Trái ngược hẳn với phương pháp Cry It Out, phương pháp No Tears (luyện ngủ không nước mắt) được khá nhiều bố mẹ áp dụng để giúp trẻ tự ngủ thành công và hạn chế tối đa những trận khóc quấy.
Nếu bố mẹ không muốn để cho trẻ khóc một mình trong phòng, hoặc đang quá mệt mỏi với phương pháp Cry It Out (Để trẻ khóc) và cảm thấy phương pháp đó không phù hợp với con mình, hãy thử với phương pháp luyện ngủ không nước mắt.
Luyện ngủ không nước mắt là gì?
Phương pháp luyện ngủ không nước mắt là khi trẻ buồn ngủ, bố mẹ sẽ dỗ dành, vỗ về và ở bên cạnh trẻ để trấn an con (thay vì cho trẻ uống sữa hay bồng bế con cho tới khi con ngủ). Sau đó, bố mẹ mới ra khỏi phòng. Trong trường hợp trẻ tỉnh giấc giữa đêm, bố mẹ lại tiếp tục tới an ủi, vỗ về trẻ để con tự ngủ lại.
Khi bố mẹ áp dụng phương pháp này, giờ đi ngủ của trẻ chính là cơ hội “vàng” để bố mẹ và con gắn kết với nhau hơn. Lúc này, bố mẹ và trẻ cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc ấm cúng, nhẹ nhàng bên nhau. Hơn nữa, bố mẹ cũng có thể nhanh chóng nhận biết và đáp ứng những nhu cầu của trẻ, ví dụ như ăn hay dỗ dành.
Nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp Cry It Out là không tốt đối với trẻ sơ sinh. Cry It Out có thể đem lại cảm giác tiêu cực cho trẻ vào mỗi giờ đi ngủ, cảm giác này thậm chí có thể tồn tại trong suốt cuộc đời của trẻ sau này.
Áp dụng phương pháp No Tears như thế nào?
Để áp dụng phương pháp tự ngủ không nước mắt hiệu quả, bố mẹ nên lưu ý:
1. Xây dựng lịch trình ngủ nghỉ cố định cho trẻ
Những thói quen ngủ cố định vào ban ngày có thể giúp điều chỉnh cho giấc ngủ vào ban đêm trở nên tốt hơn.
2. Đặt trẻ lên giường sớm, từ khoảng 6 giờ 30 đến 7 giờ tối
Lúc này, trẻ chưa quá mệt và buồn ngủ, điều này giúp cho quá trình ngủ của trẻ diễn ra dễ dàng hơn. Nếu không được ngủ đúng giờ, trẻ sẽ càng mệt mỏi và buồn ngủ, dẫn tới tình trạng khó ngủ. Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng những trẻ đi ngủ sớm thường sẽ có xu hướng ngủ được nhiều hơn.
3. Thay đổi từ từ
Bố mẹ không nên thay đổi giờ ngủ của trẻ quá đột ngột, ví dụ từ 9 giờ 30 xuống 7 giờ. Hãy thay đổi từ từ để trẻ dần thích nghi.
4. Lên lịch trình ngủ phù hợp và các hoạt động diễn ra vào những khung giờ cố định mỗi ngày
Ví dụ: tắm, đọc sách, hát ru, đi ngủ.. tất cả đều nên được thực hiện vào khoảng thời gian nhất định trong ngày.
5. Tạo ra “từ khóa” để làm tín hiệu cho trẻ biết rằng đã tới giờ ngủ
Bố mẹ có thể chỉ cần đơn giản là tạo ra âm thanh “ssshhh”, hay nói nhẹ nhàng với trẻ rằng: “Đi ngủ thôi nào”. Việc bố mẹ lặp lại những âm thanh hay lời nói như vậy vào mỗi lần vỗ về cho trẻ ngủ sẽ giúp con làm quen và nhận biết giờ đi ngủ dễ dàng hơn.
6. Tạo không gian ngủ thoải mái và phù hợp với trẻ
Nhiều trẻ cần không gian yên tĩnh và tối để có thể ngủ ngon. Bố mẹ cũng có thể bật cho trẻ nghe những bản nhạc nhẹ nhàng hoặc âm thanh tự nhiên (ví dụ như tiếng nước chảy). Hãy đảm bảo rằng chăn mền của trẻ luôn đủ ấm và quần áo ngủ của trẻ không quá chật, quá rộng, chất liệu dễ mặc, không gây khó chịu. Bố mẹ cũng nên lưu ý không mặc cho trẻ quá nhiều quần áo hay để nhiệt độ phòng quá cao khi con ngủ. Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể quấn khăn để con ngủ ngon hơn.
7. Không phản hồi lại tất cả những âm thanh mà trẻ tạo ra
Không phải lúc nào âm thanh trẻ tạo ra cũng là tiếng khóc thật của con. Khi không chắc về điều này, bố mẹ có thể đứng ở ngoài cửa theo dõi con một lúc (khoảng 1-2 phút) để xem có thực sự là con đang khóc hay không, tránh trường hợp trẻ vẫn đang ngủ nhưng bố mẹ bước vào và làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của con.
Phương pháp No Tears- có thể hay không?
Không có phương pháp luyện cho trẻ tự ngủ nào là hiệu quả với mọi trẻ em, thậm chí là với một trẻ ở mọi thời điểm. Bố mẹ là những người hiểu trẻ nhất, do vậy hãy linh hoạt và thay đổi khi cần thiết để quá trình tập cho trẻ tự ngủ diễn ra dễ dàng và hiệu quả nhất.
Phương pháp No Tears có thể đòi hỏi bố mẹ phải dành nhiều thời gian và kiên nhẫn hơn để áp dụng. Tuy nhiên, một khi đã thành công, cả bố mẹ và trẻ đều sẽ bớt căng thẳng và áp lực hơn.
Chuyên gia giáo dục người Mỹ Elizabeth Pantley cho rằng, khi luyện ngủ cho trẻ, bố mẹ phải lựa chọn giữa thời gian và nước mắt. Một khi đã thay đổi quá trình ngủ của trẻ, chuyển từ việc được ôm ấp, dỗ dành và bế bồng khi ngủ (và thức dậy suốt đêm) sang tự mình ngủ (và ngủ suốt đêm), bố mẹ sẽ phải chấp nhận đánh đổi, một là thời gian, hai là nước mắt. Và với phương pháp No Tears, bố mẹ sẽ phải hy sinh thời gian.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily