Site icon Medplus.vn

Trẻ bị tự ti do đâu? – Những điều bố mẹ không nên bỏ qua

Trẻ bị tự ti có sao không?

Trẻ bị tự ti là khi trẻ không có niềm tin vào bản thân, luôn cho rằng mình kém cỏi hơn người khác. Tự ti khiến trẻ không được thể hiện bản thân. Nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều trẻ tự ti nhưng rất thông minh. Và chính sự tự ti này đã ngăn trẻ bước đạt được thành công. Có rất nhiều nguyên nhân hình thành tính cách tự ti ở trẻ. Một trong số đó phải kể đến cách giáo dục của nhà trường hoặc gia đình. Số khác lại do khiếm khuyết bẩm sinh của cơ thể. Mặc dù đây không phải một bệnh tâm lý nhưng nó ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và tương lai của trẻ. Vậy có thể cải thiện sự tự ti ở trẻ hay không? Mời các bạn xem qua bài viết.

Nguyên nhân khiến trẻ bị tự ti

Các nguyên nhân chính gây tự ti thường gặp ở trẻ như:

Khiếm khuyết về cơ thể

Một số trẻ khi sinh ra không được may mắn như nhiều trẻ khác. Những khiếm khuyết về cơ thể như quá thấp, chân vòng kiềng, răng thưa, lưỡi ngắn (gây đớt)… có thể khiến trẻ ngại tiếp xúc với người khác. Những khiếm khuyết này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vì vậy, bố mẹ thường không quan tâm và không cần cải thiện.

Kết quả học tập kém

Khả năng tiếp thu mỗi trẻ là khác nhau. Chưa kể, cách thức truyền dạy kiến thức của mỗi thầy cô giáo cũng khác nhau. Vì vậy, có những trường hợp trẻ học kém hơn các bạn trong lớp. Dù rất nỗ lực nhưng trẻ cũng khó theo kịp các bạn. Những trẻ này thường có rất ít bạn vì cho rằng bạn sẽ coi thường mình.

Tình trạng kinh tế gia đình khó khăn

Trẻ em không được chọn hoàn cảnh mình sinh ra. Có những trẻ có gia cảnh rất nghèo, dẫn đến điều kiện vật chất không bằng bạn bè. Từ đó trẻ sinh ra tâm lý tự ti. Cũng có những trẻ có gia đình rất khá giả, nhưng lại gặp biến cố trở nên nghèo túng. Những trường này lại càng mặc cảm hơn.

Trẻ bị tự ti do cách dạy dỗ của gia đình

Gia đình là nơi bảo vệ và giáo dục trẻ ngoài nhà trường. Tuy nhiên, có những gia đình lại ra sức bảo bọc trẻ quá mức. Ngoài giờ học trên trường, những gia đình này yêu cầu trẻ ngoan ngoãn ở nhà. Những tật xấu, tệ nạn ngoài xã hội là lý do phụ huynh ngăn cấm trẻ có bạn ngoài trường. Trẻ cũng từ đó mà trở nên thụ động, tự ti và thiếu khôn lanh.

Bạo lực gia đình

Trẻ từ nhỏ sống trong gia đình có bố mẹ giải quyết vấn đề bằng bạo lực rất dễ bị ám ảnh. Những trẻ này đi đâu cũng lo sợ bị người khác đánh đập, la mắng. Do đó, trẻ sẽ có xu hướng thu mình lại, hạn chế tiếp xúc, ngại kết bạn.

Dấu hiệu trẻ bị tự ti

Trẻ bị tự ti hiếm khi đưa ra ý kiến của bản thân. Trẻ cho rằng ý kiến bản thân thường sai hoặc dễ bị phản bác. Và sẽ thật xấu hổ nếu ý kiến của mình không được công nhận. Chính suy nghĩ này đã ngăn bé thể hiện quan điểm cá nhân và sống dựa vào cách suy nghĩ của người khác.

Trẻ tự ti luôn nói về những điều xui xẻo. Những lúc thất bại, trẻ sẽ đổ lỗi do thiếu may mắn chứ không phải do bản thân yếu kém. Những trẻ này cũng có cách nhìn rất tiêu cực về thế giới xung quanh.

Trẻ có cảm giác tự ti thường lẩn tránh mọi sự cạnh tranh. Chúng thường không dám nói lên suy nghĩ thật của bản thân, dễ dàng ghen tị với những đứa trẻ xuất sắc. Trong khi đó, bản thân lại thiếu chí tiến thủ luôn cảm giác lo lắng, bất an.

Trẻ tự ti rất cẩn trọng trong hành động của mình. Trẻ chỉ chấp nhận làm những việc mà bản thân nghĩ là sẽ làm được. Sự mạo hiểm gần như không tồn tại trong suy nghĩ những trẻ này.

Khắc phục cho trẻ bị tự ti

Bố mẹ đóng vai trò quan trọng để giúp đỡ con thoát ra khỏi vỏ bọc của sự mặc cảm và tự ti. Để giúp con tin tưởng vào bản thân, bố mẹ trước hết cần thay đổi thái độ và hành vi của chính mình, sau đó là định hướng dẫn dắt con.

Những điểm chính để khắc phục điều này:

Tin tưởng con, tôn trọng con, không so sánh, không dán nhãn, không phán xét con người mà chỉ nói về hành động.

Quan sát và thừa nhận cảm xúc của con, để con được thoải mái bộc lộ chính mình.

Tôn trọng ý kiến của con, tạo cho con cơ hội biến mong muốn thành hiện thực.

Bố mẹ luôn nhìn vào điểm tốt của con chính là giúp con học cách nhìn vào mặt tích cực của chính mình cũng như nhiều vấn đề khác.

Bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết cho con, hướng con đọc sách, học các kỹ năng mềm, giao tiếp nhiều để tích lũy giá trị bản thân.

Khích lệ con dám hy sinh, dám vấp ngã, để con được bước ra khỏi vùng an toàn, khi cần nhẫn chịu phải nhẫn chịu, từ đó trong con hình thành sự tự tin đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Bố mẹ phát hiện sự khác biệt, nhận ra tiềm năng ở con và giúp con phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Điều quan trọng là giúp con của ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm qua.

Lời kết

Trẻ bị tự ti vẫn còn là vấn đề bị coi nhẹ ở nhiều gia đình ngày nay. Tự ti một góc độ nào đó có thể giúp trẻ sống an toàn nhưng khiến trẻ bỏ lỡ bộc lộ tiềm năng của bản thân. Bố mẹ có nhiệm vụ giúp trẻ sống đúng với con người của mình. Hướng dẫn trẻ đối mặt với vấn đề theo cách hợp lý sẽ góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về tâm lý. Chúc bé và gia đình luôn khỏe mạnh.

Đừng quên ghé thăm Medplus.vn thường xuyên để cập nhật những kiến thức về sức khỏe dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhé.

Xem thêm các bài viết khác về sức khỏe trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh tại:

Nguồn: Tham khảo

Exit mobile version