Site icon Medplus.vn

Thông tin bệnh hắc lào ở trẻ em

Thông tin bệnh hắc lào ở trẻ em

Thông tin bệnh hắc lào ở trẻ em

Bệnh hắc lào là một loại nấm da, một bệnh lý thường gặp ở những vùng khí hậu nóng, ẩm. Bệnh này có thể xuất hiện ở mọi nhóm tuổi, kể cả trẻ em và gây nhiều khó chịu cho các bé. Vậy nên, ba mẹ cần nắm rõ những thông tin về bệnh hắc lào ở trẻ em để giúp con yêu bảo vệ làn da mỏng manh.

Thông tin bệnh hắc lào ở trẻ em
Thông tin bệnh hắc lào ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh hắc lào ở trẻ em

Bệnh hắc lào có thể do bất kỳ loại nấm nào thuộc nhóm dermatophytes (nấm sợi tơ) gây ra. Các loại nấm thường gây ra nhiễm trùng là từ các chi Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton. Những loại nấm này được tìm thấy hầu như ở khắp mọi nơi trong môi trường.

Trẻ bị hắc lào khi các vi nấm sợi tơ sống trên da và gặp điều kiện thích hợp để lan rộng và gây bệnh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:

  • Sống trong môi trường nóng ẩm: Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Trong điều kiện này, trẻ có thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, điều này có thể khiến nấm lan rộng, đặc biệt là ở bẹn và nách.
  • Chơi dưới đất: Đất có thể chứa các bào tử nấm nên trẻ chơi dưới đất nhiều dễ bị bệnh.
  • Tiếp xúc với động vật: Bệnh có thể lây lan từ vật nuôi như chó mèo sang trẻ khi bé tiếp xúc với thú cưng.
  • Vệ sinh kém: Việc không rửa tay sau khi chơi và chạm hoặc gãi lên da khi tay còn bẩn có thể truyền nấm từ tay sang da.
  • Tiếp xúc với trẻ khác ở nơi công cộng: Nấm có thể lây lan khi bé tiếp xúc với những trẻ khác ở trường hay hồ bơi.
  • Chơi các môn thể thao tiếp xúc: Trẻ em chơi đấu vật hoặc bất kỳ môn thể thao nào khác phải tiếp xúc da nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh hắc lào cao hơn.
  • Có hệ miễn dịch yếu và có vấn đề về sức khỏe: Trẻ em có hệ miễn dịch kém rất dễ bị nhiễm nấm bao gồm cả bệnh nấm da. Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng nhiễm trùng da, bao gồm cả nhiễm nấm.
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân: Bệnh nấm da đầu có thể lây khi dùng chung lược. Bệnh nấm da tay có thể lây khi dùng chung găng tay.
  • Trang phục không phù hợp: Việc đi tất chật quá lâu có thể khiến chân bé ra nhiều mồ hôi và dễ bị nhiễm nấm. Trẻ mặc quần áo ẩm ướt trong thời gian dài cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào.

Các triệu chứng bệnh hắc lào ở trẻ em

Bệnh hắc lào được phân loại dựa vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Các triệu chứng của bệnh là khác nhau tùy thuộc vào phần cơ thể bị ảnh hưởng.

1. Nấm da đầu

Đây là loại bệnh hắc lào ở trẻ em phổ biến nhất. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm:

  • Ban đầu, da đầu xuất hiện những vết ban nhỏ, màu đỏ, có vảy và bắt đầu ngứa.
  • Sau đó, vết phát ban sẽ tăng kích thước và sần lên theo hình vòng tròn và cơn ngứa cũng dữ dội hơn.
  • Tóc tại chỗ bị hắc lào sẽ rụng. Nếu có nhiều vùng bị hắc lào trên đầu, đầu sẽ có nhiều vùng hói hình tròn.
  • Trẻ cũng có thể bị nứt da đầu và đôi khi các vết nứt có thể bị nhiễm trùng. Đôi khi, da đầu xuất hiện những mảng u hạt có mủ do nếu bị viêm nặng.

