Site icon Medplus.vn

Thục Quỳ [ Mãn Đình Hồng ] – Từ loài cây Cảnh tới vị Thảo Dược Vàng

Thục Quỳ

Thục Quỳ

Cây thục quỳ là nguồn gốc từ nước ngoài dùng làm cảnh vào dịp Tết nguyên đán ở nước ta và ít ai biết rằng nó là cây thuốc quý dùng chữa nhiều bệnh trong Y học Cổ truyền. Hãy cùng Medplus tìm hiểu thêm về loại Thảo Dược này nhé !

Thông Tin Cơ Bản – Thục Quỳ

Tên tiếng Việt: Thục quỳ
Tên khoa học: Althaea rosea (L.) Cav. – Alcea rosea L.
Họ: Malvaceae

1. Đặc điểm của Cây

Cây thảo, sống hai năm, cao 2 – 3m. Thân mập, mọc thẳng đứng, có lông nhiều hav ít. Lá mọc so le, hình tim, đường kính 7,5 – 12,5cm, chia 5 – 7 thùy, đầu tù hơi nhọn, mép có răng cưa; cuống lá dài.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm; lá bắc rộng, thường xẻ đôi; hoa to, đường kính 6 – 7cm, có khi 10cm, màu tía, hồng hoặc trắng, có cuống ngắn; đài 5 răng nhọn, mọc cong xuống, dài phụ nhỏ hơn; tràng 5 cánh rộng, mọc xoè ra, đầu cánh bằng hoặc khuyết; nhị nhiều đính trên một cột ngắn, bao phấn màu vàng nhạt; bầu nhiều ô, mỗi ô chứa một noãn.

2. Phân bố

Hoa mãn đình hồng có nguồn gốc từ Trung Quốc và Trung Âu. Ở nước ta, cây thường được trồng nhiều vào dịp Tết Nguyên Đán ở các tỉnh thành như Đà Lạt, Hà Giang, Lào Cai, Tam Đảo, Tuyên Quang hoặc Hà Nội,…

3. Thu hái

Hoa mãn đình hồng trong trường hợp dùng làm thuốc thường được thu hái vào cuối vụ khi hoa nở rộ và to. Lá cây có thể thu hái quanh năm nhưng thường thu hoạch nhiều vào mùa xuân. Rễ cây được thu hoạch vào mùa thu đông. Còn đối với hạt thì thường được hái vào mùa hè.

4. Chế biến

Hoa của cây thục quỳ sau khi thu hái về sẽ được phơi khô trong bóng râm. Lá sau khi hái về có thể dùng tươi hoặc rửa sạch và phơi khô. Hạt sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Còn riêng rễ, sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch và phơi khô.

5. Bảo quản

Tất cả dược liệu sẽ được đóng riêng từng túi hoặc cho vào từng lọ thủy tinh khác nhau. Sau đó đóng kín và bảo quản ở nơi tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Đặc biệt, không nên để dược liệu ở nơi ẩm ướt nhằm tránh hơi nước làm ẩm gây mốc.

Công Dụng và Liều Dùng

1. Thành phần hóa học

  • Hoa : chất nhày loại galacturonorhamnan có những nhóm acetyl; các anthocyan (althaein): delphinidin và malvidin, mono glucosid…; các flavonoid như quercetin, kaempferol, các phytoestrogens; đường khử như rhamnose, galactose; tanin, asparagin…
  • Hạt: Theo The Wealth of India I, 1948, hạt cây thục quỳ chứa khoảng 11.9% chất dầu thô
  • Rễ: Trung dược từ hải III, 1997 cho biết, rễ cây thục quỳ có chứa các hoạt chất như 10,59% Methylpentosan, 20,04% Acid Uronic, 6,86% Pentosan và 7,78% Đường

2. Công dụng

Theo đông y:

Hoa Mãn đình hồng có vị ngọt/mặn; tính hàn, có các tác dụng lợi tiểu, nhuận táo, hoạt huyết, điều kinh; tán ung, giải độc. Thường dùng khoảng 12 g hoa, sắc lấy nước uống để trị đại, tiểu tiện không thông, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Hạt có vị ngọt, tính hàn; có tác dụng lợi tiểu, thông lâm, thông đại tiện; hạ nhiệt.  Rễ: vị ngọt, tính hàn; tác dụng thanh nhiệt, giải độc; thu liễm, chỉ lỵ.

