Đăng ký Bảo Việt An GiaĐăng ký Bảo Việt An GiaĐăng ký Bảo Việt An Gia

Ngứa môi: Top 7 nguyên nhân gây ngứa môi bạn nên biết

ngứa môi

Ngứa môi không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến việc ăn uống và sinh hoạt của người bệnh. Cảm giác ngứa ngáy ở vị trí này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm viêm môi, khô môi hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác. Ở mức độ nhẹ, ngứa môi có thể được kiểm soát bằng các biện pháp khắc phục tại nhà.

Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh tình trạng này trong bài viết sau.

7 nguyên nhân phổ biến gây ngứa môi

Tình trạng ngứa môi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

1. Ngứa môi do khô môi

ngua moi 2 1 - Medplus

Da môi rất mỏng manh và dễ bị kích ứng. Do đó, khi môi bị khô bởi một lý do nào đó, nó sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng ngứa môi và viền môi. Một số nguyên nhân gây khô môi thường gặp là thay đổi thời tiết, tác động của ánh nắng mặt trời, vi khuẩn, nấm, sử dụng mỹ phẩm…

 

2. Viêm môi tiếp xúc dị ứng

Viêm môi tiếp xúc dị ứng là tình trạng ngứa hoặc viêm da môi do tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng. Các chất này thường bao gồm son môi, kem đánh răng, nước súc miệng… Ngoài ra, các loại thực phẩm có chứa chất bảo quản hoặc hương liệu nhân tạo cũng là “thủ phạm” khiến bạn bị dị ứng môi.

Viêm môi tiếp xúc dị ứng có thể khiến môi bị sưng, ngứa, thậm chí là bong tróc da môi. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường là tạm thời. Đa số chúng có thể được kiểm soát trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

3. Ngứa môi do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc kê đơn có thể gây ra tác dụng phụ, dẫn đến viêm môi, ngứa môi, nứt nẻ và chảy máu. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn điều trị bệnh bằng retinoid (isotretinoin, acitretin, alitretinoin). Ngoài ra, thuốc kháng sinh có thành phần penicillin (như amoxicillin) cũng có khả năng gây ra vấn đề tương tự.

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, bạn cần tuân thủ hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng chúng. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần liên hệ với bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.

4. Tổn thương môi

Những thói quen như liếm môi, cắn môi có thể khiến môi bị tổn thương, dẫn đến sưng và ngứa. Nguyên nhân này thường phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.

 

Ngứa môi sẽ tái phát khi môi vẫn còn bị kích thích. Do đó, để tránh môi bị sưng và ngứa do tổn thương, bạn nên tập từ bỏ những thói quen xấu có thể gây tác động đến bộ phận này.

5. Viêm môi do ảnh hưởng của thời tiết

Thời tiết nóng bức, nhiều gió hoặc nhiệt độ lạnh trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi. Viêm môi do thời tiết thường xuất hiện ở những người sống tại các khu vực có khí hậu khắc nghiệt hoặc thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Không chỉ gây ngứa môi, tình trạng này còn khiến môi nứt nẻ, chảy máu.

6. Ngứa môi do nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm có thể khiến bạn bị sưng và ngứa môi. Virus herpes simplex, vi khuẩn strep (Streptococcus nhóm A), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus nhóm A) và nấm Candida đều là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.

Thông thường, cơn ngứa sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi các triệu chứng nhiễm trùng được kiểm soát. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

 

7. Các nguyên nhân khác khiến môi bị sưng và ngứa

Ngoài các nguyên nhân kể trên, môi có thể bị sưng và ngứa do các vấn đề như:

  • Lupus: Lupus là một bệnh của hệ miễn dịch có thể ảnh hưởng đến nhiều phần của cơ thể, thường gây đau, sưng, ngứa trên mặt, bao gồm cả môi.
  • Phát ban mãn tính: Tình trạng phát ban xảy ra thường xuyên và kéo dài trên 6 tuần.
  • Viêm nang lông: Viêm nang lông trên mặt có thể ảnh hưởng đến vùng môi, gây ngứa rát viền môi.
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, B2, B3, B6, C có thể khiến môi bị ngứa và khô.
  • Hội chứng Melkersson – Rosenthal: Một rối loạn thần kinh hiếm gặp có thể khiến môi bị sưng và ngứa.
  • Hội chứng Raynaud: là hiện tượng co thắt của các động mạch làm giảm dòng máu nuôi mô cơ quan. Tình trạng này thường xảy ra ở ngón tay và ngón chân nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến môi.

