Site icon Medplus.vn

Tổng hợp những cách điều trị hạ đường huyết hiện nay

Tổng hợp những cách điều trị hạ đường huyết hiện nay

Hạ đường huyết là một biến chứng phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh có thể bị hôn mê hoặc gặp nhiều tổn thương khác nếu không được điều trị hạ đường huyết kịp thời.

Vậy hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường là gì và nhận biết như thế nào? Có những cách điều trị hạ đường huyết nào hiện nay? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để được giải đáp những thắc mắc trên nhé!

Tổng quan về tình trạng hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng insulin hoặc thuốc uống nhóm sulfonylureas. Nguyên nhân dẫn đến tụt đường huyết thường do người bệnh sử dụng thuốc quá liều hoặc tiêm insulin không đúng cách khiến thuốc hấp thu quá nhanh, ăn quá ít, ăn muộn hoặc hay bỏ bữa, uống rượu bia, vận động cường độ mạnh hoặc tập thể dục quá mức,…

Ngoài ra, người bình thường cũng có thể bị hạ đường huyết trong những trường hợp như nghiện rượu, biến chứng từ bệnh gan, thận, suy dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng. Tụt đường huyết có thể nhận biết một cách dễ dàng qua một số triệu chứng như:

  • Cảm thấy run rẩy
  • Tim đập nhanh
  • Cảm giác đói bụng
  • Bồn chồn, hồi hộp, lo lắng hoặc hoang mang
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau đầu, giảm trí nhớ
  • Mờ mắt, nhìn đôi
  • Da và niêm mạc tái xanh

Nếu không được điều trị hạ đường huyết sớm, để đường huyết giảm sâu, người bệnh có thể bị co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.

Điều trị hạ đường huyết nhẹ theo quy tắc 15-15

Cách điều trị hạ đường huyết có thể hiểu đơn giản là nhanh chóng tăng lượng đường trong máu lên mức trên 70 mg/dL. Trong đó, quy tắc 15 – 15 là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.

Cụ thể, người bệnh sẽ bổ sung 15g carbs và kiểm tra lượng đường trong cơ thể sau 15 phút. Nếu chỉ số đường huyết vẫn ở dưới mục tiêu, hãy tiếp tục thực hiện cách làm trên cho đến khi đạt được phạm vi mong muốn.

Khi đã đến ngưỡng, người bệnh hãy tiếp tục dùng thêm một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng để đảm bảo lượng thức ăn không xuống quá thấp trở lại. Một số món ăn có chứa khoảng 15g carbs mà bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo qua:

  • 1 muỗng đường, mật ong hoặc siro
  • 1 nửa ly nước trái cây hoặc soda thông thường
  • 1 ly sữa
  • 2 – 3 viên glucose (lưu ý nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng)
  • Kẹo cứng, kẹo dẻo hoặc kẹo cao su (cần xem kỹ nhãn thực phẩm để biết chính xác lượng đường cụ thể trong đó)

Khi điều trị hạ đường huyết theo quy tắc 15 – 15, người bệnh cũng cần ghi nhớ một số quy tắc sau đây:

  • Cần có thời gian để lượng đường trong máu tăng lên sau khi ăn.
  • Trẻ em sẽ cần ít hơn 15g carbs, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
  • Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu khi có nhiều khả năng xuống thấp, đặc biệt là những lúc thời tiết nóng hoặc lúc bạn đi du lịch.
  • Hạn chế dùng nguồn tinh bột có nhiều chất xơ như đậu, đậu lăng hoặc có chất béo như socola. Bởi 2 loại chất này sẽ làm chậm tốc độ hấp thụ đường.

Hãy lưu ý rằng sau khi đã ăn thực phẩm chứa bột đường, đường huyết vẫn có thể tiếp tục hạ thấp. Bệnh nhân nên kiểm tra lại đường huyết sau 60 phút kể từ khi điều trị.

Điều trị tình trạng tụt đường huyết nghiêm trọng

Tình trạng hạ đường huyết được xem là nghiêm trọng nếu lượng đường trong máu xuống dưới mức 55 mg/dL. Lúc này, quy tắc 15-15 sẽ không còn là cách điều trị hạ đường huyết hiệu quả nữa.

Thay vào đó, sử dụng glucagon dạng tiêm sẽ là cách tốt nhất để giúp tăng lượng đường trong máu lên. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về một bộ tiêm glucagon có sẵn theo toa và dự trữ tại nhà. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên đảm bảo người thân bên cạnh sẽ biết được nơi cất giữ cũng như sử dụng chúng đúng cách.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc rất buồn ngủ, tuyệt đối không cho họ ăn bất cứ thứ gì mà giúp người bệnh tiêm glucagon nếu có sẵn và biết cách sử dụng. Sau 10 phút mà bệnh nhân tỉnh lại thì cho người bệnh ăn một bữa nhẹ có món chứa tinh bột như bánh mì, bánh quy, sữa… Còn trong trường hợp không có glucagon hoặc đã tiêm nhưng thấy bệnh nhân không tỉnh sau 10 phút, bạn phải gọi cấp cứu ngay.

Bên cạnh đó, khi bị nôn, người bệnh cũng nên tới bệnh viện vì rất có thể sẽ bị hạ đường huyết trở lại.

Tại bệnh viện, bác sĩ thường chỉ định truyền glucose ban đầu, sau đó duy trì bằng dextrose.

Một số cách chữa hạ đường huyết khác

Với những trường hợp hạ đường huyết không do tiểu đường, tùy thuộc vào nguyên nhân phát bệnh mà việc điều trị hạ đường huyết sẽ khác nhau. Chẳng hạn như:

Bị hạ đường huyết do thuốc:

Nếu thuốc là thủ phạm gây hạ đường huyết, bác sĩ sẽ đề nghị điều chỉnh liều lượng, đổi thuốc khác hoặc ngừng hẳn thuốc.

Do khối u:

Trường hợp bị tụt đường huyết do một khối u trong tuyến tụy, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ khối u ấy. Đôi khi người bệnh phải cắt bỏ một phần tuyến tuỵ.

Chỉ số đường huyết giảm là một tình trạng không quá xa lạ với bệnh nhân tiểu đường. Hãy thận trọng trong việc xử lý sớm và cần phải thăm khám nếu tình trạng này tái phát thường xuyên, dù chỉ là hạ đường huyết nhẹ. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Low blood sugar treatment

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version