Một loại quả được trồng và ăn rất phổ biến ở nước ta. Với thân hình nhỏ bé, nhưng Táo ta mang lại rất nhiều công dụng chữa trị trong Đông Y. Những tác dụng đó là gì? Cùng Medplus tìm hiểu về loại dược liệu này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Táo, Táo ta, Táo Chua
Tên khoa học: Ziziphus mauritiana Lam.
Họ: Rhamnaceae (Táo)
Đặc điểm cây
- Cây táo là một cây nhỏ, có gai, cành thõng xuống.
- Lá hình bầu dục ngắn hoặc hơi thon dài; mặt trên xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông, mép có răng cưa. Có 3 gân dọc theo chiếu lá.
- Hoa trắng, mọc thành xim ở kẽ lá, trục chính dài 3,7mm.
- Quả hạch có vỏ quả ngoài nhẵn, màu vàng xanh, vỏ quả giữa dày, vị ngọt, hạch cứng xù xì. Đập hạch ra sẽ được nhân hạt táo, phơi khô gọi là táo nhân.
Nới sống, thu hái và chế biến
- Được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy quả ăn. Vào tháng 2-3 hái quả về, bỏ thịt lấy hạch xay ra được nhân, phơi hay sấy khô.
- Khi dùng để sống hay sao đen. Nếu dùng sống phải dùng liều thấp.
Bộ phận dùng
Quả, lá và hạt của cây được dùng để làm thực phẩm và làm thuốc.
Thành phần hoá học, tác dụng dược lý
Thành phần hóa học
Táo ta có chứa vitamin C, vitamin P, đường, chất xơ, chất đạm, vitamin B1, B2 , B3, canxi, phốt pho, sắt, magie, mangan,…
Tác dụng dược lý
Năm 1956, Hồ Mộng Gia đã báo cáo ở Đại hội đại biểu hội sinh lý học Trung Quốc về tác dụng trấn tĩnh của toan táo nhân. Ông đã dùng dung dịch nước nhân hạt táo thụt vào dạ dày và ruột hoặc tiêm vào màng bụng chuột nhắt đã được kích thích bằng cách tiêm dung dịch cafein- bcnzoat natri thì thấy với liều 5g/kg thể trọng có tác dụng trấn tĩnh. Tác dụng này giống như tác dụng của thuốc ngủ bacbituric.
Năm 1967, Viện chống lao Hà Nội đã xác minh lá táo có tác dụng chữa viêm phế quản khó thở (Y học thực hành, 146, 8: 3).
Tính vị
- Quả táo ta có vị ngọt thanh, hơi chua, tính hơi nóng.
- Toan táo nhân (hạt táo ta sao đen) có vị ngọt, tính bình.
Công dụng và những bài thuốc
Công dụng và liều dùng
- Theo quan sát trên lâm sàng vị thuốc có tác dụng trấn tĩnh và gây ngủ rõ rệt (Dược học thông báo, 1953). Người lớn uống 15-20 hạt (tương đương với 0,8g-1,8g) thì có công hiệu. Dùng quá liều có thể bị trúng độc và mất tri giác, hôn mê. Nếu dùng liều cao (6-15g) như các sách cổ, cần sao đen đi vì sao đen có lẽ là một hình thức để giảm chất độc đi.
- Theo tài liệu cổ, toan táo nhân có vị ngọt, tính bình, vào 4 kinh tâm, can, đởm và tỳ. Có tác dụng bổ can, đởm, định tâm, an thần. Dùng chữa hư phiền không ngủ được, hồi hộp hay quên, tân dịch ít, miệng khô, người yếu ra nhiều mồ hôi. Những người có thực tà, uất hoả không dùng được.
Những bài thuốc về Táo ta
Chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược
- Chuẩn bị: Toan táo nhân (sao đen) 6g, phục linh 5g, xuyên khung 3g, tri mẫu 4g, cam thảo 2g, nước 600ml.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước còn 200m, chia 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa ho suyễn bằng lá táo
- Chuẩn bị: Khoảng 200 – 300g lá táo.
- Thực hiện: Rửa sạch, sao vàng và đem sắc uống. Chia làm 2 lần uống, sử dụng trước khi ăn 1 giờ.
Bài thuốc chữa ho mãn tính hoặc ho gà
- Chuẩn bị: Lá dâu tằm, lá chanh và lá táo, mỗi thứ từ 200 – 300g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng từ 2 – 3 lần.
Bài thuốc trị chứng tăng huyết áp
- Chuẩn bị: 100 – 200g lá táo.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày trong nhiều tháng.
Bài thuốc chữa mụn nhọt có mủ
- Chuẩn bị: Cao lá táo và lá táo tươi.
- Thực hiện: Dùng cao lá táo dán trực tiếp lên nhọt và dùng nước sắc lá táo rửa vết thương.
Bài thuốc chữa mồ hôi trộm
- Chuẩn bị: Phục linh, nhân sâm và toan táo nhân mỗi thứ bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10g uống với nước cháo.
- Lưu ý: Nếu bị chứng khó ngủ, bạn nên dùng thuốc vào buổi sáng.
Chú thích:
- Đừng nhầm toan táo nhân (hạt quả táo ta ăn) với hạt quả cây keo hay bồ kết dại Leucaena glauca có nơi người ta cũng gọi là nam toan táo nhân vì trông 2 hạt gần giống nhau.
- Ngoài hạt táo, nhân dân còn dùng lá táo chữa hen rất có kết quả: Ngày uống 200-300g lá táo sao vàng sắc với 3 bát nước, còn 1 bát chia 2 lần uống vào trước bữa ăn 1 giờ, uống liên lục từ 1 tuần đến 2 tháng (y học thực hành. 12- 1966, 24-28).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu.vn