Site icon Medplus.vn

Tất tần tật về bệnh lác mắt (lé mắt)

Tất tần tật về bệnh lác mắt (lé mắt)

Lác mắt là một bệnh lý về mắt gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị sớm. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em.

Vậy lác mắt là bệnh gì và làm sao nhận biết dấu hiệu của bệnh? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Lác mắt (lé mắt) là gì?

Lác mắt, hay còn gọi là lé mắt, là bệnh mà mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi ta nhìn vào một vật. Mắt lác xảy ra khi một hoặc cả hai mắt nhìn theo hướng lệch vào trong hoặc lệch ra ngoài.

Qua thời gian, mắt bị lác sẽ yếu hơn và dần bị mất thị lực do não bộ chỉ dùng các tín hiệu đến từ mắt khỏe hơn. Tình trạng lé mắt nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thị lực.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng lác mắt (lé mắt) là gì?

Triệu chứng chủ yếu của lác mắt là mắt nhìn vào hai hướng khác nhau. Ngoài ra, nếu bạn hoặc trẻ gặp khó khăn khi nhìn một vật như phải nghiêng đầu mới có thể xác định được hình dạng, vị trí vật… thì đó là một trong các dấu hiệu của lé mắt. Ngoài ra, tình trạng nhìn đôi (2 hình ảnh khác nhau ở hai bên mắt) hoặc chỉ nhìn được ở một mắt cũng là các triệu chứng khác của lé mắt.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc con bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của lác mắt, hãy liên hệ với bác sĩ ngay, đặc biệt nếu tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hằng ngày.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra lác mắt (lé mắt) là gì?

Nguyên nhân gây ra lác mắt là do sự khác biệt về cơ xung quanh mỗi mắt. Có 6 cơ xung quanh mắt cho phép mắt chỉ tập trung nhìn vào một vật. Nếu một trong các cơ này không còn phối hợp đồng bộ sẽ dẫn đến hiện tượng một bên mắt nhìn vào vật này trong khi mắt còn lại nhìn vào vật khác.

Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, lé mắt có thể xảy ra do bẩm sinh hoặc là biến chứng từ các bệnh khác như đái tháo đường, bệnh Grave, hội chứng Guillain-Barré, chấn thương sọ não.

Nguy cơ mắc bệnh

Những ai thường bị lác mắt (lé mắt)?

Lé mắt thường xuất hiện trong những năm đầu đời của bé. Bệnh cũng có thể xảy ra khi mới sinh nhưng khó có thể phát hiện bệnh cho tới khi trẻ được 3 tháng tuổi.

Người lớn cũng có thể bị lác mắt. Đối với người lớn, một căn bệnh như đái tháo đường, đột quỵ hoặc chấn thương mắt cũng có thể gây bệnh. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc lác mắt (lé mắt)?

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc lác mắt, bao gồm:

  • Tiền sử bệnh gia đình: bạn hoặc con bạn có nguy cơ bị lác mắt nếu có người thân bị bệnh này
  • Mắc tật khúc xạ: nếu bị viễn thị mà không được chữa trị, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh
  • Tình trạng bệnh: nếu bạn hoặc con bạn bị hội chứng Down, bại não, hoặc đã từng trải qua cơn đột quỵ, chấn thương đầu, đái tháo đường, hội chứng Guillain-Barré… thì bạn hoặc trẻ sẽ có nguy cơ cao bị lác mắt.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán lác mắt (lé mắt)?

Bác sĩ chẩn đoán lác mắt chủ yếu bằng cách khám mắt. Bác sĩ sẽ nhìn qua kính y học để tìm điểm khác nhau giữa hai mắt. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được kiểm tra võng mạc và kiểm tra thần kinh để việc chẩn đoán được chính xác hơn.

Đối với trẻ em, bạn cần cho trẻ kiểm tra mắt định kỳ từ 1 đến 4 tháng cho tới khi mắt ổn định. Sau đó, trẻ cần được kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng cho tới khi 6 tuổi và kiểm tra định kỳ hằng năm khi trẻ từ 9 đến 11 tuổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị lác mắt (lé mắt)?

 

Mục đích điều trị là làm thị lực của mắt bị lác (mắt yếu hơn) được cải thiện. Để làm được điều này, bạn có thể phải đeo kính hoặc đeo miếng che mắt ở mắt khỏe hơn và tập nhìn mọi vật bằng mắt yếu hơn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn bạn một số bài tập để giúp tập trung hướng nhìn của hai mắt vào một điểm.

Nếu các phương pháp trên không giúp cải thiện được tình hình, bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc phẫu thuật cơ mắt. Tuy nhiên, phẫu thuật này chỉ giúp hướng nhìn của mắt được cân bằng chứ không phục hồi được thị lực ở mắt yếu. Ngoài ra, phẫu thuật sẽ hiệu quả hơn nếu được thực hiện sớm.

Thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của lác mắt (lé mắt)?

Tuy không có cách nào phòng ngừa lác mắt nhưng những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
  • Đeo miếng che mắt hoặc đeo kính được bác sĩ chỉ định
  • Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị sốt hoặc đau và đỏ mắt sau khi phẫu thuật

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: What Is Strabismus?

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version