Khi nào bạn cần đến bệnh viện?

Bạn nên đến gặp các bác sĩ để kiểm tra nếu ngứa môi đi kèm với các triệu chứng sau đây:

  • Phát ban trên diện rộng, từ môi lan ra các vị trí khác trên khuôn mặt
  • Chảy máu môi và khó cầm máu
  • Môi sưng tấy
  • Khó thở.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần liên hệ với bác sĩ nếu tình trạng ngứa môi kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Để việc chẩn đoán diễn ra thuận lợi, bạn cần khai báo đầy đủ với bác sĩ về triệu chứng và các loại mỹ phẩm cho môi mà bạn sử dụng gần đây.

Nếu nghi ngờ ngứa môi là do dị ứng, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp một chuyên gia dị ứng để tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Nếu nghi ngờ tình trạng này có liên quan đến nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm candida, bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm nuôi cấy chuyên khoa.

Điều trị tình trạng ngứa môi

Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn dựa trên nguyên nhân gây ngứa. Nếu ngứa môi được xác định là do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc kháng sinh và chống nấm cho bạn. Nếu nguyên nhân là do dị ứng, bạn sẽ được chỉ định các nhóm thuốc kháng histamin để làm dịu và cải thiện cơn ngứa.

Dưỡng ẩm môi cũng là bước quan trọng giúp điều trị tình trạng này. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một loại son dưỡng ẩm phù hợp để tránh bị khô môi. Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc điều trị có thể gây ảnh hưởng đến môi để tìm phương án thay thế.

Phòng tránh tình trạng ngứa môi

Để ngăn ngừa tình trạng ngứa môi, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau đây:

Dùng son dưỡng để giữ ẩm và bảo vệ môi

ngua moi 1 - Medplus

Các loại son dưỡng có chứa thành phần chống nắng có thể giúp bảo vệ đôi môi của bạn khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Do đó, bạn nên sử dụng loại son dưỡng này khi ra ngoài vào những ngày nắng gắt.

Ngược lại, trong những ngày trời lạnh, bạn nên thoa một lớp mỏng son dưỡng và dùng khăn quàng cổ để giữ ấm cho môi. Để đảm bảo hiệu quả, bạn nên lựa chọn các loại son dưỡng không có chất tạo màu, tạo mùi và thành phần gây dị ứng.

Tránh các thói quen gây tổn thương môi

Nhiều người thường lầm tưởng rằng liếm môi là hành động giúp dưỡng ẩm môi, tránh cho môi khô nứt. Tuy nhiên, trên thực tế, thói quen này lại chính là nguyên nhân khiến cho môi bị khô và dễ tổn thương hơn.

Do đó, để ngăn ngừa môi bị khô và ngứa, bạn nên từ bỏ thói quen này. Thay vào đó, để dưỡng ẩm cho môi, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm chăm sóc môi an toàn và phù hợp.

Uống nhiều nước

Nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người. Theo các chuyên gia, uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm trong không gian sống có thể giúp ích cho sức khỏe của da và môi, ngăn ngừa tình trạng nứt nẻ, ngứa và khô môi.

Nhìn chung, ngứa môi không phải là một tình trạng quá nghiêm trọng và thường biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của các căn bệnh liên quan đến dị ứng và nhiễm trùng. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan và cần theo dõi kỹ các triệu chứng để kịp thời điều trị.

Như vậy, qua những thông tin Medplus đã tổng hợp, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về ngứa môi. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Allergic contact cheilitis

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Related Posts

Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.