2. Nấm da chân và tay

Hắc lào ở da chân và tay có những triệu chứng như sau:

  • Thông thường, nấm sẽ ảnh hưởng tới các kẽ ngón chân giữa ngón chân thứ ba và ngón thứ tư cũng như ngón thứ tư và thứ năm.
  • Các triệu chứng đầu tiên là da bé xuất hiện một mảng màu trắng đỏ, ẩm và ngứa. Mảng này thường ở giữa các ngón chân hay ngón tay.
  • Bàn chân hay bàn tay của bé xuất hiện vảy.
  • Các vảy và mảng đỏ trở nên ngứa.
  • Bạn có thể thấy mụn nước gây ngứa ở lòng bàn chân nếu bé bị nấm da chân. Đôi khi, chứng nhiễm trùng có thể bắt đầu từ lòng bàn chân chứ không phải giữa các ngón chân.

Chứng nấm da chân thường gặp ở các trẻ độ tuổi thiếu niên hơn ở trẻ em trước tuổi dậy thì.

3. Nấm da toàn thân và mặt

Đối với da toàn thân và da mặt, bệnh hắc lào ở trẻ em thường có những dấu hiệu sau:

  • Vùng bị hắc lào thường có dạng vòng tròn với vùng da ở trung tâm lành lặn. Trong trường hợp trẻ bị hắc lào ở mặt, nấm có thể xuất hiện xung quanh mắt, mí mắt và dưới tai.
  • Đường kính của vết hắc lào có thể to ra khi nấm lan rộng. Tuy nhiên, vùng da ở trung tâm của vết này thường không bị ảnh hưởng.
  • Vết nấm sẽ ngứa và bạn cũng có thể thấy da bị bong tróc thành các mảng trắng ở rìa vòng hắc lào.

4. Nấm bẹn

Tình trạng nấm bẹn thường có một số dấu hiệu như sau:

  • Hai bên bộ phận sinh dục có các mảng da nhỏ bị ửng đỏ và những mảng này dần nặng hơn. Các vết tổn thương chủ yếu tập trung quanh các nếp da ở bẹn.
  • Mảng da bị đỏ sẽ lan rộng và gây ngứa. Những mảng này có viền đỏ, hiện rõ và có vảy.

Hắc lào thường không xuất hiện trên bộ phận sinh dục. Trong một số tình huống hiếm gặp, nấm xuất hiện trên da bìu ở các bé trai.

Nấm bẹn phổ biến nhất ở các bé trai tuổi vị thành niên. Bệnh này cũng phổ biến hơn ở những người béo phì, những người đổ mồ hôi quá nhiều và mặc quần áo bó sát.

5. Nấm móng tay

Bệnh nấm móng tay có biểu hiện khác với các loại nấm da khác.

  • Móng tay dày lên và có những mảng màu vàng. Móng có thể trở nên giòn và bong tróc.
  • Các mảng lan rộng ra phần thịt dưới móng. Các mảng màu vàng dần trở thành màu xám nhạt.

Nấm móng tay ít phổ biến hơn ở trẻ em trước tuổi dậy thì và chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên. Chứng này thường xuất hiện cùng chứng nấm da tay hay da chân.

Cách chẩn đoán bệnh hắc lào ở trẻ em

Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán bệnh hắc lào ở trẻ như sau:

  • Kiểm tra bằng mắt thường: Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh hắc lào bằng cách nhìn vào hình dạng và vị trí của vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bé gặp các trường hợp viêm da bé từng gặp. Bạn cũng có thể cho bác sĩ biết con có chơi với thú cưng hay tham gia các môn thể thao có tiếp xúc da không.
  • Kiểm tra mẫu da: Các triệu chứng của bệnh hắc lào thường trùng với các bệnh về da khác như chàm và nhiễm nấm Candida. Do đó, bác sĩ có thể lấy một lượng nhỏ da từ vết thương để xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Việc lấy mẫu da sẽ không đau.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version