Site icon Medplus.vn

Tất tần tật về bệnh vỡ mạch máu não

Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Vỡ mạch máu não là gì?

Vỡ mạch máu não là tình trạng mạch máu não bị vỡ hoặc đứt khiến máu lan rộng và đông lại, kích thích màng não và làm tổn thương các tế bào não. Bên cạnh đó, máu không thể lưu thông lên não được, khiến não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến đột quỵ và chết não.

Đứt vỡ mạch máu não có nguy hiểm không?

Tình trạng này vô cùng nguy hiểm bởi có thể khiến người bệnh tử vong chỉ trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, vỡ mạch máu não để lại những biến chứng nặng nề cho người bệnh như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thị lực, rối loạn vận động, thậm chí hôn mê thời gian dài hay trở thành người thực vật…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng vỡ mạch máu não

Những triệu chứng của bệnh vỡ mạch máu não thường xảy ra đột ngột, không báo trước và với mức độ nghiêm trọng, bao gồm:

  • Đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Co giật
  • Yếu các chi
  • Tê bì hoặc đau nhói nhiều vùng trên cơ thể
  • Cứng cổ
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Nhìn mờ ở một hoặc cả 2 bên mắt
  • Nhìn đôi
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Khó nói hoặc không hiểu lời người khác nói
  • Khó nuốt
  • Mất thăng bằng
  • Mất ý thức
  • Lú lẫn, hôn mê
  • Tim ngừng đập.

Nguyên nhân

Nguyên nhân vỡ mạch máu não là gì?

Nguyên nhân vỡ mạch máu não không do chấn thương xuất phát từ các túi phình động mạch (thành động mạch não bị mỏng, yếu đi và phình ra). Túi này có thể vỡ ra dưới tác động của một số yếu tố, chẳng hạn như:

  • Tăng huyết áp: Áp lực dòng máu cao tác động lên túi phình động mạch và khiến chúng vỡ ra.
  • Túi phình mạch não sưng quá lớn và không còn khả năng đàn hồi, có thể khiến mạch máu bị đứt và vỡ ra. Hầu hết phình mạch máu não xảy ra ở người trẻ tuổi và rất ít triệu chứng. Nếu không cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao.
  • Dị dạng bẩm sinh ở mạch não thường gặp ở trẻ em, hoặc bất thường ở một hay nhiều chỗ nối giữa các tĩnh mạch và động mạch não.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác có thể gây vỡ mạch máu não bao gồm: hút thuốc lá, lạm dụng ma túy hoặc rượu, di truyền, xơ vữa động mạch và thói quen sinh hoạt và ăn uống kém lành mạnh.

Điều trị

Những phương pháp điều trị vỡ mạch máu não

Vỡ mạch máu não có cứu được không còn tùy thuộc vào việc phát hiện và cứu chữa sớm hay muộn. Vỡ mạch máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên, nếu nhận biết kịp thời các triệu chứng và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngay lập tức sẽ hạn chế tổn thương cho các tế bào não, tăng khả năng phục hồi sau điều trị.

Điều trị nhằm mục đích cứu sống, giảm thiểu triệu chứng, sửa chữa mạch máu bị đứt vỡ và đang chảy máu, đồng thời ngăn ngừa biến chứng. Trong 10 đến 14 ngày, sau khi mạch máu não bị vỡ, bệnh nhân sẽ nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, nơi các bác sĩ và y tá có thể theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và tiến hành điều trị.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Có 2 phương pháp điều trị vỡ mạch máu não phổ biến hiện nay là điều trị bằng thuốc và phẫu thuật.

Thuốc men

Một số loại thuốc có thể được kê đơn cho bệnh nhân bị vỡ mạch máu não bao gồm: thuốc giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng đau đầu, thuốc cầm máu, thuốc trị động kinh để kiểm soát cơn co giật, thuốc kiểm soát huyết áp để giảm chảy máu thêm trong não và kiểm soát áp lực nội sọ.

Phẫu thuật

Tùy vào vị trí và kích thước mà mạch máu não bị vỡ, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe và khả năng phục hồi của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án phẫu thuật phù hợp.

Tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ có thể cần phải chỉ định phẫu thuật gấp trong vòng 24-72 giờ đầu sau khi mạch máu não bị vỡ.

Các loại phẫu thuật giúp điều trị đứt mạch máu não bao gồm:

  • Phẫu thuật mở hộp sọ: Bác sĩ sẽ cắt xương sọ để mở một lỗ nhỏ trên hộp sọ, để xác định vị trí của túi phình mạch máu não bị vỡ. Bác sĩ sẽ dùng kẹp titan nhỏ gắn vào cổ của túi phình nhằm để máu lưu thông theo lòng mạch mà không chảy vào túi phình nữa. Kẹp này sẽ cố định trong não bệnh nhân đến suốt đời.
  • Cuộn nội mạch: Một ống thông được đưa vào động mạch ở bẹn và sau đó đi qua các mạch máu trong não, tới túi phình bị vỡ. Thông qua ống thông, bác sĩ sẽ đưa các cuộn dây hoặc keo bạch kim vào lấp đầy túi phình, nhằm ngăn máu chảy.
  • Bắc cầu động mạch não: Nếu túi phình quá lớn và không thể tiếp cận được, hoặc động mạch bị tổn thương quá nhiều, bác sĩ sẽ cân nhắc làm phẫu thuật bắc cầu. Đầu tiên, bệnh nhân cần được mở hộp sọ, dùng kẹp làm tắc động mạch và túi phình. Sau đó, bác sĩ sử dụng một đoạn mạch nhỏ (thường lấy từ chân bệnh nhân) để nối tắt qua đoạn động mạch đã vỡ, tạo đường đi mới cho máu. Mạch máu thay thế này cũng có thể được tách từ động mạch thái dương.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được dẫn lưu dịch tích tụ bên trong não để giảm áp lực nội sọ.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng vỡ mạch máu não. Tóm lại, khả năng phục hồi của bệnh nhân đứt vỡ mạch máu não còn tùy thuộc vào mức độ vùng não bị thương tổn và việc kịp thời điều trị càng sớm càng tốt.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Cerebral Aneurysms Fact Sheet

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version