Site icon Medplus.vn

Trẻ mút tay có đáng lo không?

Trẻ mút tay có đáng lo không?

Trẻ mút tay có đáng lo không?

Nhiều bố mẹ thường than phiền khi thấy trẻ mút tay và không biết làm sao để con ngưng làm điều đó. Nhưng liệu đây có thực sự là điều đáng để quan tâm tới mức như vậy?

Trẻ mút tay có ý nghĩa gì?

Trên thực tế, mút tay được coi là một phản xạ bản năng của trẻ nhỏ và hình thành ngay từ trước khi con ra đời. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ bắt đầu biết và có biểu hiện của phản xạ mút ngay từ trong bụng mẹ, khi được khoảng 32 tuần tuổi thai hoặc thậm chí là sớm hơn nữa. Do đó, việc các bác sĩ sản phụ khoa bắt gặp hình ảnh bào thai với ngón tay ngậm trong miệng khi siêu âm thai không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.

Trẻ em mút tay có tốt không?

Trẻ mút tay không có nghĩa là con đang khó chịu hay thiếu thốn tình cảm như nhiều người vẫn thường nghĩ. Việc trẻ sơ sinh mút tay không phải chỉ là hành động bản năng thông thường, mà còn có thể giúp con cảm thấy thấy thoải mái và phần nào hỗ trợ cho quá trình phát triển tâm lý, tình cảm và khả năng tự lập của trẻ sau này.

Khi mút tay, trẻ sẽ dễ tự đi vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn so với những trẻ không mút tay hoặc không được mút tay.

Ngoài ra, nhiều bố mẹ thường lo lắng rằng việc trẻ mút tay có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe răng miệng của con về sau. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, điều này chỉ có thể ảnh hưởng vĩnh viễn tới răng miệng của trẻ khi con bắt đầu mọc răng thay răng sữa, tức là vào giai đoạn 5-6 tuổi. Do đó, Hội đồng Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng bố mẹ chỉ nên can thiệp hành động mút tay của trẻ và liên hệ với bác sĩ trong trường hợp trẻ trên 5 tuổi mà vẫn mút tay.

Có nên cho trẻ mút tay không?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi mút tay của trẻ sơ sinh thường diễn ra phổ biến nhất khi con được khoảng 3 tháng tuổi. Nếu không có sự can thiệp của người lớn, việc trẻ mút tay có thể sẽ kéo dài cho tới khi con được 7 tháng tuổi. Sau giai đoạn này, đa số trẻ sẽ tự giảm hoặc ngưng hẳn việc mút tay.

Các bác sĩ đã thực hiện một nghiên cứu để quan sát hành vi mút tay của trẻ từ khi chào đời mà không bị can thiệp bởi bố mẹ hay ông bà. Theo nghiên cứu này, khoảng 94% trẻ khi được 12 tháng tuổi sẽ tự ngưng hẳn hành vi mút tay và số trẻ tiếp tục mút tay sau 2 tuổi chỉ chiếm 4%. Đối với những trẻ mút tay lâu dài thì tình trạng này sẽ tự giảm bớt khi con đi học mẫu giáo.

Ngoài ra, một điều mất ngờ nữa được rút ra từ nghiên cứu là nếu ông bà, bố mẹ càng ngăn cản và để tâm đến việc trẻ mút tay, con sẽ càng thực hiện hành vi này nhiều hơn và lâu hơn. Điều đó có nghĩa là, khi bị can thiệp quá nhiều, hành vi mút tay bản năng ban đầu của trẻ sẽ dần dần chuyển hướng thành hành vi với mục đích tìm kiếm sự quan tâm từ người lớn. Như vậy, việc ngăn cản trẻ sơ sinh mút tay là không cần thiết và bố mẹ không nên quá lo lắng và áp lực về việc này.

Trẻ mút tay phải làm sao?

Nếu sau tất cả thông tin trên, bố mẹ vẫn muốn trẻ ngưng mút tay thì có thể sử dụng núm vú giả để hỗ trợ cho trẻ “cai” mút tay. Tuy nhiên, núm vú giả cũng có thể đem lại những mặt bất lợi như đòi hỏi phải được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên.

Nếu trẻ mút tay một cách vui vẻ và hạnh phúc, bố mẹ cũng nên vui vẻ và hạnh phúc cùng con. Trẻ mút tay được xem là một hành vi bản năng bình thường, do đó bố mẹ cũng không nên coi nó như hành vi độc hại, không lịch sự và cần được ngăn cản lại. Qua bài viết trên, hy vọng đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về tình trạng mút tay ở trẻ nhỏ.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version