Site icon Medplus.vn

Thổ nhân sâm – Vừa là canh rau sâm ngon vừa là Vị thuốc bổ từ vườn nhà

Thổ nhân sâm vốn là cây mọc hoang, nay được nhiều gia đình trồng làm cảnh hoặc lấy rau nấu canh. Bên cạnh được biết đến là một loại rau dùng nấu canh giải nhiệt, đây còn là một loại dược liệu với những bài thuốc Nam hay mà ít người biết đến. Ngay đây, Medplus sẽ thông tin đến bạn một cách chi tiết nhất.

Thổ nhân sâm

Cây Thổ Nhân Sâm

Tên tiếng Việt: Thổ cao ly sâm, Thổ nhân sâm, Đông dương sâm, Cứa ly sinh (Thái), Mằm sâm đăm (Tày)

Tên khoa học: Talinum paniculatum (Jacq.) Gaertn. – Talinum patens (Jacq.) Willd.

Họ: Portulacaceae

Công dụng: Bổ, chữa cơ thể suy nhược ốm yếu ho, đau dạ dày (Rễ sắc uống).

Mô tả cây Thổ nhân sâm

Thổ nhân sâm vốn là cây mọc hoang, nay được nhiều gia đình trồng làm cảnh hoặc lấy rau nấu canh. Cây sống dai, thân nạc mềm, màu xanh, mọc thẳng, có thể cao tới 0,6 m, phía dưới phân thành nhiều cành. Lá mọc so le hoặc đối nhau, hình trứng hoặc thìa, phiến dày, 2 mặt đều bóng, cuống ngắn. Vào mùa hè, ở đầu cành xuất hiện cụm hoa màu hồng nhạt. Quả nhỏ, khi chín có màu xám tro, đường kính 3 mm; hạt rất nhỏ, đen nhánh, hơi dẹt; củ gần giống nhân sâm.

Thổ nhân sâm rất dễ trồng (bằng hạt, mẫu rễ hoặc cành). Cây mọc rất khỏe, lá hái quanh năm, nấu canh ăn rất bổ. Sau 1 năm có thể lấy rễ (để lâu năm càng tốt); cắt bỏ rễ con, phơi khô, cất đi dùng dần.

Bộ phận dùng

Rễ, thu hái vào mùa thu, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, thái mỏng, tẩm nước gừng hoặc nước đường, để chín. Còn dùng lá.

Thành phần hóa học

Rễ cây sâm đất chứa 1 – hexacosanol, 1 – octacosanol,1 – triacontanol, campestrol, stigmasterol, β- sitosterol, β – sitosteryl – β – D – glucosid (Komatsu Manki và cs, 1982)

Tính vị, công năng

Có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế, sinh tân, kiện tỳ và điều kinh.

Công dụng

Trong y học cổ truyền, được dùng làm thuốc bổ, chữa cơ thể hư nhược, ra mồ hôi váng đầu, ù tai, hoa mắt, trẻ em tỳ hư tiết tả, phụ nữ đới hạ. Còn dùng chữa bệnh phổi, ho, sốt nóng.

Liều dùng: 20 – 30 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc. Có khi người ta dùng rễ hoặc lá thổ nhân sâm nấu với thịt để ăn. Ở Indonesia, thổ nhân sâm được dùng làm thuốc kích thích sinh dục (aphrodisiac).

Bài thuốc có thổ nhân sâm

Cây Sâm Đất

1/ Chữa bệnh phổi, ho, sốt nóng, mồ hôi trộm:

Rễ thổ nhân sâm 9 -15g, đường kính 60g. sắc nước uống, hoặc nghiền thành bột luyện với mật ong chế thành hoàn uống.

2/ Chữa trẻ em tỳ hư, tiêu chảy:

Thổ nhân sâm 150g, gạo tẻ 60g. Hai vị sao vàng nghiền thành bột luyện với mật ong chế thành hoàn. Uống mỗi lần 6g, ngày 2 lần.

3/ Chữa bệnh đái nhiều:

Thổ nhân sâm 60g, rễ kim anh 60g, sắc nước, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

4/ Dùng như Thuốc bổ:

Sâm cao ly 20g, rễ vú bò 20g, rễ hà thủ ô 20g, rễ bạch truật nam 20g, rễ gai 20g, hoài sơn 16g, rễ sài hồ nam 12g, cam thảo dây 8g, trần bì 8g, gừng 3 lát. Rễ vú bò thái nhỏ sao với nưóc đường. Rễ hà thủ ô (loại đỏ hoặc trắng) ngâm nước vo gạo một ngày một đêm, rửa sạch, tẩm nước đậu đen (100g đậu đen nấu với 5 lít nước còn 2 lít), đem nấu đến khi rễ mềm là được, rồi phơi khô, thái nhỏ, sao qua.

Tất cả sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Một đợt điều trị kéo dài 5 – 7 ngày.

Xin lưu ý:

Đừng quên ghé thăm Medplus hàng ngày để cập nhật những tin tức mới nhất về sức khỏe bạn nhé!

Nguồn tham khảo:

Tra cứu dược liệu Việt Nam

Exit mobile version