Tại Ấn Độ:

Rễ được dùng trị kiết lỵ, làm dịu. Hoa lợi tiểu, trị phong thấp. Hạt: trị nóng sốt, lợi tiểu, làm dịu. Còn có cây Thục quỳ vàng còn gọi Bụp mì (Abelmoschus manihot) cũng thuộc họ Malvaceae, lá ăn thay rau, hoa màu vàng, dùng trị bệnh tương tự như Mãn đình hồng. Thân, lá, hoa chứa chất nhầy abelmoschus mucilage chứa khoảng 17% protein và 82% polysaccharid. Dùng trị viêm phế quản mạn tính, ho dai dẳng.

Theo nghiên cứu hiện đại Tại Châu Âu

Đặc biệt nghiên cứu tại Christian-Albrechts-Universitat Kiel – Đức cho biết, thành phần hoạt chất Polysaccharid và nhiều chất khác được tìm thấy nhiều trong lá và hoa của cây thục quỳ có những tác dụng chính sau:

  • Giúp kháng estrogen: Hoạt chất Anthocyanid và chất chống oxy hóa Flavonoid chứa trong lá thục quỳ có tác dụng phản ứng đối kháng với estrogen. Do đó, giúp tạo ra những biến đổi rối loạn trong chức nawnbg truyền giống ở động vật giống đực. Các thành phần dịch chiết chứa trong lá và hoa của dược liệu này có thể ức chế hoạt động của men Aromatase, đồng thời giúp cản trở thụ thể estrogen. Vì thế, chúng làm ảnh hưởng đến các kháng thể estrogen.
  • Chống ho: Dịch chiết từ rễ cây thục quỳ có thể làm giảm sự vận chuyển của các tế bào biểu bì đơn ở thực quản của ếch. Do đó, chúng giúp bảo vệ lớp màng nhầy ở khí quản và thực quản. Từ đó giúp tiêu diệt vi khuẩn, chống bài tiết và co giật, giúp giảm ho.
  • Tác dụng giảm đau: Một số nghiên cứu cho thấy, hoạt chất chiết từ hoa thục quỳ có tác dụng làm giản phản ứng đau ở chuột nhắc.
  • Chống viêm: Dùng cao cồn hoa thục quỳ với dược tính liều lượng khô là 10 g/kg tiêm vào chuột thí nghiệm bị gây phù bàn chân bởi Dextran hoặc Caragenin. Kết quả cho thấy, dược liệu này có tác dụng làm giảm sưng phù và giúp giảm viêm
  • Ức chế và tiêu diệt vi rút: Sử dụng nước sắc lá non của cây thục quỳ sẽ giúp ức chế sự phát triển của vi rút gây bệnh thủy đậu và mụn rộp

3. Liều dùng, cách dùng

Hoa mãn đình hồng thường được ở dạng khô hoặc tươi, dưới hình thức thuốc sắc hoặc nghiền thành bột mịn. Liều dùng cụ thể:

  • Cành non: 12 – 36 gram khô, còn tươi liều lượng tăng gấp đôi 24 – 72 gram
  • Hoa: 6 – 9 gram
  • Hạt: 3 – 6 gram
  • Rễ: 12 gram

 Bài thuốc có thục quỳ

1. Chữa thủy đậu, giời leo, mụn rộp

Cành lá thục quỳ 12g khô (tươi là 30g), cây tươi diếp cá 50g, sắc uống hàng ngày thay trà. Kết hợp lấy lá thục quỳ và lá diếp cá tươi, lượng bằng nhau rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, thoa khắp các vùng bi thương tổn. Ngày 4-6 lần.

2. Chữa ho, viêm họng, câm cúm, sởi

Hoa và lá thục quỳ, diếp cá, kim ngân hoa, mỗi vị 12g (hoặc 30g tươi), thêm 3 lát gừng, sắc uống hàng ngày. Dùng 3-5 ngày.

3. Chữa nội ung (u ruột), chảy máu, bụng lạnh đau đi ngoài ra máu

Rễ thục quỳ, bạch chỉ, mỗi vị 30g; bạch khô phàn (phèn phi), bạch thược, mỗi vị 15g. Sấy khô, tán mịn trộn đều làm viên đường kính 1cm. Uống lúc đói, mỗi lần 20 viên với nước cơm ngày 3 lần cho đến khi không đi ra máu nữa.

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cây Thục Quỳ cũng như một số tác dụng hay về loại dược liệu này!

Lưu ý

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

 

Exit mobile version