Cùng Medplus tìm hiểu thêm nhiều thông tin về thuyên tắc phổi qua bài viết dưới đây bạn đọc nhé!
1. Thuyên tắc phổi là gì?
Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi thường do huyết khối từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới.
Huyết khối đã bị vỡ và trôi nổi tự do trong mạch máu có thể di chuyển đến một vùng khác của cơ thể và gây tắc nghẽn mạch máu tại đó. Có thể có một hoặc nhiều huyết khối.
Bình thường tất cả tĩnh mạch trong cơ thể dẫn máu đi vào tĩnh mạch lớn hơn, rồi dẫn máu đến tim phải và tiếp tục vào động mạch phổi. Nếu có huyết khối trong hệ tĩnh mạch, huyết khối này sẽ di chuyển từ các tĩnh mạch sang tim phải rồi lại từ tim phải đi vào động mạch phổi chính và có thể bị mắc kẹt ở đó hoặc tiếp tục di chuyển vào một trong hai phổi.
Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi sẽ chặn lưu lượng máu đến phổi để nhận lấy oxy. Nếu không có đủ máu để nhận được oxy và di chuyển sang tim trái, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm và có thể gây ra tổn thương cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, kể cả não, thận và tim.
Ngoài ra, do tắc nghẽn tại phổi làm tăng áp suất lên tim phải. Tim phải có thể bị phình to và co bóp nặng nề hơn, thậm chí chèn ép làm ảnh hưởng đến tim trái. Nếu tim trái không thể bơm đủ máu, huyết áp cũng giảm xuống. Tất cả những tác động này có thể dẫn đến tử vong đột ngột hoặc sau khi thuyên tắc phổi đã xảy ra một thời gian ngắn mà không được chữa trị.
Thuyên tắc phổi là bệnh thường gặp và gây tử vong với tỉ lệ tử vong khoảng 30% nếu không được điều trị. Tuy nhiên tử suất có thể giảm đáng kể nhờ chẩn đoán và điều trị sớm.
2. Nguyên nhân thuyên tắc phổi là gì?
Có những người có nguy cơ cao bị cục máu đông do:
- Tình trạng di truyền như rối loạn đông máu. Trong một số trường hợp, tiền sử gia đình của cục máu đông sẽ là đầu mối để phát hiện một trục trặc di truyền như Factor V Leiden
- Các bất thường mạch máu như giãn tĩnh mạch
- Một số bệnh như ung thư hoặc bệnh tim
- Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh
- Hút thuốc
- Béo phì
- Đi xe hơi hoặc máy bay đường dài mà không dừng và đi lại xung quanh (> 4-6 giờ cùng một lúc)
- Nằm tại giường lâu dài sau khi phẫu thuật hoặc chấn thương nặng
- Viên thuốc tránh thai hoặc thuốc hormon
- Cao tuổi (70 tuổi trở lên)
- Người có tiền sử cục máu đông
- Không dùng thuốc làm loãng máu đã kê toa.
Càng nhiều yếu tố nguy cơ, càng nhiều khả năng có cục máu đông. Điều quan trọng là phải nhận biết người có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu, do có thể có cách để ngăn chặn chúng.
3. Triệu chứng thuyên tắc phổi là gì?
Các triệu chứng thường gặp của thuyên tắc phổi là:
- Đau ngực
- Ho ra máu
- Khó thở( thường là khởi phát đột ngột)
- Choáng váng
- Nhịp Tim Nhanh
- Mất ý thức
Còn nhiều triệu chứng khác tùy thuộc vào tình trạng cơ thể bệnh nhân mà biểu hiện ra, vì vậy để biết rõ chính xác bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác
4. Điều trị thuyên tắc phổi
Điều trị hồi sức cấp cứu:
Hồi sức hô hấp:
- Thở oxy qua mũi hoặc mặt nạ: để đảm bảo SpO2 > 90%.
- Thông khí nhân tạo: chỉ định đặt nội khí quản, thở máy cho bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp có sốc, suy hô hấp.
Hồi sức huyết động:
- Truyền dịch: khuyến cáo đặt đường truyền ngoại vi và truyền không quá 500ml dung dịch nước muối đẳng trương cho bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp.
- Thuốc vận mạch: được chỉ định với bệnh nhân tụt huyết áp. Có thể sử dụng Dobutamine, phối hợp với Noradrenaline.
Điều trị tái tưới máu:
Điều trị thuốc tiêu sợi huyết:
Chỉ định:
- Bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp có sốc, tụt huyết áp
- Cân nhắc điều trị cho bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp nguy cơ tử vong sớm ở mức trung bình cao và có rối loạn huyết động
- Phải hồi sinh tim phổi, mà nghi ngờ nguyên nhân ngừng tim là do thuyên tắc phổi
- Có bằng chứng của huyết khối lan rộng trên phim chụp cắt lớp vi tính hoặc có vùng giảm tưới máu lan rộng trên xạ hình thông khí tưới máu phổi
- Có huyết khối di động trong buồng tim phải
- Có tình trạng giảm oxy máu nặng
- Thuyên tắc phổi kèm theo dị tật tim tồn tại lỗ bầu dục
Liều dùng: thuốc tiêu sợi huyết được khuyến cáo hiện nay là rtPA, truyền tĩnh mạch liên tục trong vòng 15 phút với liều 0,6 mg/kg.
Thời gian: thuốc tiêu sợi huyết có hiệu quả cao nhất khi được điều trị trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có thể cân nhắc chỉ định ở bệnh nhân bị thuyên tắc phổi từ 6 – 14 ngày.
Phẫu thuật lấy huyết khối, hoặc can thiệp lấy huyết khối bằng ống thông:
- Cần được thực hiện ở trung tâm ngoại khoa có đầy đủ trang thiết bị và kinh nghiệm. Phẫu thuật cần kết hợp với siêu âm tim qua thực quản để đánh giá đầy đủ tình trạng huyết khối ngoài phổi.
Chỉ định:
- Có bằng chứng huyết khối ở lỗ bầu dục, nhĩ phải hay thất phải
- Huyết khối đang di chuyển
- Thuyên tắc phổi nghịch thường
- Điều trị thuốc chống đông
Dùng lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới:
Chỉ định:
- Bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp nhưng có chống chỉ định điều trị thuốc chống đông
- Bệnh nhân thuyên tắc phổi và/hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới tái phát mặc dù đã điều trị thuốc chống đông tối ưu
- Bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng có nguy cơ tử vong nếu bị thuyên tắc phổi
Tìm hiểu từ nguồn : Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin về Bệnh thuyên tắc phổi , hy vọng bài viết sẽ hỗ trợ cho bạn được nhiều trong đời sống và hạnh phúc gia đình
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp đến bạn đọc một số thông tin liên quan đến sức khỏe: