Chế độ thai sản là quyền lợi bảo vệ Pháp luật dành cho mẹ bầu, bé và cha. Chế độ thai sản quy định thời gian nghỉ để khám thai, sinh con và mức phụ cấp trong thời gian nghỉ thai sản.
Vậy hồ sơ thai sản bao gồm những gì? Quy trình làm thủ tục hưởng chế độ thai sản như thế nào? Đừng bỏ lở bài viết bên dưới đây của Medplus bạn nhé.
1. Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản;
- Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm thai sản, bạn cần lưu ý về thời gian tham gia. Cụ thể thời gian để được hưởng chế độ này của một số đối tượng như sau:
- Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quyết định 166/QĐ-BHXH, người lao động làm hồ sơ hưởng thai sản bao gồm các giấy tờ sau:
2.1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con
- Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết;
- Bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về tình trạng người mẹ sau sinh không đủ sức khỏe để chăm con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
2.2. Hồ sơ hưởng chế độ đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thực hiện biện pháp tránh thai
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú;
- Giấy ra viện nếu điều trị nội trú.
2.3. Hồ sơ hưởng chế độ đối với người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi
- Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
2.4. Hồ sơ hưởng chế độ đối với lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con
- Bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con;
- Giấy xác nhận của cơ sở y tế trong trường hợp sinh con phải mổ, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
2.5. Hồ sơ lao động nam hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con
- Trường hợp thông thường: Bản sao giấy chứng sinh, giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
- Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh: Trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản sao giấy ra viện của người mẹ thể hiện con chết.
3. Thủ tục hưởng chế độ thai sản 2021
Để người lao động được hưởng chế độ thai sản, các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện theo trình tự dưới đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người lao động/ thân nhân người lao động và đơn vị sử dụng lao động có thể lựa chọn nộp hồ sơ và nhận kết quả bằng một trong các hình thức:
- Qua giao dịch điện tử (kèm hồ sơ giấy hoặc không kèm hồ sơ giấy).
- Qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Trực tiếp tại cơ quan BHXH.
a. Phía người lao động
- Đối với người đang đóng BHXH:
- Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
- Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:
- Nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện nơi cư trú.
b. Về phía đơn vị sử dụng lao động
Tập hợp và lập hồ sơ
- Tiếp nhận hồ sơ từ người lao động;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phải lập Danh sách 01B-HSB và nộp cho cơ quan BHXH nơi đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH.
Trường hợp giao dịch điện tử thì lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN, nếu chưa chuyển hồ sơ giấy sang dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội nhận hồ sơ
Tiếp nhận hồ sơ của người lao động, đơn vị sử dụng lao động để xét duyệt và thực hiện chi trả trợ cấp.
Bước 3: Nhận kết quả và tiền trợ cấp
a. Về phía người lao động
Người lao động, thân nhân người lao động có thể nhận trợ cấp bằng một trong các hình thức:
- Qua tài khoản ATM của người lao động.
- Qua đơn vị sử dụng lao động.
- Trực tiếp tại cơ quan BHXH trong trường hợp chưa nhận tại đơn vị sử dụng lao động mà đơn vị đã chuyển lại cho cơ quan BHXH và trong trường hợp thôi việc trước khi sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi mà không có tài khoản ATM.
Nếu người lao động không trực tiếp đến nhận trợ cấp bằng tiền mặt thì lập giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền.
b. Về phía người sử dụng lao động
Nhận kết quả giải quyết (Danh sách C70a-HD) và tiền trợ cấp qua tài khoản của đơn vị sử dụng lao động để chi trả cho người lao động đăng ký nhận tiền mặt.
4. Kết luận
Medplus vừa tổng hợp thông tin hồ sơ chế độ thai sản gồm những gì cũng như thủ tục xin hưởng quyền lợi thai sản rồi. Có thể thấy, các loại giấy tờ cũng như thủ tục khá đơn giản và rõ ràng. Chính vì vậy, người lao động cũng như đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn dễ dàng để có thể thực hiện.
Ngoài ra, mẹ có thể tham gia thêm các chương trình bảo hiểm thai sản cho bà bầu từ các Công ty bảo hiểm. Bảo hiểm sức khỏe này mang đến quyền lợi cho trường hợp sinh thường, sinh mổ hoặc không may gặp biến chứng thai sản, trong đó bao gồm các chi phí tiền phòng, chi phí sinh, kiểm tra thai kỳ, chi phí chăm sóc em bé, chi phí cấp cứu và điều trị.
Xem ngay các gói bảo hiểm thai sản được đánh giá cao: