Site icon Medplus.vn

6 nguyên nhân gây buồn nôn sau khi ăn bạn nên chú ý

6 nguyên nhân khiến bạn bị buồn nôn sau khi ăn

Buồn nôn sau khi ăn là một trong những triệu chứng về tiêu hóa bạn tuyệt đối đừng lơ là bởi “nguồn gốc” gây nên tình trạng này có thể đến từ những bệnh lý nguy hiểm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng buồn nôn sau khi ăn, từ thói quen ăn uống không điều độ, mang thai cho đến các nguyên nhân về bệnh lý. Chính vì vậy, để biết chính xác ăn xong buồn nôn là bệnh gì, bạn sẽ cần quan sát kỹ các triệu chứng của cơ thể.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn ăn xong buồn nôn cùng một số triệu chứng cụ thể, bạn hãy dành vài phút xem qua để có thể phần nào biết được mình đang bị gì nhé!

Ăn xong buồn nôn là bệnh gì?

Triệu chứng ăn xong buồn nôn có thể khiến cơ thể khó chịu, làm cản trở đến công việc và cuộc sống. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục trong thời gian dài thì có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý:

1. Buồn nôn sau khi ăn do thói quen ăn uống không điều độ

“Thủ phạm” phổ biến khiến nhiều người ăn xong buồn nôn chính là thói quen bỏ bữa hoặc ăn uống không đúng giờ. Nếu khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài, lượng axit dư thừa tích tụ trong dạ dày có thể “tấn công” ngược lại niêm mạc dạ dày, dẫn đến trào ngược thực quản và gây ra các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn sau khi ăn.

2. Ăn xong buồn nôn có thể do dị ứng thức ăn hoặc không dung nạp thực phẩm

Tình trạng không dung nạp thực phẩm có thể khiến bạn thấy buồn nôn sau khi ăn khoảng vài tiếng. Bạn có thể bị buồn nôn do:

  • Không dung nạp thực phẩm chứa lactose, chẳng hạn như sau khi ăn các sản phẩm từ sữa
  • Không dung nạp gluten, nhất là sau khi ăn ngũ cốc
  • Ăn nhiều thực phẩm dễ gây đầy hơi, chướng bụng như đậu hoặc bắp cải.

Một nguyên nhân khác có thể là do dị ứng thức ăn. Đây tình trạng cơ thể nhầm tưởng các protein có trong một số loại thực phẩm là “mối đe dọa” và do đó, dẫn đến các phản ứng đẩy thức ăn ra ngoài, gây triệu chứng buồn nôn sau khi ăn khoảng vài phút. Đôi khi có sưng mặt hoặc môi, khó thở, nổi mẩn đỏ, ngứa, đau bụng, tiêu chảy…

3. Buồn nôn sau khi ăn do ngộ độc thực phẩm và cúm dạ dày

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến ăn xong cảm thấy buồn nôn đó là do bạn ăn phải các thực phẩm không được nấu chín kỹ hoặc bảo quản không đúng, dẫn đến nhiễm các vi sinh vật.

Bạn cũng có thể bị buồn nôn sau khi ăn nếu bị cúm dạ dày, tình trạng dạ dày bị viêm do nhiễm virus. Tình trạng này thường do bạn tiếp xúc gần với người mang virus hoặc do dùng thức ăn/nước uống bị nhiễm virus.

Nếu nguyên nhân là do ngộ độc thực phẩm và cúm dạ dày, bạn có thể thấy buồn nôn sau khi ăn khoảng vài tiếng, đi cùng với các triệu chứng như sốt nhẹ, tiêu chảy, đau bụng.

4. Ăn xong buồn nôn có thể là triệu chứng của bệnh lý về tiêu hóa

Ăn xong buồn nôn cũng là triệu chứng ban đầu của rất nhiều bệnh lý về tiêu hóa như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Tình trạng cơ vòng thực quản bị “trục trặc”, khiến axit dạ dày tràn vào thực quản, gây cảm giác nóng ran trong ngực, ợ chua…
  • Các bệnh về túi mật: Túi mật nằm ở phía trên bên phải của bụng, có nhiệm vụ tiết mật để hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Nếu túi mật bị tắc nghẽn do sỏi, viêm,… sẽ cản trở hoạt động tiêu hóa bình thường. Triệu chứng đặc trưng của các bệnh về túi mật gồm buồn nôn sau khi ăn nhiều chất béo và đau bụng trên bên phải.
  • Viêm tụy: Dịch tụy cũng là phần không thể thiếu đối với quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu cơ quan này bị viêm hoặc tổn thương, bạn có thể bị buồn nôn đi cùng với các triệu chứng như đau ở phía trên bên trái hoặc giữa bụng, có thể lan ra sau lưng, sốt, đau bụng.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Buồn nôn là một trong những triệu chứng điển hình nhất của hội chứng này. Hệ tiêu hóa bị kích thích không rõ nguyên nhân, tạo ra nhiều nhu động bất thường. Ngoài buồn nôn, bạn có thể bị đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón luân phiên.
  • Bệnh tiêu hóa khác: như ung thư dạ dày, tắc ruột, liệt dạ dày, rối loạn hấp thu,… cũng là nguyên nhân khiến bạn ăn xong bị buồn nôn, nhưng ít gặp hơn.

