cho đối tượng mắc các vấn đề về đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày – tá tràng. Vì nó có thể làm cho bệnh nặng thêm.
- Không uống nước tạo giác khi đang đói, tránh ngộ độc và say tạo giác.
- Không sử dụng tạo giác để chữa bệnh cho người lớn tuổi, người có sức đề kháng suy yếu.
5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: