Site icon Medplus.vn

Bệnh gù lưng có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào?

Bệnh gù lưng có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào?

Gù lưng, hay gù cột sống, là một dạng rối loạn phát triển cột sống, có thể gặp phải ở cả trẻ em và người lớn. Không chỉ mất thẩm mỹ về hình thể mà biến dạng ở cột sống này còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong lồng ngực. Do đó mà không ít người tìm kiếm cách để chữa gù lưng một cách hiệu quả, nhằm giúp giảm đau và hạn chế các biến chứng khác về sức khỏe.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các cách trị gù lưng đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Cùng tìm hiểu nhé!

I. Tật gù lưng có nguy hiểm không?

Gù lưng có thể gồm các triệu chứng như cứng và cong cột sống lưng, phần đầu uốn cong về phía trước so với phần còn lại của cơ thể, khác biệt về chiều cao hoặc vị trí của xương vai so với người bình thường, khi cúi xuống lưng cao hơn bình thường, cơ đùi sau săn chắc.

Ngoài ra, người bị tật gù lưng có thể gặp phải những cơn đau lưng, nhưng hiếm khi đau nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, tật gù lưng còn có thể gây nên một số biến chứng như:

  • Các vấn đề bất thường về hô hấp do cột sống bị biến dạng sẽ gây chèn ép, tạo áp lực lên phổi và đường thở, gây khó thở, thở nông.
  • Chèn ép các dây thần kinh đi qua cột sống gây ra triệu chứng yếu, tê, ngứa ran ở chân và tay; khiến chân tay mất cảm giác; khó khăn để thăng bằng; mất kiểm soát bàng quang và ruột.
  • Mất thẩm mỹ về ngoại hình. Hình ảnh quan sát dễ thấy nhất của chứng gù lưng là người mắc phải có phần đầu nhô về trước, phần cột sống lưng lồi ra, thậm chí thấy rõ bướu gù. Điều này làm cho người bị tật gù lưng cảm thấy tự ti và mặc cảm về ngoại hình.

II. Cách để chữa trị tật gù lưng

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của gù lưng mà có các cách chữa gù lưng khác nhau, chẳng hạn như:

1. Điều trị bằng thuốc

Để làm giảm triệu chứng đau lưng hoặc ngăn ngừa nguy cơ gãy xương ở người bị gù lưng, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng các nhóm thuốc:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid; chẳng hạn paracetamol, ibuprofen, naproxen hay aspirin. Nếu vẫn còn đau đớn dữ dội, naproxen hoặc các thuốc giảm đau kê đơn loại mạnh hơn có thể được chỉ định.
  • Thuốc điều trị loãng xương để ngăn ngừa nguy cơ gãy xương cột sống và thắt lưng ở người gù lưng, làm nặng nề hơn tình trạng này.

2. Vật lý trị liệu

Đối với các biến dạng cong vòm cột sống nhẹ và các khớp xương cột sống vẫn còn linh hoạt, vật lý trị liệu là cách chữa gù lưng được khuyến khích.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn tập tại nhà những bài tập tăng cường sức mạnh cột sống, kéo giãn cơ lưng.

Bên cạnh đó, các bài tập yoga chữa gù lưng cũng giúp kéo dãn cột sống rất tốt, sẽ rất hữu ích cho việc chữa gù lưng nhẹ ở người lớn. Ví dụ như:

Bài tập tư thế con mèo/ con bò

Nhằm giúp giãn các cơ lưng, cơ vai và cơ cổ, tăng lưu thông máu, phù hợp với người thường xuyên đau lưng với các động tác như sau:

  • Chống người bằng hai bàn tay và đầu gối sao cho cánh tay và xương đùi song song nhau, cùng vuông góc với sàn nhà. Lúc này, cột sống sẽ là một đường thẳng nối vai với hông.
  • Áp các ngón chân xuống sàn.
  • Đẩy hông về phía trước để lưng cong lên, đồng thời thở ra và hóp bụng.
  • Cúi gập đầu xuống. Mắt nhìn về phía rốn.
  • Tiếp tục động tác này trong ít nhất 1 phút.

Bài tập tư thế rắn hổ mang giúp chữa gù lưng

Tư thế này giúp tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của cột sống, giúp vai, lưng và cổ săn chắc.

  • Nằm sấp xuống sàn với 2 tay xuôi, 2 chân khép lại.
  • Khép hai cánh tay sát vào thân mình, hai bàn tay chống xuống sàn.
  • Nhẹ nhàng nâng nửa người trên lên bằng tay sao cho cơ thể căng hết mức, đồng thời hít vào, siết cơ bụng và ngửa đầu lên cao.
  • Giữ tư thế này trong 15 – 30 giây. Sau đó từ từ tăng dần thời gian lên 2 phút.
  • Thả lỏng cơ thể, gập cánh tay để trở về tư thế nằm sấp. Hít thở đều.

Bài tập này sẽ hữu ích để giãn cơ lưng, phù hợp với những người thường đau lưng ở thể nhẹ.

Nẹp lưng

Nẹp lưng là cách chữa gù lưng được sử dụng ở thanh thiếu niên bị gù lưng nhẹ, khi xương còn khả năng phát triển nhằm ngăn chặn tiến triển nặng hơn của tình trạng này. Lúc đầu đeo nẹp có thể còn khó chịu nhưng theo thời gian người bệnh sẽ quen dần. Loại áo nẹp lưng cụ thể, số giờ phải đeo mỗi ngày còn tùy thuộc vào mức độ gù lưng của từng người.

Định kỳ, bác sĩ sẽ điều chỉnh áo nẹp dựa theo độ cải thiện của cột sống. Nhìn chung, trẻ sẽ phải đeo đến khi trưởng thành, xương đã phát triển hoàn chỉnh.

3. Chữa gù lưng nặng bằng phẫu thuật

Thông thường gù lưng có thể được kiểm soát tốt bằng những phương pháp không phẫu thuật kể trên.

Nhưng số ít các trường hợp gù lưng nặng với cột sống cong trên 75 độ, hoặc gù cột sống bẩm sinh, hoặc đau lưng dữ dội mà không thể kiểm soát được bằng các phương pháp khác, phẫu thuật chỉnh hình là cần thiết. Phẫu thuật này nhằm hợp nhất các đốt sống bị ảnh hưởng với nhau thành duy nhất một xương vững chắc, gọi là hàn cột sống. Từ đó điều chỉnh vòm cong cột sống, giảm đau và cải thiện chức năng vận động cho người bị gù lưng.

Tật gù lưng có thể do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là gù lưng tư thế. Do đó, tập tư thế ngồi đúng cũng là một cách để chủ động phòng ngừa gù lưng ở cả trẻ em và người lớn. Hi vọng các thông tin trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về gù lưng và biện pháp chữa gù lưng hiện nay nhé!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Kyphosis – Diagnosis and treatment

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version