Site icon Medplus.vn

Top 3 nguyên nhân gây nhược thị bạn nên biết

Top 3 nguyên nhân gây nhược thị

Nhược thị xảy ra khi việc truyền tín hiệu thần kinh giữa mắt và não gặp trục trặc, dẫn tới giảm thị lực. Tình trạng này thường xảy ra ở một bên mắt, hiếm khi nào ở cả hai bên. Có nhiều nguyên nhân nhược thị khác nhau và khi biết được những điều này, bạn sẽ biết cách để ngăn ngừa mất thị lực trở nên nặng hơn.

Nhược thị thường phát triển từ khi mới sinh cho đến năm trẻ 7 tuổi. Nếu không được điều trị từ sớm, tình trạng này có thể tiến triển với những dấu hiệu nghiêm trọng. Não bộ ngày càng phụ thuộc nhiều vào mắt có thị lực tốt hơn, dẫn đến thị lực ở một bên mắt kia bị yếu đi và theo thời gian sẽ mất thị lực vĩnh viễn.

Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu nguyên nhân nhược thị để biết cách phòng ngừa bệnh từ sớm nhé!

Nguyên nhân nhược thị là gì?

Mắt của trẻ phải học cách nhìn, cụ thể hơn là não của chúng phải học cách tiếp nhận và phân tích các tín hiệu thần kinh được gửi từ mắt tới não. Mất khoảng 3 – 5 năm đầu đời để trẻ có thể nhìn rõ như người lớn; và tới 7 tuổi các đường dẫn truyền thần kinh thị giác trong não mới phát triển đầy đủ.

Thông thường, não sử dụng tín hiệu thần kinh từ cả hai mắt để nhìn rõ. Tuy nhiên, một nguyên nhân nào đó khiến cho thị lực một bên mắt kém phát triển trong những năm đầu đời của trẻ. Điều này làm thay đổi các tín hiệu thần kinh giữa võng mạc phía sau của mắt và não.

Một bên mắt yếu hơn sẽ gửi hình ảnh mờ hơn về não. Não bắt đầu “tắt” tín hiệu thần kinh ở mắt yếu hơn này và ngày càng phụ thuộc nhiều vào bên mắt khỏe mạnh còn lại. Hai mắt không thể hoạt động đồng đều và gây nhược thị.

Nguyên nhân nhược thị có thể là do bệnh về mắt hoặc các vấn đề về thị lực. Cụ thể như sau:

1. Lác mắt

Thông thường, hai mắt sẽ phải di chuyển cùng nhau. Tuy nhiên, đối với trẻ bị lác mắt, hai mắt sẽ hướng về hai hướng khác nhau do sự mất cân bằng cơ. Một mắt vẫn có thể tập trung nhìn thẳng về phía trước, nhưng mắt còn lại bị lệch và chuyển hướng nhìn sang trái, nhìn sang phải hoặc chậm chí là nhìn lên xuống bất thường.

Điều này làm cho não nhận được hai hình ảnh rất khác nhau từ mỗi bên mắt mà nó không thể kết hợp chúng lại được. Ở người lớn, tình trạng này sẽ dẫn đến nhìn đôi. Nhưng ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển thị lực, não bỏ qua hình ảnh từ mắt bị lệch. Theo thời gian, thị lực một bên mắt suy giảm dần và đây chính là nguyên nhân nhược thị.

Nguyên nhân nhược thị do tật khúc xạ

Tật khúc xạ bao gồm các vấn đề thị lực phổ biến như cận thị (khó nhìn xa), viễn thị (khó nhìn gần) và loạn thị (nhìn méo mó hoặc mờ). Đeo kính thuốc điều chỉnh thị lực hoặc kính áp tròng sẽ giúp điều chỉnh các tật khúc xạ này, để cả hai mắt đều nhìn rõ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể mắc tật khúc xạ nặng hơn ở một bên mắt mà không được điều trị kịp thời. Điều này khiến não trở nên phụ thuộc vào bên mắt khỏe mạnh, khiến cho thị lực ở mắt còn lại không phát triển đúng cách.

Cấu trúc một bên mắt có vấn đề

Một số trẻ em sinh ra gặp vấn đề ở cấu trúc một bên mắt như bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, mí mắt chảy xệ (sụp xuống) hoặc sẹo trên giác mạc. Điều này gây cản trở ánh sáng đến mắt và làm hạn chế tầm nhìn ở một bên mắt, lâu dần làm suy giảm thị lực.

Tình trạng này ở trẻ sơ sinh cần được điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn. Đây thường được xem là nguyên nhân nhược thị nghiêm trọng nhất.

Các yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân nhược thị đã đề cập ở trên, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị nhược thị nếu:

  • Sinh thiếu tháng
  • Nhẹ cân lúc mới sinh
  • Tiền sử gia đình có vấn đề về mắt
  • Chậm phát triển.

 

Điều chỉnh nguyên nhân nhược thị, phòng ngừa bệnh tiến triển

Bạn không thể phòng ngừa bệnh nhược thị cũng như các vấn đề về thị lực khác là nguyên nhân nhược thị. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị sớm những vấn đề ở mắt của trẻ trong những năm đầu đời có thể ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.

Cách tốt nhất để phòng ngừa nhược thị là đi khám mắt thường xuyên. Hãy chắc chắn rằng trẻ được kiểm tra mắt kỹ lưỡng khi được 6 tháng tuổi và sau đó là 3 tuổi. Sau mỗi năm học, trẻ cũng cần được kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Amblyopia (Lazy Eye)

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version