Site icon Medplus.vn

Bạn biết gì về bệnh trĩ chảy máu?

Bạn biết gì về bệnh trĩ chảy máu?

Trĩ chảy máu là tình trạng búi trĩ bị vỡ, gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Nguyên nhân phổ biến nhất là do táo bón.

Bệnh trĩ (còn được gọi là lòi dom) là hậu quả khi áp lực trong tĩnh mạch hậu môn tăng lên. Đối với một số người mắc trĩ, bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trĩ có thể khiến người bệnh bị ngứa, rát, đau đớn khó chịu và thậm chí là chảy máu.

Tổng quan về bệnh trĩ

Có hai loại bệnh trĩ:

  • Trĩ nội: Phát triển bên trong trực tràng, thường gây chảy máu nhưng không gây đau. Khi các búi trĩ to lên, chúng có thể lồi ra ngoài hậu môn, gọi là sa búi trĩ.
  • Trĩ ngoại: Phát triển xung quanh hậu môn, bên dưới da. Trĩ ngoại có thể gây ngứa, đau và đôi khi có kèm theo chảy máu.

Bệnh trĩ không phải là bệnh truyền nhiễm và thường không nguy hiểm hay đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, cả trĩ nội và ngoại đều có thể trở thành trĩ huyết khối – tình trạng hình thành cục máu đông bên trong búi tĩnh mạch. Bệnh trĩ huyết khối tuy không nguy hiểm nhưng có thể làm người bệnh đau đớn và bị viêm nặng.

Vì sao bệnh trĩ gây chảy máu?

Vận động mạnh hoặc va chạm mạnh (đối với trĩ ngoại) hay đi ngoài phân cứng và hành động rặn khi táo bón đều có thể tác động đến búi trĩ, khiến búi trĩ vỡ ra và gây chảy máu. Tình trạng này cũng xảy ra với cả bệnh trĩ nội. Trong một số trường hợp, búi trĩ hình thành huyết khối cũng có khả năng bị vỡ.

Triệu chứng của trĩ chảy máu

Trường hợp phổ biến và dễ nhận thấy nhất là tình trạng đi ngoài ra máu. Máu do búi trĩ bị vỡ thường có màu đỏ tươi. Nếu sẫm màu hơn, người bệnh có thể mắc bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, máu từ một búi trĩ huyết khối cũng có xu hướng tối màu và vón cục. Người bệnh thường rất đau đớn và cần được điều trị.

Các triệu chứng khác của trĩ chảy máu bao gồm:

  • Cảm giác có một khối phình ra xung quanh khi vệ sinh hậu môn
  • Cảm thấy còn phân bên trong hậu môn trong hoặc sau khi đại tiện
  • Khó làm sạch sau khi đại tiện
  • Ngứa quanh hậu môn
  • Cảm giác kích ứng, căng tức xung quanh hậu môn
  • Có dịch nhầy từ hậu môn.

Điều trị trĩ chảy máu

Chảy máu do trĩ thường là dấu hiệu búi trĩ bị kích thích hoặc tổn thương. Tình trạng này sẽ tự khỏi theo thời gian nhưng người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để đẩy nhanh quá trình và làm dịu cảm giác khó chịu.

Tuy nhiên, nếu không rõ nguyên nhân chảy máu hay nếu tình trạng không cải thiện trong vòng một tuần, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra. Cần lưu ý, nếu tự chẩn đoán bệnh trĩ thì có thể không chính xác, do nhiều tình trạng sức khỏe khác như ung thư đại trực tràng và bệnh viêm ruột (IBD) cũng có các triệu chứng tương tự. Điều này có thể làm người bệnh nhầm lẫn, chủ quan, gây nguy hiểm.

Điều trị y khoa

Nếu đã thử các biện pháp tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm, người bệnh trĩ chảy máu vẫn có thể được điều trị y khoa như phẫu thuật. Hiện nay có nhiều kỹ thuật phẫu thuật điều trị bệnh trĩ được thực hiện tại phòng khám và không cần phải gây mê toàn thân, chẳng hạn như:

  • Thắt gốc búi trĩ (đối với trĩ nội). Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng một dải cao su nhỏ thắt vào đáy búi trĩ. Thủ thuật này hạn chế lưu lượng máu làm cho búi trĩ teo nhỏ lại và tự rơi ra.
  • Tiêm xơ búi trĩ. Bác sĩ tiến hành tiêm dung dịch thuốc vào búi trĩ để làm xơ cứng chúng. Phương pháp này thường không đau và và có kết quả tương tự như thắt gốc bằng dây cao su.
  • Đốt trĩ bằng tia laser. Phương pháp này làm cho búi trĩ nội mất đi nguồn cung cấp máu, từ từ tiêu biến.
  • Liệu pháp điện cao tầng. Kỹ thuật này sử dụng dòng điện làm búi trĩ teo lại và rơi ra.

Nếu tình trạng trĩ chảy máu nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các biện pháp điều trị nâng cao hơn, chẳng hạn như can thiệp phẫu thuật rộng hơn. Đây cũng là phương pháp trong điều trị sa búi trĩ (tình trạng búi trĩ nội bắt đầu lòi ra khỏi hậu môn).

Tùy theo mức độ và loại bệnh trĩ, bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp phù hợp nhất cho người bệnh.

Ngoài các kỹ thuật trên, những phương pháp dưới đây cần gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ và người bệnh có thể cần ở lại qua đêm trong bệnh viện:

  • Cắt trĩ. Phẫu thuật loại bỏ trĩ này áp dụng cho trường hợp trĩ ngoại hoặc có mức độ bệnh phức tạp.
  • Cắt trĩ bằng kẹp ghim. Bác sĩ phẫu thuật dùng ghim phẫu thuật treo lại búi trĩ bị sa vào trực tràng của người bệnh, thay đổi lưu lượng máu đến búi trĩ, khiến chúng teo đi. Người bệnh được gây mê toàn thân. Phẫu thuật này thường được thực hiện trong khoảng 30 phút và cần vài ngày để hồi phục.
  • Thắt mạch búi trĩ. Đây là phương pháp khâu thắt mạch trĩ dưới sự hướng dẫn của siêu âm doppler có hoặc không có khâu treo niêm mạc trực tràng-hậu môn, đã và đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước châu Âu trong điều trị bệnh trĩ. Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi điểm như đơn giản, chắc chắn, ít gây tổn thương, ít đau sau phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn. Tuy nhiên, phương pháp có tỷ lệ tái phát cao. Để thực hiện thắt mạch, phẫu thuật viên sẽ đưa đầu dò siêu âm doppler vào qua đường hậu môn. Tín hiệu âm thanh từ đầu dò siêu âm cho phép định vị chính xác các tĩnh mạch búi trĩ.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Hemorrhoids and what to do about them

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version