5. Buồn nôn sau khi ăn có thể do mang thai

Buồn nôn sau khi ăn có thể là dấu hiệu sớm của việc mang thai và nguyên nhân thường là do sự thay đổi về nội tiết tố. Bạn có thể nghi ngờ mình mang thai nếu buồn nôn đi cùng với các triệu chứng mang thai khác như mệt mỏi, ngực nhạy cảm, trễ kinh…

Buồn nôn do mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Đa phần, các mẹ bầu sẽ bị buồn nôn và nôn khi mang thai 2 tháng. Tình trạng này không gây hại cho mẹ và bé và thường hết vào tháng thứ 3 – 5 của thai kỳ.

6. Các nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì triệu chứng ăn xong buồn nôn có thể là do:

  • Hội chứng đau nửa đầu: Có thể gây buồn nôn sau khi ăn, cùng với đó là các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn mửa và chóng mặt.
  • Lo lắng, trầm cảm hoặc căng thẳng dữ dội: Có thể dẫn đến chán ăn và buồn nôn. Ngoài ra, bạn còn bị mệt mỏi, giảm ham muốn, các vấn đề về giấc ngủ…
  • Dùng thuốc: Buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp của một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc thuốc hóa trị…
  • Nguyên nhân khác: Bệnh đái tháo đường, tăng áp lực nội sọ, sử dụng nhiều rượu bia. Tuy nhiên, buồn nôn chỉ là triệu chứng đi kèm và có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày chứ không chỉ riêng sau bữa ăn.

Cách trị buồn nôn sau khi ăn như thế nào?

 

Để giảm cảm giác buồn nôn sau khi ăn, bạn có thể thử một cách sau:

  • Uống nước ấm kết hợp ăn 1 quả chuối chín để làm dịu bụng
  • Uống 1 tách trà gừng ấm để giảm đau bụng, ổn định đường tiêu hóa và giảm buồn nôn
  • Uống trà bạc hà hoặc thoa dầu bạc hà lên bụng
  • Nhai bánh quy hoặc bánh mì bởi những món ăn này chứa rất nhiều tinh bột, giúp hấp thụ axit dạ dày.

Buồn nôn sau khi ăn có thể do nhiều nguyên nhân, vì vậy, những biện pháp trên chỉ mang tính khắc phục tạm thời. Bạn cần chú ý quan sát các triệu chứng của bản thân. Nếu buồn nôn sau khi ăn kéo dài hơn 5 ngày và đi kèm với các triệu chứng sau, bạn nên đi khám ngay:

  • Có máu trong dịch nôn hoặc phân
  • Tức ngực
  • Tiêu chảy kéo dài vài ngày
  • Có các dấu hiệu mất nước như hay khát nước, ít đi tiểu, suy nhược hoặc chóng mặt
  • Sốt trên 38,5 °C
  • Đau bụng dữ dội
  • Tim đập nhanh
  • Nôn nhiều

Trẻ nhỏ ăn xong buồn nôn cần được chú ý nhiều hơn, đặc biệt nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sốt trên 38,5 độ C, trẻ nôn trong 8 tiếng, nôn ra máu và đau bụng hơn 2 tiếng.

Do nguyên nhân khiến bạn ăn xong buồn nôn rất đa dạng nên khi gặp phải, bạn cần chú ý ghi lại các triệu chứng, thời gian buồn nôn và thức ăn đã ăn để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn.

Khi đi khám, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, nội soi ruột kết hoặc nội soi đường tiêu hóa trên, chụp CT hoặc MRI bụng… Tùy thuộc vào kết quả mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp.

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị buồn nôn sau khi ăn?

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn tránh bị buồn nôn sau khi ăn:

  • Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa, đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, có thể ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn
  • Lựa chọn và chế biến thực phẩm cẩn thận, tránh ăn các món không hợp vệ sinh
  • Tránh các thực phẩm từ sữa, ngũ cốc và các thực phẩm gây dị ứng nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose, gluten hoặc dị ứng thức ăn
  • Tránh ăn thực nhiều dầu mỡ, chiên xào hoặc cay nóng
  • Chú ý nghỉ ngơi, tránh làm việc quá căng thẳng. Để giảm căng thẳng, bạn cũng có thể thử tập thiền hoặc yoga.

Nhìn chung, triệu chứng ăn xong buồn nôn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và trong số đó vẫn có rất nhiều nguyên nhân từ các bệnh lý về tiêu hóa. Do đó, khi gặp phải tình trạng này, bạn tuyệt đối đừng chủ quan mà hãy chú ý nhiều hơn đến cơ thể nhé.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Why Do I Feel Nausea After I Eat?

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version